MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghề nuôi trồng thủy sản lao đao

16-09-2020 - 10:56 AM | Thị trường

Giá cá, tôm giảm sâu, năng suất thấp khiến các hộ nuôi thủy sản điêu đứng.

Người nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh miền Trung đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do thời tiết bất thường khiến dịch bệnh phát sinh và giá giảm sâu bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Lỗ nặng

Xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) nổi tiếng là vựa nuôi tôm hùm lớn nhất của tỉnh này, đang vào vụ thu hoạch tôm hùm thương phẩm (tôm thịt) nhưng người nuôi tôm ở đây "khóc ròng" vì giá rớt thê thảm.

Cụ thể, tôm hùm bông (tôm sao) được thương lái thu gom đồng giá (800.000 đồng/kg) đối với tôm các loại, gồm loại 1 (1 con 1 kg trở lên), loại 2 (từ 800 g đến dưới 1 kg) và loại 3 (từ 600 g đến dưới 800 g). So với 5 tháng trước, tôm loại 1 giảm khoảng 700.000 đồng/kg, loại 2 giảm khoảng 550.000 đồng/kg, loại 3 giảm khoảng 350.000 đồng/kg. Không chỉ rớt giá, mùa tôm hùm này ở xã Nhơn Hải còn bị thất thu bởi tôm bị bệnh sữa, long đầu khiến sản lượng giảm đến 40%, hầu như các hộ nuôi tôm hùm ở xã Nhơn Hải đều lỗ từ 300 triệu đến hàng tỉ đồng.

Nghề nuôi cá lồng bè trên biển cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Tại khu vực Hải Minh thuộc phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, có 80 hộ nuôi hơn 700 lồng cá hồng, bớp, mú, chẽm… đang đến kỳ xuất bán nhưng ít người mua. Thậm chí, nhiều thương lái đặt cọc đến nửa số tiền mua bè cá nhưng đến hạn vẫn không đến bắt cá. Hộ ông Nguyễn Văn Thành hiện là một trong những người có số lồng bè nuôi cá nhiều nhất ở Hải Minh với 50 lồng nuôi hơn 2.000 con cá bớp, 5.000 con cá chẽm và 4.000 con cá mú. Năm nay, ông Thành vừa thả cá giống nuôi hơn 1 tháng đã nhiễm bệnh, chết gần 40% trong tổng đàn. Nguyên nhân được các cơ quan chuyên môn xác nhận do năm ngoái không có lũ, khu vực nuôi không được làm sạch nên cá dễ nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 khiến sức tiêu thụ giảm, làm giá cá giảm theo. "So với thời điểm này năm ngoái, cá bớp giảm 30.000 - 40.000 đồng/kg, cá chẽm giảm 25.000 đồng/kg, cá mú giảm 100.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ vẫn chậm" - ông Thành than.

Nghề nuôi trồng thủy sản lao đao - Ảnh 1.

Các hộ nuôi tôm hùm trong lồng bè ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bị thiệt hại nặng. Ảnh: ĐỨC ANH

Tại tỉnh Quảng Ngãi, người nuôi trồng thủy sản cũng điêu đứng vì ảnh hưởng dịch Covid-19 và thủy sản chết hàng loạt do nguồn nước ô nhiễm và thời tiết thất thường. Tại huyện đảo Lý Sơn, vựa nuôi cá bớp của ông Trương Tày đã đến ngày xuất bán (trọng lượng trung bình 2 kg/con) xảy ra hiện tượng chết hàng loạt. "Cách đây 3 tuần, hơn 10.000 con cá bớp nuôi của nhiều hộ dân ở đây (từ 500 g đến 5 kg/con) cũng chết do thiếu ôxy vì dòng chảy yếu, nắng nóng" - ông Tày nói. Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ một vựa nuôi tôm hùm, cho biết giữa năm 2019, gia đình bà đầu tư gần 1 tỉ đồng mua giống tôm hùm về nuôi thả lồng bè. "Thông thường, tôm nuôi khoảng 7-8 tháng có thể vớt con lớn bán cho khách du lịch nhưng do dịch Covid-19, lượng tôm bán chẳng bao nhiêu. Hiện giá tôm còn giảm liên tục, không biết làm sao trả nợ" - bà Thanh nói.

Tại TP Đà Nẵng, theo thống kê, hoạt động khai thác thủy sản trong tháng 8 không được thuận lợi, dịch Covid-19 và thời tiết phức tạp khiến việc khai thác trong tháng này thấp hơn tháng trước. Tháng trước, ông Võ Văn Khoa (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) có đàn cá ba sa hơn 6.000 con đã đến độ xuất ao. Tuy nhiên, do TP giãn cách xã hội khiến cá của ông Khoa cùng nhiều hộ nuôi khác rất khó đến được với người cần nên ông đành nuôi tiếp, chịu lỗ chi phí thức ăn gần 100 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, giá tôm xuống thấp, đầu ra chậm khiến nhiều người nuôi tôm tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) cũng bị ảnh hưởng nặng.

Tìm hướng gỡ khó

Theo ông Nguyễn Hữu Trường, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ bị bó hẹp khiến giá thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện giảm khoảng 30% so với bình thường. Mặt khác, phần lớn hộ dân nuôi theo quy mô nhỏ lẻ nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra khiến cá, tôm chết nhiều.

Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt phương án sắp xếp nuôi trồng thủy sản vùng Đông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2030, hướng đến nuôi trồng quy mô tập trung theo công nghệ cao. Đến năm 2030, Quảng Nam hình thành từ 10 đến 12 vùng nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp quy mô từ 20 đến 100 ha/vùng với tổng diện tích 526 ha, chủ yếu tại huyện Núi Thành (356 ha) và huyện Thăng Bình (150 ha). Đối với khu vực nuôi cá lồng bè nước lợ/mặn đến năm 2030, tại các vùng cửa sông, ven biển huyện Núi Thành là 1.000 lồng. Ngoài ra, phương án còn quy định vùng bãi triều phát triển nuôi các loại nhuyễn thể (nghêu, hàu…) quy mô khoảng 100 ha tại các bãi triều xã Tam Hải, Tam Hòa (huyện Núi Thành)…

Ông Lê Đình Ca, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, cho biết địa phương đã khuyến khích người dân chuyển đổi, đẩy mạnh nuôi các loại cá, tôm phù hợp điều kiện địa phương, đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo hệ thống ao hồ, nuôi trồng theo hướng thâm canh, bán thâm canh. Đồng thời sẽ kết hợp hình thức nông nghiệp - du lịch tại một số vùng để tạo động lực phát triển, tạo thu nhập cho người nuôi.

Theo ông Trần Văn Phúc, quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, để bảo đảm lợi ích và sinh kế lâu dài cho các hộ nuôi, sở đã định hướng các hộ nuôi tính toán thật kỹ số lượng nuôi để tránh cung vượt cầu. Bên cạnh đó, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh việc liên kết và tham gia chuỗi tiêu thụ trong các cửa hàng, siêu thị lớn.

Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên