Nghệ sĩ An Trần Saxophone: "Tôi hay đùa rằng 'Bụt nhà không thiêng' thế nên tôi mới đi du học"
Chúng tôi cũng đã gặp gỡ An Trần trong lần trở về Việt Nam ngắn ngày để tham dự gala WeChoice Awards!
- 20-01-2024“Làm thế nào để người nghèo mua được kim cương?” - Ứng viên IQ cao đáp khéo được nhận vào làm luôn
- 20-01-2024Ăn lẩu cuối năm, 1 gia đình gặp nạn: Dùng bếp từ nhưng chủ quan ở điểm này như đặt “bom nổ chậm” trong nhà
- 19-01-2024Gửi tiết kiệm 68 tỷ đồng, 5 năm sau tới rút tiền thì tài khoản còn 100.000 đồng: Cảnh sát vào cuộc phát hiện 100 giao dịch lạ, 1 cá nhân bị bắt giữ
Nghệ sĩ An Trần Saxophone: "Tôi hay đùa rằng 'Bụt nhà không thiêng' thế nên tôi mới đi du học"
An Trần là con gái nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, là “con nhà nòi” thứ thiệt theo nghiệp của bố. An Trần đã từng được bố mẹ định hướng học chơi piano từ năm 4 tuổi. Nhưng đam mê với piano chưa bắt đầu vào thời điểm đó, cô gái lại tiếp tục tìm hiểu và mất 5 năm cho đến khoảnh khắc bén duyên với saxophone. Trong một lần bố mẹ vắng nhà, anh hai chính là người đầu tiên dạy cho cô cách chơi saxophone.
Hiện tại, An Trần có thể xem là một trong những nữ saxophonist Gen Z tài năng nhất hiện tại, từng kết hợp với loạt nghệ sĩ đình đám cũng như những dự án cá nhân cực “cool”. An Trần đã từng thể hiện tiếng kèn của cô trong bài hát Fashion Nova của Wren Evans, biểu diễn cùng Mỹ Anh trong một sự kiện nhạc jazz của 8 The Theatre, hợp tác với beatboxer Thái Sơn trong một đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và kết hợp cùng anh Charles với thử thách sản xuất nhạc trong 1 giờ đồng hồ. Ngoài ra, cô còn ra mắt trên Spotify những bài hát được fan yêu thích trong những màn hợp tác cùng rapper Táo và nữ ca sĩ VSTRA.
An Trần qua đó là một nhân vật tiên phong trong lứa những nghệ sĩ nhạc cụ Gen Z cống hiến hết mình, tài năng và đầy hoài bão. Và một đề cử cho An Trần tại hạng mục “Rising Artist” của WeChoice Awards 2023 là một sự ghi nhận hoàn toàn xứng đáng với những gì cô đã, đang và sẽ thực hiện với nền âm nhạc trong nước.
Chúng tôi cũng đã gặp gỡ An Trần trong lần trở về Việt Nam ngắn ngày để tham dự gala WeChoice Awards và nghe nữ saxophonist tài hoa này chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh chiếc kèn saxophone!
An Trần biết đến tiếng kèn saxophone hẵng là từ lúc… trong bụng mẹ! Thuở bé bạn đã trải qua âm nhạc từ tiếng kèn của chiếc kèn saxophone của bố ra sao? Lúc ấy, có khi nào bạn cảm thấy… phiền vì tiếng kèn ấy?
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 3 đời làm nghệ thuật và âm nhạc. May mắn hơn khi có ba là nhạc sĩ saxophone, mẹ tôi không chơi nhạc cụ nhưng thích thời trang, ông bà tôi thì có người làm múa rối nước còn có người làm cải lương. Tôi lớn lên ở tầng 3 của một jazz club nên tối nào cũng được nghe nhạc của mọi người chơi ở dưới nhà. Bằng một cách nào đó, nó đã đi vào tâm hồn của tôi.
Bạn cũng từng kể chuyện bạn từng được bố hướng theo học piano chứ không phải saxophone. Liệu bố có sợ “bụt nhà không thiêng” nên muốn hướng con gái đến một bộ môn khác? Đến khi nào thì bạn chính thức theo đuổi bộ môn saxophone?
Từ bé ba lại muốn tôi học piano. 4 tuổi tôi đã được học piano cổ điển nhưng cảm thấy không phù hợp nên đã trải qua một giai đoạn thử nghiệm nhiều thể loại nghệ thuật khác như: múa bale, nhảy, hội họa, làm kịch,... Điều vui khi sống trong gia đình làm nghệ thuật chính là việc mọi người hiểu được tôi muốn làm nghệ thuật, gia đình ủng hộ và hoàn toàn không ngăn cản. Và đó cũng là điều bất tiện: mọi người hiểu rất rõ về việc hoạt động trong giới nghệ thuật, những khó khăn trắc trở mọi người mọi người đều sẽ nói cho tôi.
Tôi vẫn chưa tìm được niềm đam mê cho đến khi được thử saxophone thì tôi rất thích. Và tôi đã quyết định là đây sẽ là người bạn của mình. Tôi nghĩ lý do bố Tuấn không muốn tôi theo con đường này vì bố cho rằng saxophone không phải là nhạc cụ dành cho nữ giới. Nó quá mạnh mẽ nên bố muốn con gái phải ngồi chơi piano nhẹ nhàng. Tôi không đồng ý với việc chỉ có nam giới mới chơi được saxophone.
Khi mọi người nghĩ đến nhạc jazz hay là saxophone, mọi người sẽ nhớ ngay đến hình ảnh một người đàn ông mặc vest, đội mũ phớt lịch sự thổi kèn. Nhưng tôi không hoàn toàn đồng ý với điều đó. Vì bất kể một nhạc cụ cũng phi giới tính và bất kỳ ai cũng chơi được. Không nhất thiết phải là một cá thể nào đó mới có thể chơi được nhạc cụ này. Vì mình chơi nhạc cụ và nói chuyện với nhau qua ngôn ngữ âm nhạc, bất kể ai có niềm đam mê và tình yêu với nó cũng có thể được nói lên bằng ngôn ngữ đó.
Đến một giai đoạn, bố cảm thấy tôi thực sự thích cây kèn này và tôi đã nỗ lực rất nhiều để bố cảm thấy an tâm rằng tôi đã và sẽ dành thời gian nghiêm túc cho nó. Quan trọng là tôi thật sự thích nó. Bố mới bảo rằng vậy lại càng tốt vì bố chẳng phải đi thuê giáo viên dạy mà bố sẽ dạy miễn phí cho tôi ở nhà.
Bạn dành thời gian để tập luyện saxophone ra sao suốt những năm qua? Bác Trần Mạnh Tuấn đã giúp bạn hoàn thiện tiếng kèn ra sao? Trong việc luyện tập, bố bạn có thể nghiêm khắc đến mức nào?
Lúc vẫn còn học với ba, tôi đi học từ sáng tới chiều về, ba thì bận đi diễn, đi dạy nên 2 ba con chỉ có khoảng một tiếng rưỡi đến hai tiếng với nhau để học. Bố Tuấn rất nghiêm khắc. Tôi rất sợ. Dù bố nghiêm khắc nhưng tất cả học trò của bố rất thương bố. Vì bố Tuấn muốn học trò mình giỏi hơn nên mới nghiêm khắc. Điều này áp dụng được với một đứa trẻ cứng đầu như tôi. Bố Tuấn là người dạy cho tôi nền tảng và truyền lửa đam mê, tiếp sức cho tôi.
Tôi hay đùa rằng vì bụt nhà không thiêng nên tôi mới đi du học. Thực ra, tôi nghĩ khi đi du học, mình sẽ có được nhiều trải nghiệm. Học càng nhiều thầy, tôi càng có nhiều kiến thức vì mỗi người tiếp nhận kiến thức một khác và mỗi người truyền đạt kiến thức lại khác, được tiếp cận với nhiều góc độ về âm nhạc hơn.
Câu hỏi này có vẻ sẽ khá mơ hồ, nhưng với một người trong cuộc, bạn miêu tả vẻ đẹp và sự cuốn hút của tiếng kèn saxophone ra sao? So với các nhạc cụ khác thì có gì đặc biệt khiến bạn say mê đến vậy?
Tôi thích saxophone vì âm thanh của nó. Tôi nghĩ là tiếng kèn khó được tìm thấy từ những nhạc cụ khác. Mặc dù công nghệ bây giờ rất hiện đại, có thể tạo ra những âm thanh rất xịn nhưng cũng không thể tạo ra được âm thanh thật như một người thật thổi. Quan trọng là thần thái và tình cảm mà người thổi kèn thả vào bài hát.
Chưa bao giờ bố dạy tôi về cách trình diễn nhưng tôi nghĩ tại nhìn bố trình diễn nhiều quá nên tôi bị ảnh hưởng phong cách biểu diễn từ bối rất nhiều. Nhưng vì trẻ hơn nên cũng có những cái khác so với bố. Nếu mọi người để ý sẽ thấy lúc nào tôi cũng nhắm mắt thổi kèn. Nếu mọi người thấy tôi mở mắt thì lúc đó chắc đang giận ai trong ban nhạc. Tôi nghĩ khi nhắm mắt mình có thể nghe được tốt hơn. Mỗi lần nhắm mắt chơi thì tôi có được một sự tập trung nhất định và cũng cảm thấy mình được kết nối với bài hát tốt hơn. Vậy nên, tôi chỉ mở mắt ra lúc nhìn đám đông và đường đi.
Bạn có dự định về hoạt động tại Việt Nam chưa? Nếu có, bạn có thăm dò gì về thị trường và bạn nghĩ các sản phẩm của mình liệu có nhận được sự quan tâm của số đông công chúng? Bạn có sợ công chúng chưa sẵn sàng?
Tôi muốn hoạt động ở trong nước và được kết nối với các bạn trẻ Việt. Đồng thời tôi muốn mang những kiến thức mà tôi học được từ nước ngoài về chia sẻ cho mọi người.
Bạn đánh giá thế nào về lứa nghệ sĩ Gen Z hiện tại của Việt Nam, liệu chất nhạc họ theo đuổi có tiệm cận với trào lưu quốc tế?
Tôi có một người bạn rất thích Tlinh. Tôi cũng rất thích Tlinh và Tlinh là top1 Spotify Artist của tôi trong năm nay. Tôi thích sự đa dạng và sự dám làm của Tlinh. Ở Tlinh có sự nổi trội và chất riêng của mình.
Tôi rất bất ngờ khi thấy được nhạc trẻ Gen Z Việt Nam bây giờ đã tiến xa hơn, âm nhạc của họ được chơi ở những nhà hàng hoặc là những quán cafe ở Mỹ. Ngoài ra thì tôi có những người bạn nước ngoài mà họ biết đến và rất thích nhạc Việt. Điều này làm tôi rất bất ngờ.
Từng kết hợp với không ít các dự án, nghệ sĩ như Ngọt, Wren Evans, Mỹ Anh, Táo,... bạn có phải là một người “kén chọn” khi chọn ai đó để hợp tác? Bạn sẽ đặt để tiếng kèn saxophone ra sao khi nhận lời hợp tác với một dự án?
Thực sự thì tôi cảm thấy nếu bài nhạc nào mà tôi kết nối được và tôi cảm thấy mình phù hợp với nó thì tôi sẽ làm ngay. Đối với những người mà tôi đã từng kết hợp, chúng tôi thường là bạn hoặc chúng tôi hiểu nhau và từ đó chúng tôi làm việc dễ dàng hơn.
Đến khi nào khán giả Việt Nam sẽ được thưởng thức một dự án riêng, solo của An Trần với tiếng kèn saxophone của bạn? Bạn định hướng âm nhạc của mình trong thời gian tới sẽ ra sao? Bạn có ấp ủ dự án nào và có thể bật mí một chút về nó?
4 - 5 tháng đầu của năm 2024 tôi sẽ tập trung vào đi học. Sau đó tôi về Việt Nam hơn ba tháng thì tôi sẽ dành ba tháng đó để đi trải nghiệm, đi kết hợp và đi làm nhạc với những anh em ở Việt Nam. Có thể hè này tôi sẽ có những dự án để chơi nhạc live của mình với ban nhạc của tôi. Hoặc có thể kết hợp với anh Lê Minh Hiếu và anh Sang Trịnh để làm show tại Việt Nam. Hãy cùng chờ đón nhé!
Hiện tại, khán giả của tôi ở Mỹ là những bạn sinh viên Việt Nam đi du học ở Mỹ và họ muốn tìm một nơi để thưởng thức âm nhạc và chơi nhạc. Họ muốn kết nối với cộng đồng người Việt. Ở Mỹ thì tôi đang chơi 2 dòng nhạc là JazzHop và Vietnamese Fusion, tức là tôi kết hợp giữa nhạc dân gian Việt Nam với Jazz. Nhưng chuyện dòng nhạc hay thể loại âm nhạc hiện nay khá dễ để hòa trộn. Nhạc gì cũng chơi.
Dòng nhạc Vietnamese Fusion đã được tạo ra từ rất lâu rồi và ba của tôi là một trong những người chơi Jazz Fusion và bác Nguyên Lê guitarist, là một người chơi guitar, rất là nổi tiếng ở Pháp. Ông là người gốc Việt nhưng ông sinh ra và lớn lên ở Pháp. Gần đây tôi có biểu diễn với ông Nguyên Lê. Tôi vừa diễn ngày 29, 30, 31 cùng với bác Nguyên Lê ở Jazz Club của bố tôi. Chính người bố và bác Nguyên Lê đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng để chơi cái dòng nhạc đó.
An Trần cũng theo học tại Học viện Berklee danh tiếng. Tại đây, bạn đã được học những gì và áp dụng đến công việc hiện tại ra sao? Chương trình học ở học viện âm nhạc danh giá này có áp lực?
Tôi đi từ năm lớp 10, bây giờ tôi đang học đại học năm 2. Tôi thi trực tiếp vào học viện và đó cũng là kỉ niệm đáng nhớ. Tôi đã bay từ California qua Boston để thi trực tiếp vào Berklee chứ không thi online. Hôm đó, tôi là người duy nhất mang cả một ban nhạc đến thi, trong khi mọi người chỉ đến và mang nhạc cụ riêng mà thôi. Các thầy cô rất bất ngờ và tôi cũng đã có phần dự thi khá tốt.
Lúc đầu, khi mới vào Berklee, tôi học ở ngành có tên gọi là “Sản xuất nhạc độc lập” nhưng sau 2 kỳ học, tôi lại chuyển qua ngành “Sản xuất âm nhạc và Kỹ sư âm thanh”. Hai ngành giống nhau ở một điểm đều là làm sản xuất. Nhưng khác nhau ở chỗ một cái mình làm trong studio tại gia, một cái là mình làm ở studio lớn chuyên sâu về tần số, âm thanh và technical hơn.
Mỗi một học kỳ có những môn học khác nhau và lịch học khác nhau. Lúc đầu sẽ có những môn học như luyện tai. Thầy sẽ đánh nốt xong mình nghe nốt gì, hợp âm này trưởng hay thứ, mình luyện nốt như thế nào rồi chép lại. Sau đó học phối khí, sản xuất và rất nhiều những môn đặc biệt. Học kỳ sau, tôi đăng ký nhiều môn thú vị hơn như trải nghiệm phòng thu trong vòng 2 - 4 tiếng. Ví dụ như làm sao để cắm dây, làm sao để khởi động máy. Ở trường, tôi rất thích một điều họ dạy là producer làm việc với một nghệ sĩ phải nhanh, họ đào tạo cho mọi người thói quen làm việc chuyên nghiệp từng phút một và tập trung trong công việc khi ở studio.
Ngành học này cho tôi rất nhiều thử thách và tôi được học những thứ mà tôi không nghĩ là tôi sẽ thấy hứng thú đến vây. Ví dụ trước đây khi tôi nói tôi thích âm nhạc hay sản xuất, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc một ngày tôi phải ngồi đo trần nhà để tìm xem khoảng cách âm thanh hai bên như thế nào, vào phòng thu đặt micro ở đâu cho hợp lý, ca sĩ thì dùng micro nào, saxophone thì dùng micro nào.
Cuộc sống tại Mỹ có khiến bạn gặp khó khăn? Đi đi về về Việt Nam thì hiện tại chương trình học của bạn đã hoàn tất?
Tôi đi du học một mình và tôi ở chung cư. Tại vì tôi nghĩ là ở trong ký túc xá tôi vẫn giống như là một em bé đi học xong rồi đi về ký túc xá của trường. Vậy nên tôi xin ba mẹ dọn ra chung cư, ở chung cư thì phải tự làm hết, tự nấu ăn, tự dọn dẹp nhà. tự làm tất cả.
Tôi cảm thấy rất là may mắn khi được hỗ trợ từ ba mẹ rất là nhiều và ngoài chuyện được 100% học bổng ra thì đã giúp được cho gia đình rất là nhiều thứ. Cái khó khăn duy nhất khi ở bên đó là đồ ăn. Đồ ăn ở bên đó không ngon và tôi nhớ cơm nhà làm và đồ ăn Việt Nam. Tôi không ở gần khu người Việt lắm nhưng có thể đi chưa đến một tiếng là tới khu người Việt.
Cuộc sống du học đã dạy cho bạn điều gì? Sống trong môi trường đa văn hóa như thế sự khác biệt với việc sống ở Việt Nam ra sao?
Berklee là một trường rất nổi tiếng, có thể là nổi tiếng nhất về sự đa dạng. Có rất nhiều người từ khắp mọi nơi đến Berklee. Đây là một nơi mà hầu hết tất cả những nghệ sĩ, nhạc sĩ muốn đi theo âm nhạc được đến học nên bất kỳ ai từ nơi đâu cũng biết đến và hướng đến Berklee.
Công việc biểu diễn saxophone có mang lại nguồn thu nhập đủ cho An Trần? Hay bạn chỉ cần “sống vì đam mê” vì có gia đình đứng sau? Hay bạn có một công việc làm song song?
Tôi đã có thể kiếm tiền từ việc làm nhạc của bản thân. Ở bên Mỹ tôi không có đi làm việc. Tôi đi diễn những show cho cộng đồng thôi bởi vì visa của tôi là F1, tôi không được phép kiếm tiền ở Mỹ.
Tại Mỹ, bạn vẫn tổ chức các đêm nhạc nhỏ tại pub. Bạn đứng ra tổ chức các sự kiện này như thế nào? Phản ứng của khán giả Mỹ khi nghe các phần trình diễn của bạn có gì đáng nhớ?
Ở Berklee, tôi thân với anh Sang Trịnh chơi guitar, ngoài ra còn có Lê Minh Hiếu chơi trống. Chúng tôi đã tạo một ban nhạc người Việt ba người tên là “Hay Ho” và đã đi diễn khá nhiều ở Mỹ.
Gần đây nhất chúng tôi có làm một show ở cafe RedRoom 939, là một địa điểm rất nổi tiếng ở Boston mà trước đây có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng biểu như là Ed Sheeran, Hozier,… những người trước khi họ nổi tiếng thì họ đã được mời biểu diễn ở đó. Tôi rất là vinh dự khi được trường Berklee lựa chọn là một trong những học sinh tiêu biểu để biểu diễn ở hội trường đó.
Trước đây, bạn có nghe gì về lễ trao giải WeChoice? Bạn nghĩ thế nào về thông điệp “Dám Đam Mê Dám Rực Rỡ”? Bạn nghĩ với những gì bản thân đã trải qua, bạn đã thực sự “dám đam mê, dám rực rỡ” chưa?
Về câu chuyện “Dám đam mê” thì tôi đã dám đối mặt qua chuyện mà phải dám đam mê với bố. Còn chuyện “Dám rực rỡ” thì tôi nghĩ là tôi rực rỡ đối với bản thân tôi rồi! Tức là tôi đã làm được những thứ mà tôi thử thách bản thân trong cái thời điểm đó và tôi mong là một ngày nào đó nó sẽ được thực sự rực rỡ ở bên ngoài để cho mọi người có thể nhìn thấy được và cảm nhận được.
WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp: Dám đam mê Dám rực rỡ.
Sau khi nhận được rất nhiều đề cử ấn tượng do cộng đồng gửi về, cổng bình chọn của WeChoice Awards 2023 đã chính thức mở từ ngày 8/1/2024. Ngay từ bây giờ, hãy bình chọn cho những nhân vật, câu chuyện mà bạn cảm thấy được truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất và xứng đáng tôn vinh tại WeChoice Awards 2023.
Thời gian bình chọn sẽ kéo dài từ 8/1/2024 đến 23h59 ngày 24/1/2024. Kết quả bình chọn sẽ được công bố vào đêm Gala vinh danh và trao giải diễn ra ngày 27/1/2024. Bình chọn ngay tại wechoice.vn!
Phụ nữ số