Nghệ thuật đòi nợ sao cho... sang: Hỡi các "con nợ chân chính", đừng ép tôi phải đòi nợ vào mồng 1 Tết!
Khi người cần vay tiền, người rót mật vào tai ta. Khi ta cần người trả nợ, người cho ta ăn trái đắng... Đời là thế!
- 08-01-2019Đã qua rồi cái thời chỉ biết trông chờ vào đồng lương cố định, dân văn phòng ngày nay đang “hái ra tiền” nhờ thứ vũ khí bí mật này
- 24-12-2018Từ nhân viên văn phòng đến một freelancer có thu nhập khủng, đây là cách người đàn ông 38 tuổi mạo hiểm sự nghiệp để có được thành công và đổi đời
- 19-12-20184 sai lầm khi ngủ trưa khiến sức khỏe dân văn phòng bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Đã lâu thấy không ai gọi, cũng không nhắn tin một lời
Phải chăng đang cho lòng thêm kiên nhẫn đợi
Biết bao thứ lo trên đời, mà cuối năm đến ngay chân rồi
Nhìn vào trong ví thấy sao bồi hồi
HÃY TỰ GIÁC ĐI các bạn ơi!!!
Ai đang nợ tôi thì hãy tự giác cất lời
Thời gian âm thầm trôi, đôi khi ta thờ ơ tưởng rằng quên mất nhau rồi
ĐỪNG ĐỢI NHẮC TÊN các bạn ơi
Ai đang nợ tôi thì hãy tự giác cất lời
(Trích lời bài hát "Tự giác đi'' - Bùi Công Nam)
Chưa đầy 1 tuần nữa là Tết Nguyên đán. Bao nhiêu nỗi lo đổ ập lên vai tất cả mọi người, nào là lo sắm Tết cho bên nội bên ngoại, cần chuẩn bị thực phẩm gì cho những ngày Tết, năm nay cần chi bao nhiêu tiền để lì xì... Và trong số đó, có những người canh cánh sự thấp thỏm chờ đợi: Làm thế nào để đòi nợ trước Tết?
Nói gần nói xa, nói đi nói lại, đòi nợ thì không khó nhưng đòi thế nào để đôi bên cùng vui vẻ, không gây mâu thuẫn kẻo ''năm mới năm me'' lại buồn rười rượi. Đòi nợ không cần có nghệ thuật, chỉ cần làm đúng quy trình từng bước, thái độ càng nhẹ nhàng càng dễ xong chuyện.
Nên nhớ: Đừng vội vàng, hấp tấp mà nóng giận rồi ''xôi hỏng bỏng không'', tiền không thu lại được, bạn mất tình tan rồi mang tiếng vào người.
Chắc chắn sẽ có 2 kiểu người này khi bạn đòi nợ:
1. Có thiện chí trả nợ nhưng đãng trí, hay quên: Với kiểu người này, bạn yên tâm là họ sẽ trả tiền cho bạn. Nhưng, phòng trừ ngày bạn đòi nợ họ lại không có đủ tiền, hãy tinh tế hỏi họ là ngày bao nhiêu nhận được lương hoặc thưởng Tết. Một ngày sau khi họ nhận được lương, hãy nhắn nhẹ nhàng cho họ là bạn cần tiền để mua sắm mà thiếu hơi nhiều. Cứ dùng thái độ nhẹ nhàng rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi.
2. Không có thiện chí trả nợ và luôn giả vờ hay quên: Đây là kiểu người ''đáng sợ'' nhất khi cho vay tiền. Đúng là cho mượn tiền mới biết bộ mặt thật. Chắc chắn bạn sẽ rất đau đầu khi phải đối diện với kiểu người này, tìm đủ mọi cách rồi tìm đến lời khuyên của bạn bè và thi thoảng sẽ vô ích vì họ có thể ''xù nợ'' bạn bất cứ lúc nào. Đã vậy, có nên nhắn tin đòi nợ mồng 1 Tết không? Đừng. Cứ để Tết của bạn ăn ngon mặc đẹp không phải để ý đến mấy người vô ý thức đó. Thôi thì, trước Tết, mỗi ngày nhắn 1 tin chăm sóc, hỏi han rồi dò ý chuyện trả nợ của bạn. Và không phải con nợ nào cũng dễ dàng để bạn tra tấn như vậy đâu, có khi họ chặn tất cả phương tiện liên lạc của bạn cùng một lúc... Vậy nên, hãy phòng trừ cả trường hợp bạn phải buông xuôi khoản nợ của bạn trong cay cú đấy!
Khi người cần vay tiền, người rót mật vào tai ta. Khi ta cần người trả nợ, người cho ta ăn trái đắng... Đời là thế!
Để đảm bảo hai bên cùng vui vẻ trong chuyện vay trả tiền, tốt hơn hết, hãy chú ý từng bước sau:
- Chọn mặt gửi vàng khi cho vay: Đừng để lòng tốt của mình bị lợi dụng. Nếu không, bạn sẽ ấm ức mãi thôi và sẽ không ngừng tự trách mình khi nhắc về chuyện cũ ấy. Nếu bạn cảm thấy có đủ lòng tin ở đối phương, hãy cho họ vay tiền và đừng ngần ngại nói ''không'' với họ, hãy viện một cái cớ thật có lý để không làm mất lòng họ. Đặc biệt, hãy cho vay khi có dư tiền. Nếu bản thân mình không có đủ tiền tiêu thì đừng nghĩ đến chuyện cho người khác vay rồi lại đến một ngày nào đó, bạn lại phải ''mở miệng'' đi vay tiền người khác.
- Nắm rõ thông tin của người vay tiền: Tất nhiên, đừng làm mọi chuyện quá căng thẳng như họ là tội phạm phạm một tội rất lớn. Nhưng bạn cần biết về họ vì lòng tin là chưa đủ. Người ấy là ai? Hãy hỏi trực diện. Trước hết, chúng ta cần biết họ là ai, ở đâu, nhà chỗ nào, số điện thoại chính chủ là bao nhiêu, số CMT, hộ chiếu càng tốt. Nếu chi tiết hơn nữa, thử dò hỏi số điện thoại, địa chỉ người thân họ, phòng trừ bỗng một ngày, họ... bặt âm vô tín.
- Ký tên vào một bản cam kết chung: Dù người ấy có mếch lòng hay không thì chữ ''tín'' vẫn được đặt lên hàng đầu. Giả dụ, người ấy lỡ hẹn tháng sau trả tiền mà 6 tháng sau vẫn chưa thấy đả động gì, đoán chắc lúc ấy tinh thần bạn đang hoảng loạn và chỉ muốn đến trước mặt người ấy hét to: "Trả tiền đi!''. Phòng trường hợp sức khỏe đi xuống như vậy, hãy làm một bản cam kết ghi đầy đủ tên của hai bên, liên lạc của hai người ngày tháng mượn tiền, số tiền mượn cụ thể là bao nhiêu, ngày bao nhiêu hứa sẽ trả và chữ kí/dấu của hai bên (cẩn thận thì dùng dấu vân tay). Chú ý là photo thành nhiều bản...
- Gần đến ngày trả nợ, hãy thi thoảng hỏi han, quan tâm: Và hãy nhớ, nên hỏi han hay quan tâm ở mức độ vừa. Đừng khiến cho họ sợ hãi mà ngẫu nhiên, bạn có thêm tính cách ''nhỏ nhen''. Nhưng cũng đừng ngại mà không hỏi thăm xem dạo này họ sống thế nào. Nếu họ vẫn còn quá khó khăn, bạn có thể chủ động gia hạn thời gian trả nợ hoặc chia nhỏ khoản tiền nợ ra để họ trả từ từ. Bên cạnh đó, việc này cũng giúp bạn đề phòng trường hợp người mượn nợ chưa muốn trả hoặc có ý định không trả.
- Chủ động đòi nợ, đừng để nước đến chân mới nhảy: Bạn có công có việc cần dùng tiền vào ngày X tháng Y mà ngóng trông mãi vẫn chưa thấy họ trả nợ. Chủ động là một bí quyết đòi nợ thành công. Bạn đừng để lúc quá hạn mới hỏi, có thể không phải họ cố tình ''xù nợ'' mà họ cũng bận nên quên đi. Cứ nhẹ nhàng, dịu dàng nhắn tin hỏi thăm 2, 3 câu đầu rồi đến câu thứ 4 vào luôn chủ đề chính. Ví dụ: “Bạn ơi, hôm tới mình bận nên không gặp bạn nhận tiền được. Bạn chuyển cho mình qua tài khoản XXX nhé”.
- Đừng dồn con nợ vào đường cùng mà hãy khiến họ tự bước vào... ngõ cụt: Hăm dọa không bao giờ làm nên chuyện tốt. Một, họ sẽ trốn tránh, bỏ chạy. Hai, thực tế, họ không có khả năng trả tiền bạn thật. Hai trường hợp này đều là hai trường hợp khó xử. Ở trường hợp hai, chúng ta nên giữ một thái độ nhẹ nhàng, hỏi thăm và thương lượng để tìm cách giải quyết. Còn ở trường hợp một, đôi khi, họ nghĩ bạn sẽ không dám làm lớn chuyện vì sợ đánh mất đi mối quan hệ nên cứ thế mà dây dưa. Bạn cần phải làm quyết liệt để cho họ biết rằng bạn không có ý định chây lì trong việc thu hồi nợ của mình. Hãy cương quyết để có cách đòi nợ nhanh nhất, hiệu quả nhất, tránh khó nói, quỵ lụy, bị lợi dụng về sau.
- Gợi ý chia số tiền ra thành từng khoản nhỏ để trả nợ: Thương lượng thành công chỉ là bước đầu, quan trọng vẫn là hình thức trả nợ. Nếu người bạn đó không thể trả hết tiền nợ trong một lần, hãy gợi ý họ chia nhỏ khoản tiền đó ra. Có thể nhiều người cho rằng cách trả nợ này hơi mất thời gian nhưng có tiền vẫn hơn phải không? Cách này vừa hiệu quả, vừa khiến người vay tiền không bị cuống quýt lại vừa giúp cho tình bạn mãi vững bền!!!
- Chấp nhận phải buông tay trong trường hợp xấu nhất: Làm gì thì làm, chắc chắn bạn vẫn phải luôn dự trù phương án xấu nhất. Bạn cũng sẽ không phải đau lòng, canh cánh một nỗi tức giận, mấy ngày Tết là để gia đình sum họp mà trong đầu chỉ muốn đến gặp người kia nói ''hai mặt một lời'' cho ra nhẽ. Thôi, buông bỏ có lẽ là cách ít mệt mỏi nhất.
Hãy coi đây là "học phí" giúp bạn hiểu được rằng, khi đụng đến tiền thì nên cẩn trọng vì nó có tác động rất lớn - trước hết là chi tiêu, thứ hai là mối quan hệ. Từ nay, khi cho mượn tiền, hãy suy nghĩ thật kĩ và đôi lúc cũng cần cân đong đo đếm chút niềm tin, bạn nhé!
Tết nhất đến nơi rồi, còn ai đang vay tiền thì đòi nợ ngay đi. Và hãy ghim ngay ngày mồng 1 Tết là ngày nào nhé, kẻo hội chứng đêm giao thừa vẫn còn lơ ngơ không biết ngày nào lại nhắn tin đòi nợ thì tội người ta lắm!!!
Trí thức trẻ