MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghệ thuật lãnh đạo "kinh điển" còn giá trị đến muôn đời của Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền

19-04-2018 - 15:34 PM | Sống

Để tạo nên sức hấp dẫn của thời kỳ Tam Quốc, yếu tố mạnh mẽ nhất có lẽ là tài trí của các vị vua trong đó nổi bật lên là nghệ thuật lãnh đạo mà quản trị hiện đại ngày nay chúng ta sử dụng thuật ngữ “leadership”.

Mỗi nhà lãnh đạo đều có những tư tưởng, phong cách và cách thức quản trị rất riêng để lại cho các thế hệ sau nhiều bài học đắt giá. Theo một cách "hiện đại", hãy cùng nhau phân tích những tư tưởng tiến bộ vẫn còn giá trị đến ngày nay của họ.

Tào Tháo

Sinh ra trong một gia đình không thực sự “lý tưởng” hay dễ dàng để có được thành công trong thời đại của mình, Tào Tháo nhanh chóng nhận ra rằng phải tự xây dựng con đường của riêng mình để có được quyền lực. Ông là một trong số ít các nhà cầm quân thời điểm đó có được tư tưởng lãnh đạo thực sự tiến bộ so với thời đại.

Đơn cử như cách dùng người, Tào Tháo không thực sự quan tâm đến vấn đề xuất thân của một con người khi sử dụng. Thay vào đó, Tào Tháo không ngừng tìm kiếm và thu thập các tài năng hết sức đa dạng trong nhiều lĩnh vực quy tụ về dưới trướng của mình. 

Có giai đoạn có đến hơn 100 quân sư được đánh giá là tài giỏi nhất tại thời điểm đó đang phò tá cho quân Tào. Họ có các hoàn cảnh xuất thân, kinh nghiệm và địa vị xã hội khác nhau; cũng như trải rộng trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, thơ ca, xây dựng tới nghệ thuật, khoa học, chính trị… Đội quân sư hùng hậu này đã đưa đến cho Tào Tháo nhiều quan điểm khác nhau để phân tích các vấn đề và mở rộng đáng kể các lựa chọn chiến lược của ông cho các cuộc chinh phạt của mình.

Nghệ thuật lãnh đạo kinh điển còn giá trị đến muôn đời của Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tào Tháo cũng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa sử dụng một “Bộ tham mưu” – nơi mà các cuộc thảo luận có tính “mở” buộc các thành viên phải động não và đưa ra ý kiến được ông thực sự khuyến khích. Đối với những ý tưởng không được thực hiện, ông vẫn đích thân gửi một phần thưởng cho người đã khởi tạo ý tưởng đó nhằm khích lệ và công nhận sự cố gắng của họ. Điều này đã giúp tạo ra một “môi trường làm việc” an toàn và đầy tính hỗ trợ cho các học giả thời đó, để rồi có những ý tưởng của họ không thực sự giúp ích cho thời chiến, nhưng sau đó lại cực kỳ hữu dụng trong việc cai trị của Tào Tháo sau đó.

Điều quan trọng nhất trong nghệ thuật lãnh đạo của Tào Tháo, đó là bản thân ông là bậc thầy của việc nắm giữ trái tim cũng như lý trí của các tướng, quân dưới trướng mình. Ông thực sự chân thành và liên hệ mật thiết với cảm xúc của người khác. Ông cũng thường xuyên khen thưởng những người có thành tích và trừng trị những hành vi sai trái một cách công khai, tạo một môi trường công bằng. 

Giành được sự tin tưởng của Tào Tháo là cực kỳ gian nan, như chúng ta đều biết, nhưng điều đó khiến mọi người đều hiểu được rằng: Họ cần thực sự thể hiện được sự trung thành và đạt được các thành quả nhất định cho tổ chức trước khi họ được thực sự tin tưởng. Sự cai trị của ông là nghiêm ngặt, nhưng ông cũng đã nhiều lần tha thứ một cách hào phóng, làm cho người khác cảm thấy biết ơn và cảm thấy buộc phải đáp lại ơn huệ ấy bằng cách giúp ích cho ông điều gì đó trong tương lai.

Lưu Bị

Trái ngược với xuất thân thấp kém của Tào Tháo, Lưu Bị là hậu duệ của một trong những vị vua của nhà Hán. Tuy nhiên khi triều đại sụp đổ, bất chấp dòng máu hoàng tộc của mình, ông vẫn lớn lên trong bần hàn và kiếm sống bằng nghề làm giày và thảm bằng rơm. Từ khi còn nhỏ, ông đã nung nấu khát vọng khôi phục lại triều đại nhà Hán quay trở lại thời kỳ vinh quang.

Nghệ thuật lãnh đạo kinh điển còn giá trị đến muôn đời của Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

So với các đế chế tương đối vững chắc của Tào Tháo ở phương Bắc và Tôn Quyền ở phương Nam, sự nghiệp cầm quân của Lưu Bị chẳng khác nào một “start-up” ngày nay. Tuy nhiên sự khởi nghiệp này cuối cùng đã trở thành một “Câu chuyện Steve Jobs” thời Tam Quốc – một quý ông khiêm tốn với tầm nhìn chiến lược và tính cách chính trực đã lên nắm quyền lực, đồng thời thu phục được lòng trung thành và mộ đạo vững chắc từ nhiều viên mãnh tướng huyền thoại và một nhà chiến lược thiên tài trong thời đại của mình, để rồi cuối cùng đã chinh phạt thành công một phần Trung Hoa.

Phong cách lãnh đạo của Lưu Bị có nhiều điểm khác biệt với Tào Tháo tuy nhiên không kém phần đặc sắc và đáng học hỏi.

Trái với một Tào Tháo đa nghi, Lưu Bị luôn có một niềm tin vững chắc với các thành viên trong đội ngũ lãnh đạo của mình trước tiên phải là người có đạo đức, có như vậy người khác mới nghe theo và sẵn sàng chiến đấu (thậm chí là sẵn sàng chết) vì một lý do chính đáng.

Những phẩm chất hàng đầu mà Lưu Bị đề cao đối với các lãnh đạo trung – cao cấp cũng như “nhân viên” của mình là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Đây là những đức tính mà hệ tư tưởng Nho giáo đã hun đúc nên và đề cao, áp dụng cho hầu hết các nền văn hóa phương Đông tại thời điểm đó và tiếp tục ảnh hưởng đáng kể tới hầu hết các nền văn hóa châu Á hiện nay.

Lưu Bị không có một “Bộ tham mưu” gồm các thành viên “cốt lõi” như Tào Tháo, nhưng mỗi thành viên trong đội quân của ông đều được giao những trọng trách cực kỳ quan trọng, đơn giản bởi Lưu Bị tin tưởng họ hoàn toàn. Phương châm của ông là: “Nếu bạn tin tưởng ai đó, hãy tin tưởng họ một cách hoàn toàn. Nếu không thể tin tưởng hoàn toàn, thà rằng đừng tin”. Đổi lại, những thành viên thân tín đã cống hiến một cách trọn vẹn để giúp quân đội của ông chiến đấu, giành chiến thắng đồng thời phát triển “start-up” của ông thành một đế quốc hùng mạnh thời bấy giờ. So với các nhà lãnh đạo khác, Lưu Bị có được và duy trì được mối quan hệ mật thiết hơn hẳn với các tài năng cốt lõi trong đội ngũ của mình.

Không giống như các quy tắc vua – tôi tại thời Tam Quốc, Lưu Bị cho phép “quyền phủ quyết” cuối cùng với các quyết sách quan trọng của chính ông đối với nhóm quân sư của mình. Ông thậm chí tin tưởng họ sẽ luôn giúp ông giữ được giá trị cốt lõi trong quan điểm lãnh đạo của mình là “đức” ngay trong những thời điểm khủng hoảng và tiến thoái lưỡng nan nhất. Sự tồn tại của một “Hội đồng” như vậy cho thấy sự cởi mở của Lưu Bị đối với quan điểm quản trị một cách dân chủ. Đây là sự khác biệt rất lớn trong quan điểm lãnh đạo của Lưu so với Tào: Tào rất tích cực tham khảo các ý kiến được đưa ra tuy nhiên quyết định cuối cùng luôn thuộc về ông.

Vì vậy khi bạn là nhà lãnh đạo và gặp được một người có đầy đủ: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, phải chăng nên học cách tin tưởng họ một cách hoàn toàn và trao cho người đó những trách nhiệm lớn lao? Có thể bạn sẽ được đền đáp một cách xứng đáng?

Tôn Quyền

Tôn Quyền trẻ hơn Tào Tháo và Lưu Bị đến 20 tuổi. Và khác với 2 người kia đã một tay gây dựng cơ đồ, Tôn Quyền được thừa hưởng từ người anh trai của mình sau khi ông qua đời. Khi Tôn Quyền lên ngôi ông chỉ mới 18 tuổi và vì thế vấn đề lớn nhất đặt ra đối với sự lãnh đạo của ông là: Làm sao để thống lĩnh được các vị tướng già khi họ thực sự không coi trọng năng lực của ông? – Đây cũng là vấn đề đặt ra với nhiều nhà lãnh đạo trẻ thời nay. Phải làm sao để dùng người chuẩn xác nhất và phát huy tối đa năng lực của họ để họ giúp mình bảo vệ vương quốc, chống lại sự xâm lăng từ phía Lưu Bị và Tào Tháo? 

Nghệ thuật lãnh đạo kinh điển còn giá trị đến muôn đời của Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền  - Ảnh 3.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bí mật nghệ thuật lãnh đạo của Tôn Quyền là Luôn nhìn thẳng về phía trước: Thái độ khiêm nhường và Sự tôn trọng một cách chân thành của người đứng đầu dẫn tới một đội ngũ hoạt động gắn kết và hiệu quả.  

Tôn Quyền ngay lập tức nhận ra rằng các vị tướng giàu kinh nghiệm sẽ đặt dấu hỏi về khả năng lãnh đạo của ông. Do đó, ông nhanh chóng “đặt mình dưới quân” – ông lui lại phía sau, cho họ thấy sự tôn trọng của ông với họ, đồng thời nhờ cậy đến 2 cố vấn thân cận và trung thành của mình là Trương Chiêu và Chu Du để nhanh chóng học hỏi các vấn đề về thao lược và cầm quân. 

Thái độ khiêm nhường đó của một vị vua đã thu hút được nhiều tài năng đến đầu quân. Có thể đó là những người không phù hợp với phong cách “cái tôi khôn ngoan” của Tào Tháo hay “những quý ông đạo đức” của Lưu Bị. Tôn Quyền đã chào đón những tướng tài này giống như người nhà của mình vậy. Và nhiều người trong số đó đã được ủy thác những trận chiến quan trọng nhất đối đầu với quân Lưu Bị hay Tào Tháo.

Thái độ ủng hộ sự gắn kết và hợp tác cũng đã đặt ông ở một vị trí dễ dàng trở thành đồng minh với một trong 2 phe Lưu – Cao tùy thuộc vào tình hình. Như trong trận Xích Bích nổi tiếng, liên quân Tôn – Lưu đã vô hiệu hóa 200.000 quân Tào chỉ với 40.000 quân.

Vậy nên nếu bạn là một nhà lãnh đạo trẻ, hãy cân nhắc giữ thái độ tốt, tôn trọng những người cố vấn đồng thời là những người đang hướng dẫn cho bạn, sẵn sàng để họ thấy bạn thấp hơn họ và giữ được sự trung lập trong mọi hoàn cảnh. Tôn Quyền đã vượt qua được và đứng đầu cả một vương quốc khi mới 18 tuổi, hẳn là bạn cũng có thể!

Mặc dù Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền đã sống cách chúng ta đến gần 20 thế kỷ, nhưng chúng ta vẫn có thể nhận ra và kết nối những phẩm chất lãnh đạo nổi bật của họ với công việc của chúng ta hiện nay. Phải chăng những yêu cầu của nghệ thuật lãnh đạo thời nay vẫn tương tự như thời Tam Quốc? Hay là về bản chất, nghệ thuật lãnh đạo hay đặc biệt là nghệ thuật nắm giữ tâm lý con người là bất biến?

Tâm An

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên