MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghề tín dụng – Đừng bỏ cuộc khi chỉ mới bắt đầu!

14-09-2017 - 09:15 AM | Tài chính - ngân hàng

Một cô gái 24 tuổi, chọn cho mình một nghề, đó chính là nghề tín dụng doanh nghiệp tại một Ngân hàng TMCP với định hướng phát triển bền vững. Ở tuổi còn khá trẻ, nhưng thời gian đã giúp tôi cảm nhận được nhiều điều.

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Nguyễn Thị Thủy - Chuyên viên Quan hệ Khách hàng Doanh nghiệp, PGD Đặc Thù Cửa Nam thuộc Khối SME, Ngân hàng TMCP An Bình gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.

-----------------

Gian nan vào nghề

Tôi - một cô gái 24 tuổi - bắt đầu với nghề ngân hàng bằng sự hướng dẫn của Sếp về những kiến thức cơ bản để trở thành một người bán hàng, được đọc, tìm hiểu về các sản phẩm dịch vụ và quy trình cơ bản trong ngân hàng, rồi kiếm khách hàng với các phương thức khác nhau,…

Công việc đầu tiên của tôi là Telesales, tôi được gặp từ những khách hàng nhẹ nhàng từ, đến những khách hàng quát tháo ngay vì đã nghe quá nhiều cuộc điện thoại chào mua chào bán, rồi cả những người cúp máy ngay lập tức, và cả khách hàng nghe mình tư vấn rồi chốt lại là “không có nhu cầu”... Có tuần, tôi không chốt được khách hàng nào hẹn và sử dụng sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng. Nhưng tôi không bỏ cuộc, tôi dặn lòng “mình gọi số lượng ít không hiệu quả, thì nghĩ lại xem là vì sao, không thì tăng số lượng lên..v.v rồi sẽ hiệu quả thôi”.

Rồi khi ra ngoài tìm khách hàng, có những ngày đi vài ba Showroom nội thành để hi vọng có thể làm quen được những người bạn Sale hãng xe, nhưng cũng chưa thể mang về một khách hàng nào, song tôi lại có thêm một, hai người bạn vào danh sách cần nhớ, hay một, hai số điện thoại lưu vào danh bạ, biết được tên vài ba công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải. Mọi thứ tôi đều ghi chép lại cẩ thận vì tin rằng một lúc nào đó sẽ cần đến.

Rồi có những ngày, mưa, nắng rong ruổi trên chiếc xe máy, tôi bắt đầu đi gặp những khách hàng đầu tiên. Chưa biết khách hàng sẽ ra sao nhưng tôi mừng lắm vì cuối cùng cũng có người đồng ý gặp mình. Nhưng vui thì vui vậy, nỗi buồn lại đến rất nhanh vì mãi mà tôi chẳng thể chốt được khách. Tôi chán nản và có lúc suy nghĩa rằng liệu nghề tín dụng này có hợp với mình không?

Tháng đầu tiên không có khách hàng, tôi lại tiếp tục. Tháng thứ 2, vẫn cứ tiếp tục, thế rồi tôi chốt được khách hàng cùng Sếp. Những tháng tiếp theo tôi bắt đầu đếm: 1 khách hàng, 2 khách hàng, rồi dần dần nhiều khách hàng hơn. Động lực với nghề trong tôi tăng dần lên và tôi bắt đầu thấy vui, thấy yêu cái nghề này hơn.

Bạn cùng lớp Đại học cũ của tôi bảo rằng “nghỉ việc đi, nên tìm việc khác, làm gì mà suốt ngày lăng xăng ngoài đường, đi sớm về muộn”. Nhưng không, tôi không sợ vất vả, tôi đã trót yêu nghề. Nghề tín dụng với tôi giống như một con ong thích đi tìm mật ngọt, dù rằng mới vào nghề tôi chưa thể nào đủ thời gian để cảm thụ vị mật ngọt đó nó có thực sự là “ngọt” đúng nghĩa hay không.

Cám dỗ bủa vây

Còn nhớ khi mới đi làm được 2 tháng, tôi tình cờ được 1 người gọi điện giới thiệu cho khách hàng là một doanh nghiệp đang kinh doanh thiết bị văn phòng có nhu cầu vay vốn 4 tỷ đồng, thế chấp bằng bất động sản. Kinh doanh mà, có khách hàng thì ai cũng muốn. Thế là tôi đồng ý thẩm định đánh giá khách hàng được giới thiệu. Nhưng đến thời điểm cuối trước khi trình hồ sơ, người giới thiệu lại gặp và ra điều kiện với tôi là sẽ phải được thỏa thuận hoa hồng giới thiệu trước khi giải ngân với khách hàng với một tỷ lệ phần trăm cao tới mức mà tôi chưa từng nghĩ tới. Và sau đó họ sẽ “cảm ơn” tôi.

Sau thời gian suy nghĩ, với những thắc mắc luôn hiện ra trong đầu cũng như về những con số nhảy nhót, về việc thẩm định chưa hoàn thành... Rồi tôi quyết định chia sẻ thêm với Sếp. Người dìu dắt tôi khi ấy đã phân tích cho tôi rất rõ các vấn đề cũng như phương án giải quyết và để cho tôi tự đưa ra quyết định. Sau đó, tôi nói với Sếp rằng do một số yếu tố thẩm định còn yếu nên tôi quyết tâm từ bỏ khách hàng này. Ít lâu sau, tôi nghe tin, khách hàng suýt giúp tôi hoàn thành chỉ tiêu ấy đã có khoản nợ quá hạn nhiều tháng liền trong thời gian gần đây tại một ngân hàng khác.

Lúc bấy giờ ngồi nghĩ lại, nếu thời điểm đó, bản thân tôi vì cám dỗ của đồng tiền và vì KPIs đang được giao mà bất chấp làm hồ sơ thì không biết có hậu quả sẽ thế nào. Song sự việc ấy cũng đã để lại cho tôi một bài học đáng nhớ về cái nghề đầy cám dỗ, cũng có vô vàn phức tạp và nguy hiểm này.

Đừng bỏ cuộc khi mới chỉ bắt đầu

Xuất phát là một sinh viên tốt nghiệp trường Kinh tế nhưng tôi không theo học chuyên ngành Tài chính ngân hàng, vì vậy kiến thức về Tài chính ngân hàng đối với tôi thật sự là khó khăn. Mỗi ngày tôi phải tự phát triển các mối quan hệ, tìm thêm nhiều phương pháp để tiếp cận khách hàng từ anh chị, bạn bè đồng nghiệp..v.v, học hỏi thêm nhiều kiến thức chuyên sâu về tài chính ngân hàng, cách nhìn nhận khách hàng từ những người đi trước.

Nhiều khó khăn tôi phải trải qua, thậm chí trong số 5-6 bạn bè cùng vào ngành ngân hàng với tôi khi ấy chỉ còn mỗi tôi trụ lại với nghiệp tín dụng, nhưng tôi vẫn có niềm tin rằng khó không có nghĩa là không làm được, khó là bởi mình chưa cố gắng hết sức mà thôi và tôi vẫn quyết tâm ở lại với nghề. Và thành quả sau hơn 1 năm, tôi mang về dư nợ và lượng khách hàng đủ cảm thấy hài lòng, một con số mà tôi cũng không nghĩ là mình có thể làm được và vượt qua được trong thời gian qua. Tôi vui lắm mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian qua mình đã làm và có được gì tích lũy.

Vinh quang đến thời điểm hiện tại của tôi đó chẳng phải là kiếm được bao nhiêu tiền lương, là đang ở vị trí nào, mà chỉ đơn thuần là những khách hàng chia sẻ bằng cả tấm lòng thành quả của chính mình để có được một doanh nghiệp như ngày hôm nay, niềm vui trong công việc đơn giản chỉ là tin nhắn khách hàng báo “doanh nghiệp cô hoạt động rất tốt, trước kì trả lãi cứ báo cô nộp trước vào tài khoản 1 tuần nhé”…Tôi tin rằng với những ai đã có tình yêu với nghề tín dụng thì đều muốn gắn bó với nó, như tôi vậy. Và tôi muốn nhắn nhủ với những bạn sắp bước vào nghề rằng hãy đừng từ bỏ khi mọi thứ mới chỉ bắt đầu, bạn nhé!

Nguyễn Thị Thủy (ABBank)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên