Nghe tin tôi sắp được đền bù, mọi người "quay ngoắt" thái độ!
Ông Thẩm chia sẻ, dù có 2 người con trai nhưng sau khi ông nghỉ hưu, ông vẫn phải sống một mình. Ông rất buồn lòng vì con trai ruột không quan tâm đến ông, những người thân trước đây ông luôn giúp đỡ cũng dần trở nên xa cách.
- 18-09-2024Cho 4 con thừa kế 23 tỷ đồng tiền đền bù đất, cụ bà bàng hoàng khi 2 năm sau không có nhà để về: Tòa án đưa ra phán quyết bất ngờ
- 16-09-2024Chê tiền đền bù phá nhà quá ít, gia chủ quyết ở lại: Sau 8 năm nhận kết cục bi kịch, phải ngậm ngùi dọn đi vì 1 lý do
- 15-09-2024Nhận đền bù gần 7 tỷ đồng, cụ bà viết di chúc trao cho con gái, 2 người con trai không có tên chẳng dám trách nửa lời
Bài chia sẻ đăng tải trên diễn đàn Toutiao (MXH của Trung Quốc) gây chú ý khi chia sẻ câu chuyện của ông Thẩm:
***
Tôi họ Thẩm, 71 tuổi, đã nghỉ hưu được hơn 11 năm. Hiện tại, tôi có lương hưu 4.100 NDT/tháng (khoảng 14 triệu đồng), phải sống một mình dù tôi có 2 người con trai. Cả hai con trai của tôi đều đã lập gia đình và có sự nghiệp riêng, đều có nhà có xe ở thành phố, cuộc sống và công việc đều đã tương đối ổn định.
Theo lý mà nói, một người già có điều kiện như tôi thì tuổi già đáng lẽ phải hạnh phúc, nhưng trong suốt thời gian qua, tôi không hề hạnh phúc chút nào. 2 người con trai ruột không mấy quan tâm đến tôi, những người thân trước đây luôn giúp đỡ cũng dần dần xa trở nên xa cách. Bây giờ, tôi chẳng khác nào một người già cô đơn, có tiền có nhà nhưng không có người thân bên cạnh quan tâm.
Nhìn lại thời còn trẻ, cuộc sống của tôi khá tốt, có một vị trí cao trong công việc, thu nhập tương đối ổn định. Người thân và bạn bè xung quanh đều đặc biệt thân thiết với tôi, nhà có thứ gì tốt, họ cũng nhớ mang đến cho tôi. Ngày lễ, tết, tôi luôn có rất nhiều người thân đến thăm. Nhà ai có việc vui, cũng mời tôi đến dự.
Mọi người đối xử tốt với tôi, tôi cũng luôn cố gắng đối tốt với họ. Bất kể họ có yêu cầu gì, chẳng hạn như nhờ mua đồ, đặt trước thứ gì đó, thậm chí xin việc làm hay giới thiệu đối tượng kết hôn, tôi đều giúp hết khả năng của mình.
Với 2 con trai, tôi cũng rất nỗ lực trong việc nuôi dạy con, luôn công bằng và không thiên vị. Đặc biệt, khi chúng lập gia đình và có sự nghiệp, công việc của cả hai đều do tôi nhờ người giới thiệu. Tiền lễ cưới và mua nhà cũng phần lớn là tôi đưa cho các con.
Khi đó, tôi tận tâm với mối quan hệ thân tình xung quanh mình, chưa từng to tiếng với ai và cũng chưa từng bị ai đối xử tệ. Mọi người đều rất tôn trọng và quan tâm đến tôi.
Tôi từng nghĩ rằng, mình có nhiều mối quan hệ tốt, thân thiết. Đến khi sự nghiệp của tôi gặp khó khăn, không còn địa vị như trước, bản thân ngày càng già đi, tôi mới nhận ra rằng những mối quan hệ mà mình đã dày công vun đắp bấy lâu nay lại trở nên thực dụng đến vậy.
Năm tôi 48 tuổi, cơ quan tôi làm việc phải giải thể và cuộc sống vốn dĩ tươi đẹp của tôi cũng lặng lẽ thay đổi, tôi bị điều chuyển đến một cơ quan khác. Mặc dù mức lương không tệ, nhưng danh tiếng không còn như trước. Từ đó, nhiều người thân xung quanh cũng bắt đầu xa lánh tôi, họ không còn thường xuyên ghé thăm như trước nữa. Thậm chí, khi gia đình tôi gặp biến cố, họ cũng không giúp đỡ tôi như cách tôi từng giúp họ trước đây.
Năm tôi 56 tuổi, vợ tôi bị bệnh. Trong thời gian đó, chỉ có một số ít người thân đến thăm và một số ít người tặng phong bì, còn rất nhiều người khác thì giả vờ như không biết, thậm chí còn không hỏi thăm được một lời.
Lúc đó, tôi muốn gom tiền cho vợ làm phẫu thuật, chi phí khoảng 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng) - 400.000 NDT (khoảng 1,4 tỷ đồng). Tôi có trong tay hơn 100.000 NDT (khoảng 348 triệu đồng), vẫn thiếu khoảng 200.000 NDT (khoảng 695 triệu đồng).
Tôi nghĩ đến việc vay mượn từ người thân. Cả bên nội và bên ngoại của tôi và vợ cộng lại cũng phải có ít nhất ba bốn chục gia đình. Tôi nghĩ nếu mỗi nhà cho vay một ít, tôi có thể gom đủ số tiền. Nhưng khi tôi gọi điện cho một số người thân mà tôi từng giúp đỡ rất nhiều, có người trả lời rằng không có tiền, người thì nói rằng không thể cho vay nhiều. Tôi đã vay 5 người và người cho vay nhiều nhất chỉ được 2000 NDT (khoảng 7 triệu đồng).
Nhìn cảnh vay mượn khó khăn như vậy, tôi từng nghĩ đến việc bán nhà nhưng nhà tôi ở là nhà cũ, rất khó bán. 2 con của tôi thì có nhà mới, nên tôi đã nghĩ đến việc bán một trong số nhà của 2 anh em. Tôi nghĩ rằng các con sẽ hiếu thảo và hiểu chuyện, nhưng không ngờ cả 2 đứa lại cho rằng mẹ chúng đã ở giai đoạn cuối rồi, dù có tiêu bao nhiêu tiền cũng vô ích nên không đồng ý cho tôi làm vậy.
Khi nghe các con nói như vậy, tôi vô cùng thất vọng và đau lòng. Cuối cùng, bệnh tình của vợ tôi cũng không thể cứu chữa được, bà đã mất. Sau khi vợ qua đời, họ hàng bên vợ dường như trở thành những người xa lạ. Ngoại trừ anh vợ thỉnh thoảng liên lạc với tôi, những người khác hầu như mấy năm trời không gặp mặt.
Còn 2 đứa con trai của tôi thì nói rằng, sau này chúng sẽ chăm sóc tôi chu đáo. Thế nhưng, chỉ có trong năm đầu tiên sau khi vợ tôi đi, chúng còn thường xuyên về thăm tôi. Sau này, chúng cảm thấy phiền phức. Ngày thường không về thăm cũng không sao, đến Tết các con cũng ít khi trở về. Các con thà ăn Tết ở thành phố lớn còn hơn về đây đón năm mới với tôi.
6 năm trước, tôi bị ngã phải nằm viện, chỉ có con trai cả về chăm sóc tôi, nhưng con cũng chỉ ở lại 5 ngày. Sau khi tôi phẫu thuật xong và tài xế gây tai nạn thuê y tá chăm sóc cho tôi, con đã quay lại thành phố luôn. Còn con trai út thì chỉ nhắn tin vài lời hỏi thăm và chuyển tiền, dặn tôi chú ý nghỉ ngơi, ngoài ra cũng không có gì đặc biệt.
Về phần những người thân mà trước đây tôi từng giúp đỡ, chỉ có vài người thân sống gần đây đến thăm, nhưng cũng là kiểu xã giao. Họ mang đến chút trái cây, tặng phong bì nói vài câu rồi lấy cớ bận việc mà rời đi.
Còn những người không đến, họ cũng không gọi điện hỏi thăm, điều đó thực sự khiến tôi rất đau lòng. Tôi không phải là tính toán chuyện phong bì mà là vì tôi từng giúp đỡ họ rất nhiều, vậy mà khi tôi gặp chuyện, họ lại không hỏi thăm lấy một câu.
Thật lòng mà nói, tôi cảm thấy người thân và 2 con trai còn không bằng những người bạn và hàng xóm tốt xung quanh tôi. Trong thời gian tôi nằm viện, hàng xóm và những người bạn thân sống cùng khu phố đều đến thăm tôi. Tôi nhớ nhất là vợ chồng nhà hàng xóm đã đến thăm tôi nhiều lần và còn tận tình nấu cháo gà cho tôi.
Điều nực cười hơn nữa là tôi đã sống một mình suốt nhiều năm qua. Người thân thì không hỏi han, cũng không đến thăm, 2 đứa con trai thì ít về nhà, ít gọi điện. Vậy mà đầu năm nay, không biết từ đâu rộ lên tin đồn rằng căn nhà cũ của tôi sắp được nằm trong diện quy hoạch giải tỏa, sắp được đến bù. Những người thân đã không liên lạc nhiều năm, cùng với 2 đứa con không mấy quan tâm đến tôi bỗng nhiên lại trở nên thân thiết, hỏi han tôi nhiệt tình.
2 đứa con trai cũng quay về làm thân với tôi. Chưa giải tỏa mà các con đã bắt đầu bàn bạc về việc phân chia tiền đền bù. Chúng còn trở nên rất hiếu thảo, cả hai đều nói rằng sau khi nhà bị giải tỏa, chúng sẽ đón tôi về ở cùng.
Mặc dù trong 6 tháng trở lại đây, nhà tôi lại trở nên nhộn nhịp như trước, giống như khi tôi còn làm việc ở ở quan cũ, nhưng tôi lại cảm thấy không thoải mái. Trước đây, tôi đã từng nghĩ rằng nhiều mối quan hệ sẽ dần phai nhạt theo thời gian, nhưng tôi không ngờ rằng, tình cảm giữa những người thân của tôi khi tôi về già lại thực dụng hơn tôi tưởng rất nhiều.
Theo Toutiao
Thanh niên Việt