Nghi án mẹ thắt cổ con và cháu ở Hà Nội: Căn bệnh trầm cảm thật sự đáng sợ
Vụ người mẹ giết con và cháu ở khu chung cư Thanh Hà khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Bên cạnh những phẫn nộ và giận dữ, xót xa thì người ta cũng giật mình bởi sự đáng sợ của căn bệnh của thời hiện đại mang tên: Trầm cảm.
- 21-07-2018Nóng: Người mẹ nghi thắt cổ con và cháu 6 tuổi tử vong rồi treo cổ tự sát bất thành trong khu đô thị ở Hà Nội
- 21-07-2018Xót xa cảnh người chồng khóc ngất, không thể đứng vững khi hay tin vợ là nghi phạm thắt cổ 2 cháu bé tử vong
Đêm ngày 20/7, cư dân tại khu đô thị Thanh Hà bàng hoàng, đau xót khi chứng kiến vụ việc. Theo nhân chứng, một người phụ nữ có ý định nhảy lầu tự tử, chị ta đứng trên sân thượng của tòa nhà và hét lớn "tôi giết con tôi rồi". Ngay sau khi can ngăn được người phụ nữ đó, mọi người lập tức mở cửa nhà chị ta thì phát hiện sự việc đau lòng.
Người dân sinh sống tại khu chung cư này vẫn chưa thể tin được sự việc rùng mình này lại xảy ra. Nhiều người phán đoán, người phụ nữ bị bệnh trầm cảm nên không kiểm soát được hành vi. Các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ sự việc.
Chưa rõ người phụ nữ đó có bị trầm cảm thật hay không, nhưng những tác động của bệnh trầm cảm đến sức khoẻ, tinh thần của con người thì có thật.
Chắc hẳn, nhiều người vẫn nhớ, vụ mẹ giết con mới 33 ngày tuổi vì trầm cảm sau sinh ở Thạch Thất, Hà Nội hồi năm ngoái. "Hổ dữ còn không ăn thịt con", có lẽ trong suy nghĩ của nhiều người, việc bị trầm cảm không đủ để lý giải cho hành động tày trời đó của người mẹ.
Ngày nay, căn bệnh trầm cảm đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng của xã hội. Những nỗi buồn tủi, uất ức, sự bế tắc trong cuộc sống tích tụ hàng ngày khiến người ta gục ngã. Căn bệnh trầm cảm quái ác đã có thể khiến những người hiền lành hàng ngày bỗng nhiên trở thành một kẻ giết người chỉ trong tích tắc.
Chúng ta không thể dùng lý do bệnh tâm lý để biện minh cho một tội ác đã xảy ra, nhưng việc nhìn nhận lại sự nguy hiểm của nó là cần thiết, để không còn những bi kịch đau đớn như thế xảy ra nữa. Tất cả chúng ta đều cần phải biết những nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm và cách để nhận biết nó trước khi có những hậu quả đáng tiếc.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc căn bệnh trầm cảm. Nguyên nhân gây ra bệnh có nhiều dạng và có thể là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Trong đó, những yếu tố phổ biến bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Bạn sẽ dễ bị mắc bệnh trầm cảm hơn những người khác nếu như trong gia đình có người thân từng mắc bệnh này.
- Căng thẳng: Cuộc sống nhiều áp lực, một cú sốc tâm lý cũng là một tác nhân gây ra bệnh trầm cảm như người thân qua đời, chuyện tình cảm, công việc...
- Do ảnh hưởng của bệnh tật: Các bệnh tật như ung thư, sa sút trí tuệ... ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người bệnh.
- Yếu tố nội tiết: Sự thay đổi của các hormone trong cơ thể theo giai đoạn như tiền mãn kinh, sau sinh... cũng khiến tâm sinh lý thay đổi, dễ khiến người ta căng thẳng và lâm vào tình trạng trầm cảm.
Theo chuyên gia thần kinh, nguyên nhân số 1 gây nên trầm cảm là stress, căng thẳng trong cuộc sống. Trong cuộc sống hiện đại người ta phải đối mặt với nhiều áp lực khiến tinh thần mệt mỏi, căng thẳng hơn. Những người bị trầm cảm rất khó chia sẻ với người khác. Họ thường chìm đắm trong nỗi chán chường, bất lực với bản thân và thực tại mà không thể thoát ra được. Trong khi đó, những người xung quanh lại không thể hiểu, chia sẻ cảm xúc với họ khiến họ luôn cảm thấy bị kìm nén, bức bối.
Tình trạng trầm cảm kéo dài với các triệu chứng buồn chán, suy nghĩ tiêu cực bị quan sẽ khiến bệnh nhân ngày càng cảm thấy tồi tệ hơn, đến mức độ phát thành hành động làm tổn hại người khác và chính bản thân họ để giải thoát. Những diễn biến trong suy nghĩ của người bị trầm cảm có thể rất nhanh và nguy hiểm, do đó sự thấu hiểu, sẻ chia của người thân rất cần thiết.
Bệnh trầm cảm là một căn bệnh đáng sợ. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh trầm cảm cao gấp 2 lần nam giới. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phụ nữ thường phải gánh những công việc nhiều hơn như công việc xã hội, gia đình, áp lực dồn nén, bận rộn con cái không có thời gian chia sẻ...
Nếu như những người thân trong gia đình vô tâm làm ngơ, người phụ nữ sẽ bơ vơ, không thể chia sẻ cùng ai khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn và họ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng không lường trước được.
Điều quan trọng hơn tất cả là chúng ta không thể lờ đi căn bệnh trầm cảm nói riêng và các bệnh tâm lý nói chung, nhất là đối với các bà mẹ vừa sinh con. Tâm lý của con người là một câu hỏi không bao giờ có lời giải chắc chắn và không có kịch bản chung nào cho hậu quả của một cơn trầm cảm.
Chúng ta đã nghe nói, chứng kiến rất nhiều những người đã sụp đổ vì đấu tranh với trầm cảm trong một thời gian dài. Cuộc sống càng hiện đại càng hối hả, con người càng phải đối mặt nhiều hơn với những lo âu, áp lực từ cuộc sống. Đừng che giấu nỗi ức chế, dồn nén những nỗi đau một mình, hãy sẽ chia và học cách tự cân bằng chính mình để không để xảy ra những hệ lụy không đáng có.