Nghĩ bằng đại học chỉ là "mảnh giấy rất tốn kém", một bộ phận giới trẻ Mỹ lao vào thị trường lao động với niềm tin có thể tự học ở "trường đời"
Đại dịch là khởi đầu của sự thay đổi mà chưa ai biết hậu quả của nó sẽ ra sao với nước Mỹ.
- 10-03-2023Nỗi khổ không của riêng ai: Phần đông người Mỹ phải tích cóp cả 100 năm mới đủ tiền mua nhà
- 09-03-2023Trả lời câu ‘bao nhiêu tiền mua được hạnh phúc’, các chuyên gia công bố con số bất ngờ
- 09-03-2023Quốc gia phát triển chứng kiến cảnh người dân ‘hồ hởi’ đi vay tiền, nay ‘đau khổ’ nhận margin call
Khi nhìn về tương lai, Grayson Hart luôn nghĩ đến việc đạt được một tấm bằng đại học. Anh là một học sinh giỏi tại một trường trung học tốt. Hart muốn trở thành một diễn viên hoặc một giáo viên. Anh đã lớn lên với niềm tin rằng đại học là con đường duy nhất để có một công việc tốt, ổn định và một cuộc sống hạnh phúc.
Nhưng rồi đại dịch ập đến và thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của Hart.
Một năm sau khi tốt nghiệp trung học, Hart đang chỉ đạo một chương trình sân khấu dành cho giới trẻ ở Jackson, Tennessee. Anh được nhận vào tất cả các trường đại học mà bản thân đã đăng ký nhưng Hart lại lựa chọn từ chối hết.
Không biết vào đại học để làm gì
Chắc chắn chi phí là một yếu tố lớn khiến Hart không còn muốn vào đại học nữa, nhưng một năm học trực tuyến đã cho khiến anh nghĩ lại:
“Khi trải qua đại dịch, có rất nhiều người trong chúng tôi phải tìm mọi cách để tự xử lý mọi thứ và rồi nhận ra rằng: “Ồ mình có thể tự học, tự hiểu và tự làm được mà.” Vậy tại sao tôi lại đi tiêu hết tiền của mình để có được một mảnh giấy không thực sự hữu ích cho những gì mà tôi đang làm bây giờ?”
Hart nằm trong số hàng trăm nghìn thanh niên trưởng thành trong đại dịch và không học đại học. Nhiều người đã chuyển sang làm công việc tính theo giờ hoặc nghề nghiệp không yêu cầu bằng cấp. Những người khác thì muốn cũng không đi học nổi vì học phí cao và có nguy cơ đối mặt với các khoản nợ vay sinh viên.
Ban đầu, đây là một trận đại dịch. Giờ đây, nó trở thành một cuộc khủng hoảng. Trên toàn nước Mỹ, tỷ lệ tuyển sinh đại học đã giảm 8% từ năm 2019 đến năm 2022, với mức giảm vẫn tiếp diễn ngay cả khi các lớp học trực tiếp đã hồi phục trở lại, theo dữ liệu từ National Student Clearinghouse. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tỷ lệ trượt đại học đang được ghi nhận ở mức cao nhất kể từ năm 2018.
Các nhà kinh tế nói rằng tình trạng này có thể gây ra những tác động rất nghiêm trọng.
Nếu nhìn theo hướng xấu nhất, đây có thể là sự báo hiệu cho một thế hệ mới không mấy tin tưởng vào giá trị của tấm bằng đại học. Nếu nhìn vào viễn cảnh đỡ đen tối hơn, có lẽ những người đã đỗ đại học trong thời kỳ đại dịch đang lùi lịch học của mình lại đến thời điểm thích hợp. Thế nhưng, việc họ đến đại học sau 1,2 năm nữa vẫn chưa xảy ra.
Ít sinh viên tốt nghiệp đại học hơn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe đến công nghệ thông tin.
Theo Trung tâm Giáo dục và Lực lượng lao động của Đại học Georgetown, những người bỏ học đại học thường có thu nhập cả đời thấp hơn khoảng 75% so với những người có bằng cử nhân. Và khi nền kinh tế sa sút, những người không có bằng cấp sẽ có khả năng bị mất việc làm lớn hơn.
Nhà nghiên cứu của Georgetown tên Zack Mabel cho biết: “Đó là một kịch bản khá nguy hiểm đối với sức mạnh của nền kinh tế quốc gia của chúng tôi.”
Thế hệ thực dụng?
Trong hàng chục cuộc phỏng vấn với The Associated Press, các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và sinh viên đã mô tả về tình trạng một thế hệ quá mệt mỏi vì các tổ chức giáo dục. Phần lớn đã phải tự học trong quá trình dạy học trực tuyến trong khi nhiều người đã nhận làm các công việc bán thời gian.
Một số người cảm thấy chẳng học được gì nên nghĩ đến cảnh tiếp tục học thêm 2 hay 4 năm nữa như vậy không phải là một điều hấp dẫn.
Đồng thời, nợ sinh viên của Mỹ đã tăng vọt. Vấn đề này đang hiện rõ mồn một trong tâm trí của những người trẻ tuổi Mỹ khi Tổng thống Joe Biden thúc đẩy việc huỷ bỏ các khoản nợ khổng lồ nhưng Toà án Tối cao thì đang sẵn sàng ngăn chặn không cho chuyện đó xảy ra.
Các nhà lãnh đạo của Jackson nói rằng những người trẻ tuổi đang nhận các công việc tại nhà hàng và bán lẻ và được trả lương cao hơn bao giờ hết. Các công ty sản xuất đã tăng lương mạnh tay để lấp đầy tình trạng thiếu hụt.
Người đứng đầu bộ phận phát triển lực lượng lao động của phòng thương mại khu vực Vicki Bunch cho biết: “Người trẻ tuổi dường như không thể cưỡng lại được tiền thưởng và tiền lương khi những con số ấy vượt xa so với bất kỳ mức lương nào mà họ từng thấy trước đây.”
Jamia Stokes là giám đốc cấp cao của tổ chức giáo dục phi lợi nhuận SCORE. Ông cho biết: “Thế hệ này đã khác rồi. Họ thực dụng hơn về cách họ làm việc, cách họ sử dụng thời gian và cả tiền bạc.”
Tham khảo AP
Nhịp Sống Thị Trường