MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị định 132 chống chuyển giá: Doanh nghiệp đi vay nhiều vẫn dễ bị đánh thuế 2 lần

Chính phủ vừa mới ban hành Nghị định 132 về chống chuyển giá đối với các công ty có giao dịch liên kết, thay thế Nghị định 20 trước đây.

Nghị định 132 được coi là có tiến bộ hơn so với Nghị định 20 khi nâng mức trần tổng chi phí lãi vay từ 20% lên 30%. Cụ thể tổng chi phí lãi vay không được vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, và khấu hao trong kỳ.

Hiểu đơn giản, nếu như tổng chi phí lãi vay của doanh nghiệp quá mức trần 30% thì sẽ không được tính là chi phí hợp lý để khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ phải trả thuế cho cả phần lãi vay này, nếu tổng chi phí lãi vay quá 30%. Theo các doanh nghiệp, việc nâng mức trần lên 30% đã khiến doanh nghiệp "dễ thở" hơn, nhưng vẫn chưa thực sự trút bỏ được "gánh nặng" bấy lâu nay.

Dễ bị đánh thuế 2 lần cả công ty mẹ và công ty con

Sở hữu nhiều công ty con, Tập đoàn Hoàng Gia trong 3 năm qua đã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thêm nhiều tỷ đồng vì quy định khống chế chi phí lãi vay. Bởi hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cần nhiều vốn, phải đi vay lẫn nhau. Các khoản vay đều có chứng từ và là chi phí thực của doanh nghiệp.

Nghị định 132 chống chuyển giá: Doanh nghiệp đi vay nhiều vẫn dễ bị đánh thuế 2 lần - Ảnh 1.

Tập đoàn Hoàng Gia phải đóng thêm nhiều tỷ đồng tiền thuế TNDN do quy định khống chế chi phí lãi vay.

Nay mức trần nâng lên 30%, doanh nghiệp vẫn có thể phải tiếp tục đóng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần đi vay bị vượt trần ở cả công ty mẹ và công ty con, dù hoạt động chưa có lãi.

"Đối với 1 doanh nghiệp muốn phát triển về quy mô, phải tăng liên doanh, liên kết, ví dụ như chúng tôi hoạt động theo nhiều mô hình công  ty mẹ - con thì nếu như tiếp tục kéo dài Nghị định 132 sẽ làm cho doanh nghiệp không thể phát triển. Chúng tôi đã khổ lại càng khổ, đã nghèo thì lại càng bị đánh thuế nhiều hơn, thế chưa hợp lý", ông Đinh Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Gia cho biết.

Công ty chứng khoán không được loại trừ

Trong khi 2 nhóm ngành là các tổ chức tín dụng và bảo hiểm được loại trừ ra khỏi Nghị định 132, thì nhóm ngành Chứng khoán lại không được. Đại diện Tập đoàn Trí Việt, 1 đơn vị sở hữu công ty chứng khoán Trí Việt cho biết doanh nghiệp chứng khoán cũng có 1 hoạt động cho vay tương tự như ngân hàng đó là cho vay ký quỹ, đòi hỏi chi phí tài chính lớn. Mức khống chế tổng chi phí lãi vay 30% là chưa đủ.

Nghị định 132 chống chuyển giá: Doanh nghiệp đi vay nhiều vẫn dễ bị đánh thuế 2 lần - Ảnh 2.

Ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt (T-Corp).

"Công ty chứng khoán là nhiều đối tượng là khách hàng doanh nghiệp. Mô hình thường là công ty tập đoàn, có nhiều anh chị em. Ví dụ bất cứ giao dịch nào có giao dịch với bên liên kết là công ty anh chị em và công ty bố mẹ thì ngay lập tức bị dính vào giao dịch liên kết. Như vậy rất ảnh hưởng. Đề nghị Bộ tài chính và Chính phủ cân nhắc đưa công ty chứng khoán ra khỏi đối tượng bị chi phối bởi Nghị định chống chuyển giá", ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Việt (T-Corp) cho hay.

Không thể phân biệt doanh nghiệp nội và ngoại

Mới đây, tại buổi họp báo công bố Nghị định 132, khi được hỏi về việc liệu có diễn ra tình trạng đánh thuế 2 lần, thuế chồng thuế khi thực hiện quy định chống chuyển giá, đại diện Tổng cục Thuế cho biết quy định chống chuyển giá áp dụng cho cả doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại để đảm bảo tính công bằng, minh bạch.

Ngoài ra, quy định này cũng để hạn chế tình trạng "vốn mỏng" của doanh nghiệp. Vì thế, nếu doanh nghiệp liên kết mà cho nhau vay quá nhiều, thì khó tránh khỏi tình trạng bị đánh thuế 2 lần.

Nghị định 132 chống chuyển giá: Doanh nghiệp đi vay nhiều vẫn dễ bị đánh thuế 2 lần - Ảnh 3.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính.

"Có dẫn đến tình trạng đánh chồng thuế không, thì tôi nghĩ trước mắt các doanh nghiệp chưa kịp điều chỉnh thì đây là 1 biện pháp của Nhà nước, trong vấn đề quản lý thuế. Có những yếu tố, những thời điểm sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đây là biện pháp của nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải điều chỉnh, để đảm bảo lành mạnh hóa trong thị trường đầu tư", ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho hay.

Dịch COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực tới nhiều ngành nghề, và các doanh nghiệp thì lại đang cần vốn để tái sản xuất kinh doanh. Nhưng không ít doanh nghiệp vẫn đang rơi vào vòng luẩn quẩn. Không đi vay thì không đủ vốn để sản xuất, mà đi vay, nếu vượt trần, lại bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp, dù phần vay này chưa biết liệu có lãi hay không.

Theo Khánh Huyền

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên