MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị định 61 và câu hỏi ai sẽ hưởng lợi lớn nhất khi tham gia mua và xử lý nợ xấu?

21-05-2017 - 09:28 AM | Tài chính - ngân hàng

HSC cho rằng một số ngân hàng có tài chính mạnh như VCB; ACB; MBB; TCB; VPB; VIB; HDBank và OCB có thể sẽ quan tâm đến việc mua nợ xấu thứ cấp; và những khoản nợ xấu được mua sẽ có thể đem lại lợi nhuận trong tương lai

Chính phủ mới ban hành Nghị định 61 quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn (từ 100 tỷ đồng trở lên). Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.

Theo đánh giá của CTCK TP.HCM (HSC), đây là thông tin tích cực cho quá trình xử lý nợ xấu. Nghị định mới chuyển biến quá trình bán nợ xấu trên thị trường thứ cấp. Trong đó quy định khung pháp lý rõ ràng tạo điều kiện cho VAMC xác định và thỏa thuận giá trị các khoản nợ xấu/tài sản đảm bảo dựa trên giá thị trường do một công ty thẩm định giá có chuyên môn xác định. Quan trọng là Nghị định cho VAMC quyền lựa chọn sau cùng khi lựa chọn công ty thẩm định giá và quyền giảm giá bán cho đến khi tìm được người mua. Từ đó loại bỏ được trở ngại lớn hiện nay khi các bên tham gia mua bán nợ không đồng thuận về các điều khoản và VAMC không thể làm gì vượt ngoài khuôn khổ; mở ra cơ hội cho các ngân hàng có tình hình tài chính mạnh muốn mua và xử lý các khoản nợ xấu.

Nghị định 61 có gì mới?

Nghị định 61 quy định 3 trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu:

1. Khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, VAMC không thỏa thuận được với tổ chức tín dụng bán nợ về giá khởi điểm.

2. Khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường.

3. Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, VAMC không thỏa thuận được với bên bảo đảm về giá khởi điểm.

Nghị định 61 cũng quy định về quy trình lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá. Nói chung, doanh nghiệp thẩm định giá được lựa chọn phải thuộc danh sách công khai doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá của Bộ Tài chính. Trường hợp không thỏa thuận được với tổ chức tín dụng hoặc bên bảo đảm về việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá, VAMC sẽ thuê doanh nghiệp thẩm định. Sau khi doanh nghiệp thẩm định tiến hành thẩm định khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, VAMC sẽ quyết định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi bán đấu giá lần đầu theo nguyên tắc giá khởi điểm không thấp hơn giá trị khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo kết quả thẩm định giá.

Ngoài ra, VAMC được phép giảm giá khởi điểm trong trường hợp đấu giá không thành. Cụ thể, trường hợp bán đấu giá lần đầu khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không thành, VAMC sẽ thỏa thuận lại với tổ chức tín dụng hoặc bên bảo đảm về việc giảm giá khởi điểm của khoản nợ xấu trong trường hợp tiếp tục bán đấu giá. Nếu không thỏa thuận được, VAMC sẽ quyết định giá khởi điểm của khoản nợ xấu. Theo nguyên tắc chung, mỗi lần giảm không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá không thành liền trước đó.

Cho đến nay quá trình xử lý nợ xấu vẫn chậm

HSC chỉ ra những vướng mắc giữa VAMC và tổ chức tín dụng hoặc bên sở hữu tài sản đảm bảo về giá thị trường của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là một lý do quan trọng cản trở quá trình bán nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Trên thực tế, quá trình bán nợ xấu, tài sản bảo đảm cho dến nay vẫn rất chậm. Kể từ khi VAMC thành lập vào cuối năm 2013 cho đến tháng 3/2017, trong số 282 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã mua, VAMC mới chỉ xử lý được 50 nghìn tỷ đồng qua thu hồi nợ, thu từ bán nợ và tài sản đảm bảo (bằng 17,8% tổng số nợ xấu mua về). VAMC đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xử lý được 150 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Thị trường mua bán nợ hiện sắp được thành lập và kỳ vọng hoạt động mua bán nợ sẽ sôi động hơn trong năm sau. Theo HSC, với Nghị định 61 trao nhiều quyền tự quyết hơn cho VAMC cũng như những quy định khác sắp được ban hành về việc bán lại nợ xấu và thành lập thị trường mua bán nợ thứ cấp, chúng tôi tin tưởng quá trình xử lý nợ xấu của VAMC sẽ được đẩy nhanh. Tuy nhiên, thị trường mua bán nợ có lẽ sẽ được thành lập về cuối năm nay nhưng sẽ cần có thời gian để thị trường này vận hành thực sự hiệu quả.

"Tốc độ xử lý nợ xấu sẽ phụ thuộc vào tốc độ trích lập dự phòng của bản thân các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ không muốn ghi nhận giảm giá trị tài sản khi vẫn còn chênh lệch lớn giữa giá trị nợ xấu trên sổ sách (sau khi trừ đi phần dự phòng trích lập) và giá trị thị trường của nợ xấu. Bản thân VAMC có lẽ cũng chỉ muốn bán các khoản nợ xấu dễ bán trước (là các khoản nợ xấu dễ đạt được sự thống nhất giữa người vay và ngân hàng)", báo cáo của HSC đánh giá.

Hưởng lợi lớn nhất sẽ là các TCTD trong nước có tài chính mạnh

Khi nhìn nhận thị trường mua bán nợ từ quan điểm của người mua tiềm năng, HSC cho rằng người hưởng lợi lớn nhất sẽ là các TCTD trong nước có tài chính mạnh.

Lý do là những tổ chức này có lợi thế nhất định khi tham gia mua và xử lý nợ xấu nhờ có mối quan hệ và biết rõ người vay, có thể tự thẩm định nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu nhờ hiểu rõ thị trường BĐS ở từng vùng. Hơn nữa, TCTD trong nước còn hiểu rõ hệ thống pháp luật và cách giành được quyền sở hữu TSBĐ thông qua tòa án.

Trong khi đó, các công ty mua bán nợ nước ngoài có thể xây dựng những mô hình thẩm định phức tạp, thì họ lại thiếu sự am hiểu về thị trường trong nước.

Tổ chức này cho rằng mấu chốt của việc mua nợ xấu là thẩm định chính xác giá trị khoản nợ xấu đó, bằng việc đánh giá cả rủi ro và giá trị thời gian liên quan đến việc hiện thực hóa giá trị của tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Trong khi các công ty mua bán nợ nước ngoài có thể xây dựng những mô hình thẩm định phức tạp, thì họ lại thiếu sự am hiểu về thị trường trong nước.

"Do vậy, chúng tôi cho rằng một số ngân hàng có tài chính mạnh như VCB; ACB; MBB; TCB; VPB; VIB; HDBank và OCB có thể sẽ quan tâm đến việc mua nợ xấu thứ cấp; và những khoản nợ xấu được mua sẽ có thể đem lại lợi nhuận trong tương lai", HSC bình luận.

Trên thực tế sẽ còn có những pháp nhân trong nước khác cũng quan tâm đến việc mua nợ xấu, chẳng hạn như những chủ đầu tư BĐS có tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, theo chuyên viên phân tích do cần có thời gian và chuyên môn khi xử lý nợ xấu, nên có lẽ những pháp nhân này chỉ quan tâm đến những trường hợp tài sản đảm bảo được bán riêng rẽ. Và chúng tôi cho rằng nhiều khả năng VAMC sẽ bán nợ xấu kèm tài sản đảm bảo mà không tách tài sản đảm bảo để bán riêng rẽ.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên