Nghỉ hưu, tôi về quê sống cùng chị gái, tưởng được hưởng yên bình nhưng sau 3 tháng đành chia lối
Cuộc sống khi về hưu của 1 người phụ nữ Trung Quốc không hề bình yên mà xảy ra nhiều mâu thuẫn đáng tiếc khiến tình thân cũng sứt mẻ.
- 14-07-2023Về hưu lương hơn 33 triệu/tháng nhưng chỉ nói với con được 10 triệu, nhờ đó tôi phát hiện được 1 sự thật đau lòng
- 02-07-2023Về hưu với khoản tiết kiệm 3 tỷ đồng, tôi rút 2/3 cho con trai mua nhà rồi hối hận: Đã tự chừa đường lui cho mình mà vẫn phạm phải sai lầm
- 23-06-2023Người mẹ U70 trải lòng nỗi khổ khi về hưu
Khi đã về hưu, hầu như ai cũng mong muốn có được cuộc sống yên bình và tốt đẹp. Tuổi già, họ muốn quây quần bên gia đình, thực hiện những mong muốn hồi trẻ chưa làm được. Tuy nhiên, cuộc sống của bà Huệ Trân, 63 tuổi, đến từ Trung Quốc lại rất nhiều trắc trở kể từ khi nghỉ hưu.
Trên diễn đàn Toutiao, người phụ nữ ngoài 60 tuổi kể lại câu chuyện dở khóc dở cười của chính mình khiến nhiều người chú ý. Dưới đây là những chia sẻ của bà Huệ Trân.
Rời nhà con cái, tới sống cùng chị ruột
Tôi 63 tuổi, đã nghỉ hưu được mấy năm và sống khá an nhàn. Tôi lên thành phố sống cùng con cái vì có tới 2 người con trai. Các con đều đã lập gia đình và yên bề gia thất.
Gia đình tôi còn có 1 người chị gái. Khi bố mẹ mất, chị gái quyết định ở lại quê hương và lập gia đình. Anh rể cũng là người ở quê, 2 người sau khi kết hôn thì sống rất bình yên, ổn định, con cháu đầy nhà.
Một hôm, khi tôi về quê ăn giỗ, chị gái và anh rể thết đãi rất chu đáo. Không chỉ vậy, chị gái còn ngỏ ý mời tôi về quê sống cùng chị. Chị nói rằng nay con cháu đã có cuộc sống ổn định, tôi có thể sống thư thái nên hãy về sống với chị cho vui cửa vui nhà. Dù sao mảnh đất và căn nhà mà chị ở hiện tại cũng là của bố mẹ tôi để lại. Vì thế khi đã có tuổi, 2 chị em sống quây quần, đầm ấm và chăm sóc nhau bao giờ cũng tốt hơn.
Giống như đã bàn bạc từ trước, anh chị đều rất vui vẻ, 1 mực muốn mời tôi về sống chung. Lúc này, tôi dè chừng, suy nghĩ rất nhiều về lời đề nghị vì sợ xảy ra mâu thuẫn rồi chị em bất hòa. Tuy nhiên, chị gái lại đưa ra những lợi ích khi sống ở quê nhà như gần anh chị, không khí trong lành, chi tiêu tiết kiệm, cuộc sống yên bình, không xô bồ như trên thành phố…
Vì vậy, tôi suy nghĩ lại đề nghị của anh chị. Tôi nghĩ rằng những năm tháng cuối đời sống cùng chị ruột, chăm sóc lẫn nhau cũng là điều đáng mừng. Chỉ cần bản thân phân định rạch ròi chuyện tiền nong, chắc chắn sẽ không có mâu thuẫn gì cả. Vì thế, tôi báo với các con và chuyển tới sống ở nhà chị gái.
Thời gian đầu, cuộc sống của tôi trôi qua rất nhẹ nhàng. Tôi hằng ngày trò chuyện cùng chị gái và những người hàng xóm, cùng nhau nấu ăn và đi du lịch. Dù chị gái từ chối nhưng tôi vẫn góp tiền ăn uống hàng tháng là 1.000 NDT (khoảng 3,3 triệu đồng). Đây quả thật là cuộc sống lý tưởng vì chị gái và tôi lúc nào cũng ở cạnh nhau, tôi không lo lắng nhiều về việc đổ bệnh bất ngờ vì luôn có chị bên cạnh.
Mâu thuẫn dâng cao, ngậm ngùi rời đi sau 3 tháng
Tuy nhiên, sự thoải mái ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Khi tôi ở nhà chị gái được khoảng 1 tháng thì con gái của chị đưa về 2 đứa trẻ nói rằng nhờ chúng tôi trông giúp. Vì trên thành phố chúng đi làm quanh năm suốt tháng, tiền thuê bảo mẫu cho bọn trẻ lại rất đắt đỏ nên cuộc sống rất áp lực. Vì vậy, chúng mang con về quê nhờ chúng tôi chăm sóc.
Lúc này, chị gái cũng vì thương con, thương cháu nên chấp nhận. Hai đứa trẻ đều ở tuổi lên 3, lên 4, rất hiếu động và nghịch ngợm. Trong khi đó, anh chị tôi lại rất cưng chiều chúng, kể cả khi chúng làm sai cũng không bao giờ nghiêm khắc dạy bảo.
Một hôm, khi mở nắp kem dưỡng ẩm, tôi phát hiện có 1 con bọ màu đen đã chết trong đó. Tôi dò hỏi và cháu nhỏ thừa nhận nó là người làm ra chuyện đó. Lúc này, tôi nhắc nhở cháu vài câu rằng làm vậy rất mất vệ sinh và thậm chí còn làm hại người khác. Đứa bé lúc này lại òa lên khóc khiến chị gái phải chú ý. Chị tôi không quan tâm tới tôi, chỉ tới xem đứa bé có sao không và lớn tiếng trách móc: “Trẻ con đâu biết gì, em cần gì phải quát mắng cháu để nó sợ hãi đến thế”.
Chưa hết, có 1 lần đứa cháu còn lại của chị gái đang chơi ngoài sân, tôi ngồi gần đó nhặt rau chuẩn bị bữa tối. Bỗng nhiên, thằng bé tự tay mở cổng và lẻn ra ngoài, đúng lúc có chiếc xe máy chạy vụt qua, nó sợ quá nên ngã xuống đường. Vì bất ngờ nên cháu bé có xây xát 1 chút ở mặt và chân tay. Tôi nhanh chóng chở cháu tới bệnh viện để khám cho kỹ lưỡng, sau đó gọi cho chị gái.
Tới nơi, bác sĩ khám và khẳng định cháu không gặp vấn đề gì đáng lo ngại, chỉ là ảnh hưởng ngoài da. Tiền khám và tiền thuốc của cháu tốn 5.000 NDT (16 triệu đồng) và tôi chính là người thanh toán. Thế nhưng khi chị gái tôi tới bệnh viện, câu đầu tiên chị ấy nói chính là trách móc tôi cực nặng nề: “Tại sao 1 đứa trẻ mà em không thể trông chừng, vậy thì có thể làm việc gì được. Sao em có thể sống vô trách nhiệm như thế, dù sao nó cũng là cháu em mà”.
Nghe xong câu nói này, tôi sốc nặng. Tôi không ngờ chị gái có thể thốt ra câu nói ấy khi chưa rõ đầu đuôi sự việc. Sau khi trở về nhà chị, tôi quyết định rời đi. Bản thân không muốn sống trong những mâu thuẫn không đáng có nên quyết định về thành phố sống cùng con cái như xưa.
Trong cuộc sống, chúng ta khó tránh việc xảy ra những mâu thuẫn. Vì thế, mỗi người nên quyết định kỹ lưỡng trong mọi vấn đề để tránh các sai lầm. Dù anh em trong nhà có thân thiết tới đâu, khi ở chung chúng ta cũng có thể bị hiểu lầm gây bất hòa, sứt mẻ tình cảm.
Theo Baidu
Phụ nữ số