MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghi ngờ chuyện hàng Việt chiếm 70-90% trong siêu thị

27-04-2017 - 16:04 PM | Thị trường

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đang có sự nhầm lẫn về khái niệm thế nào là hàng Việt nên doanh nghiệp "không tin" hàng Việt chiếm 70-80% trong kênh bán lẻ hiện đại.

Cuộc cạnh tranh giữa hàng nội và hàng ngoại, hàng hóa nước ngoài gia công phân phối tại Việt Nam vào các kênh hiện đại đã và đang ngày càng gay gắt. Bởi đến năm 2018 khi hàng hóa các nước ASEAN vào Việt Nam thuế suất bằng 0% và hàng loạt các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, hàng Việt sẽ phải chịu sức ép về chất lượng, giá thành.

Trong kênh phân phối hiện đại, doanh nghiệp ngoại lại chiếm thị phần lớn nên họ có quyền lựa chọn hàng hóa vào hệ thống siêu thị của họ.


Theo thống kê, tỉ lệ hàng Việt trong kênh bán lẻ hiện đại đang chiếm 70-80%

Theo thống kê, tỉ lệ hàng Việt trong kênh bán lẻ hiện đại đang chiếm 70-80%

Mặt khác, hàng hóa nước ngoài sản xuất gia công tại Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế khiến hàng Việt càng khó khăn hơn.

Có hay không hàng xuất xứ Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong kênh phân phối hiện đại?

Trả lời câu hỏi này, bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, hàng hóa tham gia vào kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm mua sắm, hệ thống siêu thị, đại siêu thị, chắc chắn chưa bao giờ dễ dàng vì kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam còn khá ít, cho đến nay chưa đạt 30%. “Chúng tôi khá lo lắng khi kế hoạch Bộ Công Thương đưa ra năm 2020, tỷ lệ đạt 40%”, bà Loan nói.

Thứ hai, hàng hóa vào siêu thị bao giờ tiêu chuẩn cũng cao hơn chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ. Những tiêu chuẩn cao hơn được coi là “rào cản” về kỹ thuật, chất lượng.

Thứ ba, bản thân các doanh nghiệp sản xuất cung ứng không phải lúc nào cũng có hiểu biết, cập nhật yêu cầu đưa hàng hóa vào siêu thị. Doanh nghiệp nói hàng tốt, giá được nhưng thực tế không cạnh tranh được.

Khó khăn nữa chính là sự cạnh tranh hết sức gay gắt. “Dù hàng Việt có nhiều cải tiến về chất lượng, bao bì, hoạt động khuyến mại, quảng bá nhưng xem chừng trong cuộc chạy đua, doanh nghiệp Việt chưa có bứt phá mạnh mẽ. Dù người tiêu dùng có cảm tình, yêu thích, ủng hộ hàng việt nhưng khi bỏ tiền ra vẫn phân vân”, bà Loan cho hay.

Trong khi đó, bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, qua con số thống kê cho thấy, hàng Việt chiếm tỷ trọng 70-80% tại kênh bán lẻ hiện đại. Đặc biệt, tại một số hệ thống siêu thị như Saigon Co.op hay Big C tỷ lệ hàng Việt còn trên 90%.

Mặc dù con số thống kê hàng Việt chiếm 70-80% nhưng nhiều doanh nghiệp Việt không đồng thuận.

Bà Nga thừa nhận có thực trạng này. Theo bà, nguyên nhân là do đang có sự nhầm lẫn về khái niệm thế nào là hàng Việt.

“Nhiều người không đồng ý với con số này thì có lẽ chúng ta nên thống nhất lại, khái niệm thế nào là hàng Việt. Hàng Việt là những sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam, các dịch vụ cung ứng trên lãnh thổ Việt Nam. Một số doanh nghiệp bị nhầm lẫn vì thế mà cách đánh giá của họ thấp hơn so với con số thực tế đo đếm được”, bà Nga giải thích.

Điều đó có nghĩa, không chỉ là hàng hóa thương hiệu Việt (do doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân Việt Nam sở hữu trí tuệ, đăng ký xuất xứ tại Việt Nam) mà do nhà đầu tư nước ngoài sản xuất, gia công tại Việt Nam cũng là hàng Việt Nam.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thái Dũng- Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long cho rằng: “Chúng ta nên coi bình đẳng hàng hóa thương hiệu Việt và hàng do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất tại Việt Nam, sử dụng lao động, đóng thuế cho Việt Nam”.

Ông cho biết, sau hơn 20 năm hoạt động ở Việt Nam, Big C phân phối trên 45.000 mặt hàng, trên 90% xuất xứ là hàng Việt.

Nhiều ý kiến cho rằng hàng Việt khó khăn khi vào siêu thị nhưng ông Dũng khẳng định Big C luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, quy định rõ tiêu chí để doanh nghiệp đáp ứng đúng quy định, có chính sách thuận lợi, hỗ trợ trưng bày, khuyến mại, giảm giá, dùng thử, tặng kèm để thu hút khách nhiều hơn.

“Chúng tôi vẫn nói với các nhà cung cấp của mình rằng, hàng hóa vào Big C không khó nhưng để tồn tại và phát triển, phục vụ tốt nhu cầu khách hàng của Big C là khó vì nhiều hàng hóa Việt chưa xây dựng thương hiệu tốt, hình ảnh thân quen với khách hàng, siêu thị chỉ hỗ trợ trưng bày, bán hàng hóa, còn khách hàng có lựa chọn sản phẩm không là quyền của khách hàng”, ông Dũng nói.

Theo bà Loan, doanh nghiệp Việt gặp khó khăn khi vào các kênh bán lẻ hiện đại, nhưng hiện nay các doanh nghiệp bán lẻ đang có các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Bà cho rằng, trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hàng Việt và hàng hóa nhập khẩu, chúng ta sẽ phải chấp nhận rất nhiều doanh nghiệp, sản phẩm phải rời bỏ thị trường vì không đảm bảo yêu cầu thị trường, tiêu dùng. Đây là cuộc đua cam go nhưng phải chấp nhận và liên tục thay đổi. Những sản phẩm nổi trội, đặc biệt, sản phẩm vùng miền sẽ được các nhà bán lẻ, người tiêu dùng ủng hộ.

Theo Thùy An

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên