MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị quyết 19 mới: Hướng Việt Nam tới giai đoạn phát triển cao hơn

Nghị quyết 19-2017 lần đầu tiên đề cập 10 chỉ tiêu về Chính phủ điện tử, 85 chỉ tiêu về đổi mới sáng tạo, 114 chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh quốc gia, với một trong những mục tiêu là thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, hướng nền kinh tế tới một giai đoạn phát triển cao hơn.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ về Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Đây là Nghị quyết 19 thứ tư liên tiếp được Chính phủ ban hành qua các năm kể từ 2014 tới nay. Là một trong những người tham gia xây dựng Nghị quyết, xin bà cho biết những điểm mới trong Nghị quyết này?

Nội dung Nghị quyết 19-2017/NQ-CP có nhiều điểm mới, bắt nguồn chính từ yêu cầu của Chính phủ với những cải thiện mạnh mẽ hơn về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trước hết, ngoài việc việc xác định các mục tiêu chung như các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 vào năm 2017, các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 vào năm 2020…, thì năm nay, Nghị quyết cụ thể hóa các mục tiêu này thành 250 chỉ tiêu cụ thể, tương ứng với 250 nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ ngành, địa phương

Từng chỉ tiêu này đều nêu rõ điểm số, thứ hạng hiện nay là bao nhiêu và mục tiêu cần đạt được gì. Nghị quyết khoảng 56 trang, thì chỉ có khoảng 18 trang lời văn, còn gần 30 trang phụ lục chỉ rõ các mục tiêu, nhiệm vụ này. Các Nghị quyết trước đây cũng nêu trách nhiệm của các bộ ngành liên quan, nhưng không chỉ rõ các bộ ngành liên quan phải làm khâu nào, công đoạn nào, thì nay chỉ ra rất rõ ràng.

Ví dụ, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đang đứng thứ 121 toàn cầu, mục tiêu tới 2017 phải về hạng 70 và tới 2020 xếp thứ 50. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, nhưng việc đơn giản hóa thủ tục nộp lệ phí môn bài do Bộ Tài chính thực hiện, rút ngắn thời gian trình việc sử dụng lao động do Bộ LĐTB&XH thực hiện, đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản ngân hàng do NHNN thực hiện…

Về thủ tục cấp phép xây dựng, hiện mất 166 ngày, mục tiêu tới 2017 là dưới 120 ngày, tới 2020 là dưới 90 ngày. Bộ Xây dựng chủ trì, nhưng việc rút ngắn thời gian thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy do Bộ Công an thực hiện…

Về cách tiếp cận, Nghị quyết có gì mới so với các Nghị quyết trước?

Nghị quyết 19 năm 2017 có cách tiếp cận mở rộng, toàn diện hơn, bao trùm hơn, tiếp cận đồng bộ 4 vấn đề: Môi trường kinh doanh (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới); năng lực cạnh tranh quốc gia (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới); đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO); và Chính phủ điện tử (theo đánh giá của Liên Hợp quốc).

Các Nghị quyết trước đây chủ yếu chỉ dựa trên các đánh giá về môi trường kinh doanh của WB, nên trong 3 năm qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện, song năng lực cạnh tranh quốc gia lại tụt hạng. Vì tuy môi trường kinh doanh chỉ một yếu tố của năng lực cạnh tranh quốc gia, dù là yếu tố quan trọng, trụ cột. Vì vậy, Nghị quyết đề cập cụ thể hơn các chỉ tiêu năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới các chỉ số để nền kinh tế phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả. Nghị quyết 19 năm 2016 đã đề cập, nhưng chưa cụ thể như Nghị quyết năm nay.

Cùng với đó, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đề cập rất nhiều tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tới đổi mới sáng tạo, đây chính là một yếu tố rất quan trọng của năng lực cạnh tranh. Tập trung vào các yếu tố đổi mới sáng tạo sẽ giúp Việt Nam hướng tới một giai đoạn phát triển cao hơn, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp. Hiện năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang được 35,4 điểm, chúng ta đặt mục tiêu sẽ đạt 38,5 điểm trong giai đoạn 2017-2020.

Mặt khác, qua 3 năm triển khai Nghị quyết 19, chúng ta nhận thấy rằng việc thực hiện Nghị quyết chỉ có thể thành công nếu áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, đây là giải pháp hữu hiệu để đơn giản hóa thủ tục, giảm nhũng nhiễu. Do đó, Nghị quyết nhấn mạnh nội dung về 10 chỉ số Chính phủ điện tử.

Như vậy, Nghị quyết đề cập tới 41 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, 114 chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh toàn cầu, 85 chỉ tiêu về đổi mới sáng tạo và 10 chỉ tiêu về Chính phủ điện tử. Tổng cộng là 250 chỉ tiêu. Đó cũng là điểm khác biệt cơ bản nhất.

Vậy mục tiêu sâu xa mà Nghị quyết hướng tới là gì, thưa bà?

Về mục tiêu sâu xa, Nghị quyết đặt vấn đề thay đổi cách thức quản lý nhà nước, bỏ cơ chế xin-cho, chuyển từ phương thức thủ công sang phương thức điện tử, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Nghị quyết cũng đặt mục tiêu tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Nghị quyết nêu rõ, phấn đấu đạt mức 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trong đó tối thiểu 0,5% là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Nghị quyết hướng tới mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, tức là cải thiện thu nhập, chứ không chỉ dừng lại ở cải thiện môi trường kinh doanh.

Có thể nói đây là Nghị quyết đề cập các chỉ tiêu, nhiệm vụ chi tiết nhất từ trước tới nay, trong đó các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đã được cụ thể tới mức cuối cùng. Việc đưa ra các chỉ tiêu cụ thể như vậy để hằng năm, khi các tổ chức quốc gia đánh giá lại, chúng ta sẽ biết ngay nơi nào tiến bộ, nơi nào tụt hạng.

Cùng với đó, Nghị quyết quy định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu và nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát thực hiện. Kinh nghiệm đã cho thấy hiệu quả của việc tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, đặc biệt như trong năm 2016, những chuyến kiểm tra của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tạo thay đổi rất tích cực từ các Bộ. Cùng với đó, sự tham gia giám sát của các cơ quan báo chí, truyền thông cũng rất hiệu quả.

Bà đánh giá như thế nào về những điều kiện thực tiễn hiện nay để thực thi Nghị quyết 19 năm 2017?

Cá nhân tôi đánh giá tình hình hiện nay thuận lợi hơn cho việc thực thi Nghị quyết 19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, khi chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên trong năm 2017, ông đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt 250 nhiệm vụ trong Nghị quyết 19. Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối năm 2016, ông cũng nhấn mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm năm 2017.

Các bộ ngành cũng đã quan tâm hơn trước tới vấn đề này. Xin khẳng định rằng công tác cải cách các quy định về quản lý chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu đã có nhiều thay đổi tích cực, với sự vào cuộc mạnh và đồng bộ hơn từ các bộ ngành. Như Bộ Công Thương đã bãi bỏ, sửa đổi hàng loạt thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua như kiểm tra formaldehyt, khai báo hóa chất, dán nhãn năng lượng. Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã bắt tay vào việc, tuy kết quả chưa rõ. Chúng tôi cũng thấy sự thay đổi tại Bộ NN&PTNT…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan đầu mối đánh giá việc thực hiện Nghị quyết, thời gian qua đã nhận được rất nhiều đề nghị từ các bộ về việc phối hợp triển khai và hỗ trợ họ nắm rõ hơn. Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã ngồi trực tiếp với các cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia để lắng nghe về các mục tiêu, nhiệm vụ, những việc cần làm, những điểm yếu…

Chúng tôi cũng cảm nhận được rõ nét sự tin tưởng hơn của doanh nghiệp khi phản ánh các vấn đề của họ. Ba năm qua, các doanh nghiệp đã nhìn thấy các ý kiến, kiến nghị của họ tới được Chính phủ, được giải quyết, nên họ chủ động chia sẻ thông tin, gửi các vướng mắc.

Nhưng còn một số vấn đề ở cấp địa phương. Hiện có một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, khá chủ động trong việc tìm hiểu Nghị quyết 19 để có những kế hoạch hành động phù hợp. Nhưng phần lớn các địa phương vẫn chưa chủ động. Có thể họ chưa hiểu hết nội hàm của các chỉ tiêu này, những tác động cụ thể của chúng. Đây là phần việc của các bộ được giao chủ trì các vấn đề.

Tuy nhiên, với các động thái hiện tại, cộng với quyết tâm rất lớn của người đứng đầu Chính phủ, tôi tin vào hiệu quả thực tiễn của Nghị quyết 19-2017.

Xin cám ơn bà.

Theo Hà Chính (thực hiện)

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên