Nghị quyết 35 – hướng tới một Chính phủ tận tâm, hỗ trợ doanh nghiệp
Nghị quyết 35/2016/NQ-CP vừa ban hành mới đây, được đánh giá là chính sách thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Theo đó, đòi hỏi các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước phải đổi mới và cải cách triệt để mọi quy trình, thủ tục nhằm hỗ trợ tối đa và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên về việc triển khai Nghị quyết 35 sẽ tác động tới đời sống và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp như thế nào, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng quan trọng nhất, đây là quyết sách đầu tiên của Chính phủ và có tầm nhìn dài hạn (5 năm) về phát triển doanh nghiệp.
Qua đó khẳng định được vai trò quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đồng thời cũng là động lực để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập.
Nghị quyết 35 thể hiện rõ tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua. Cùng với Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam thì Nghị quyết 35 đề ra các yêu cầu quan trọng và cụ thể.
Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ để tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu và thực tiễn của doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, cả nước hiện có khoảng 515.000 doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh; mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 1 triệu doanh nghiệp.
Để đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế chung của cả nước thì không chỉ các cấp, ngành mà mỗi địa phương cần quan tâm hơn nữa, giảm thủ tục phiền hà cho các doanh nghiệp; công tác quản lý phải chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo, phục vụ, đồng hành, hỗ trợ; hoạt động kiểm tra phải chuyển từ tiền kiểm tra sang hậu kiểm tra và loại bỏ kiểm tra tất cả, áp dụng kiểm một phần theo nguyên tắc quản lý rủi ro…
Với định hướng này, ông Lộc cho rằng điều ấn tượng nhất là tư duy mới của Chính phủ: “Không bàn lùi và mọi việc phải làm một cách quyết liệt nhất”. Chính phủ đang hướng tới xây dựng một Chính phủ tận tâm, hỗ trợ doanh nghiệp và xa hơn là một Chính phủ chuyên nghiệp để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để trở thành một Chính phủ chuyên nghiệp chắc chắn sẽ cần thời gian dài song muốn trở thành một Chính phủ tận tâm là điều có thể làm ngay.
Ở đó, mỗi bộ, ngành, cơ quan công quyền hay mỗi công chức Nhà nước đều cần phải làm hết trách nhiệm của mình, làm tròn bổn phận của mình đối với người dân và doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy công cuộc đổi mới.
Theo ông Lộc, hơn bao giờ hết, lúc này doanh nghiệp cần niềm tin dài hạn, cần sự đảm bảo cho tương lai của mình, để sẵn sàng đầu tư phát triển kinh tế.
Việc quyết liệt thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 chắc chắn sẽ mang lại nhiều chuyển biến, giúp môi trường kinh doanh ở Việt Nam được nâng cấp và đạt chuẩn tiên tiến của khu vực, cũng như tiến tới đạt chuẩn thế giới trong tương lai.
Đón nhận Nghị quyết 35, cộng đồng doanh nghiệp cũng hết sức hoan nghênh, vì lần đầu tiên, Chính phủ đã quyết tâm nghe ý kiến của doanh nghiệp để điều chỉnh, thúc đẩy và tạo áp lực đẩy mạnh công cuộc đổi mới.
Không chỉ VCCI hay các hiệp hội ngành hàng, nay kể cả các doanh nghiệp cũng được tham gia xây dựng, góp ý, hiến kế và tìm giải pháp khắc phục những tồn tại, những khó khăn còn vướng mắc để cải cách thủ tục hành chính nói riêng và cải cách thể chế nói chung có liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.
Mục tiêu của Nghị quyết 35 là đến năm 2020 sẽ xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Cả nước sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động; trong đó, khu vưc tư nhân sẽ đóng góp khoảng 50% GDP, năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm và hơn 30% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Để Nghị quyết 35 nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại, ổn định sản xuất và phát triển, ông Lộc cho rằng rất cần những chỉ đạo, những hành động cụ thể từ Chính phủ và các bộ, ngành trong việc giảm nhẹ gánh nặng hành chính, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, cũng như giảm sự lạm quyền, nhũng nhiễu của các cơ quan công quyền ở địa phương…/.
Bnews/TTXVN