Nghi tai nạn ở tốc độ cao, ô tô gãy làm đôi, vỡ vụn nhưng cột điện vẫn 'như trời trồng'
Một vụ tai nạn đã khiến nhiều người chú ý, bởi dù chiếc ô tô nát vụn nhưng cột điện dường như không bị ảnh hưởng gì.
- 21-06-2024Xe khách gặp tai nạn liên hoàn trên cao tốc TPHCM - Trung Lương, 11 người nhập viện
- 14-06-2024Người đàn ông 82 tuổi qua đời vì tai nạn giao thông, cảnh sát lập tức triệu tập con dâu để điều tra
- 04-06-2024Tai nạn liên hoàn trên quốc lộ 22, ô tô 5 chỗ kẹp giữa 2 xe tải
Mới đây, mạng xã hội Việt Nam đã xuất hiện một video hiện trường tai nạn giao thông khiến nhiều người chú ý. Cụ thể, đoạn video được quay lại nước ngoài cho thấy cảnh sau tai nạn của một chiếc xe gầm cao với cột điện.
Nghi tai nạn ở tốc độ cao, ô tô gãy làm đôi, vỡ vụn nhưng cột điện vẫn 'như trời trồng'
Video hiện trường cho thấy chiếc ô tô bị gãy làm đôi, xung quanh đó là rất nhiều mảnh vụn của xe. Thậm chí, toàn bộ phần kính chắn gió trước và tấm cánh cửa bên phải của xe bị văng hẳn ra khỏi xe, nằm riêng ở một góc.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người chú ý là... cây cột điện. Chiếc xe gầm cao màu trắng này đã gâm vào cột điện, nhưng trong khi chiếc xe vỡ ra từng mảnh, cột điện vẫn đứng thẳng, dường như không bị cong sau cú đâm.
Với hiện trường này, nhiều người dùng mạng cho rằng vụ tai nạn xảy ra khi chiếc xe con chạy với tốc độ rất cao, có thể vượt xa ngưỡng 100km/h. Một người dùng cũng cho rằng chiếc xe đã gặp tai nạn trước đó rồi mới văng vào cột điện; lúc này, lực va chạm đã giảm nên không làm đổ cột điện.
Có thể thấy, tai nạn dường như đã xảy ra rất thảm khốc, gần như không còn nhận diện được mẫu mã chủng loại của chiếc xe. Video hiện trường cũng không thể hiện rõ có bao nhiêu người thương vong sau tai nạn.
Tại Việt Nam, điều khiển xe chạy quá tốc độ cũng là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông. Trên Báo Bình Định, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Văn Chiến, từng cho biết rằng nguyên nhân của 80% vụ tai nạn giao thông để lại hậu quả nghiêm trọng là do chạy quá tốc độ, không làm chủ tốc độ.
Bài viết trên Báo Bình Định cũng dẫn chú giải của cơ quan chức năng, cho biết rằng khi chạy với vận tốc 70km/h, lực va chạm tăng lên gấp 2 lần so với tốc độ 50km/h; nếu di chuyển với tốc độ 87km/h thì lực va chạm tăng lên gấp 3 lần, với 100km/h thì tăng gấp 4 lần. Diễn giải đơn giản hơn, nếu tốc độ tăng thêm 5% thì tỷ lệ tai nạn giao thông tăng thêm 10% và khả năng gây tử vong của người tham gia trong vụ tai nạn tăng thêm 20%.
Hiện nay, luật pháp Việt Nam quy định rõ dải tốc độ cho phép với từng loại phương tiện trong các điều kiện khác nhau, như trên đường trong khu dân cư hay ngoài khu dân cư, với xe ô tô con hay với xe khách.
Mức xử phạt hành vi chạy quá tốc độ cũng đã được pháp luật quy định rõ. Với ô tô, người điều khiển chịu mức xử phạt nặng nhất lên tới 12 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe tới 4 tháng khi vượt tốc độ quy định trên 35km/h; với xe gắn máy và xe mô tô, người điều khiển bị phạt mức nặng nhất lên tới 5 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe lên tới 4 tháng khi vượt tốc độ quy định trên 20km/h.
Đời sống & pháp luật