MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị trường 'băn khoăn' trong lần biểu quyết lịch sử

10 năm đã trôi qua, nhưng không khí thảo luận “nóng bỏng”, trái chiều, cùng những băn khoăn, trăn trở trước thời khắc biểu quyết lịch sử về “mở rộng địa giới hành chính Hà Nội” vẫn còn khắc sâu trong tâm trí của nhiều đại biểu Quốc hội khóa XII.

“Khi đó, cử tri, nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, giới truyền thông cũng có ý kiến rất khác nhau nên đưa ra quyết định thật không dễ”, ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XII kể.

Theo ông Tiến, đồ án quy hoạch vùng Thủ đô với mô hình Hà Nội là đô thị lõi, đô thị hạt nhân, xung quanh là các đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực của hàng loạt vấn đề bức xúc về tình trạng quá tải và mất cân đối ngày càng trầm trọng trong đô thị lõi đã được Chính phủ nghiên cứu trong 6 năm. “Chiếc áo” từ mấy chục năm qua đã quá chật so với “cơ thể” vạm vỡ, cường tráng của Thủ đô Hà Nội không ngừng phát triển ngày nay. Trong quá trình thảo luận, ý kiến khác nhau là rất nhiều.

Nói về những ý kiến khác nhau, GS Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH, GD, TN, TN&NĐ của Quốc hội cho rằng điều này là đương nhiên. Cũng như rất nhiều đạo luật khác bao giờ cũng có những ý kiến đồng tình, ý kiến không đồng tình và cả những ý kiến còn băn khoăn. Nhưng cũng thật hiếm có một đề án nào lại gây tranh luận, khi thăm dò có đến gần 50 phần trăm đồng ý và gần 50 phần trăm không đồng ý như đề án mở rộng Hà Nội.

Theo ông Thuyết, ở thời điểm đó, số đại biểu đồng ý phương án của Chính phủ lập luận rằng, mở rộng Hà Nội để có điều kiện phát triển hơn. Hay mở rộng Hà Nội để có đủ điều kiện bảo vệ Thủ đô. Chẳng hạn, dưới góc nhìn của một nhà quân sự, đại biểu Nguyễn Khắc Nghiên cho rằng, Hà Tây có địa thế “rồng cuộn hổ ngồi”, rất thuận tiện cho việc bố trí bảo vệ Thủ đô, mở rộng ra để đáp ứng nhu cầu đồi mới. Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng thì nói, mở rộng Hà Nội mới giải quyết được vấn đề tắc đường...

Tuy nhiên, một số đại biểu không đồng tình với lập luận trên. Ông Nguyễn Minh Thuyết kể, khi đó ông đã tranh luận với ông Hồ Nghĩa Dũng rằng, về câu chuyện tắc đường, kẹt xe. Theo ông, hiện nay chỉ có mấy quận nội thành và ngoại thành Hà Nội đã tắc đường rồi. Sau này mở rộng thêm toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh và 4 xã của Lương Sơn, Hòa Bình, liệu có tắc đường hơn hay không, khi người dân dồn hết về làm giấy tờ?

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu còn dẫn ra kinh nghiệm của các nước, không nhất thiết phải sáp nhập về mặt hành chính mà người ta vạch ra ranh giới vùng Thủ đô, gồm có Thủ đô và những thành phố xung quanh, thành phố vệ tinh.

Theo ông Lê Như Tiến, trước các quan điểm trái chiều nhau, Chính phủ đã tiếp thu những ý kiến đầy tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội. Chính phủ đã có báo cáo giải trình thấu đáo hơn, Quốc hội có báo cáo thẩm tra hoàn thiện hơn về phương án mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Cuối buổi chiều ngày 29/5/2008, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội với tỷ lệ tán thành đạt 92,9% - tỷ lệ đồng thuận rất cao trong các lần biểu quyết.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Hà Nội đã phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. So với năm 2008, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tăng gấp 2 lần, thu nhập tăng 2,3 lần, thu ngân sách tăng gần 3 lần, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 2,85 lần. Các lĩnh vực văn hóa –xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học công nghệ liên tục phát triển; an ninh xã hội được bảo đảm, giá trị truyền thống của Thủ đô được giữ gìn, phát huy, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại…


Theo Văn Kiên - Luân Dũng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên