Nghi vấn Seven.Am cắt mác Trung Quốc: Phải minh bạch với khách hàng
Là một thương hiệu lớn, việc Seven.Am bị tố cắt mác, giả mạo xuất xứ hàng hoá đang khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, niềm tin bị khủng hoảng.
- 13-11-2019Cửa hàng đồng loạt đóng cửa, 'sếp' Seven.AM nói gì?
- 13-11-2019Sau bê bối cắt mác Trung Quốc gắn mác Việt, cửa hàng SEVEN.am Hà Nội đóng cửa im lìm
- 11-11-2019Vụ Seven.AM bị tố cắt mác Trung Quốc: Tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm để điều tra, làm rõ
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Vũ Hải Anh, chủ của thương hiệu Seven.Am cho biết: “Chúng ta cùng chờ kết luận của cơ quan chức năng có trách nhiệm. Hiện giờ tôi xin phép không phát biểu gì cho đến khi có kết luận trên”.
Sau những thông tin phản ánh của báo chí về việc thương hiệu thời trang Seven.Am nhập hàng Trung Quốc, thay đổi nhãn mác từ Made in China sang thành Made in Vietnam trên một số sản phẩm quần áo, phụ kiện thời trang và đồ lót, ông Hải Anh cho biết: "Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn".
Ông Hải Anh cũng đã lên tiếng nhận lỗi với khách hàng và cho biết thương hiệu thời trang Seven.Am được xây dựng với định hướng là dòng thời trang may mặc mang thương hiệu Việt Nam. Hầu hết những mẫu sản phẩm may mặc đều được thiết kế, gia công trong nước và được may tem mác Seven.Am ghi rõ xuất xứ "Made in Vietnam".
Tuy nhiên, bên cạnh những dòng sản phẩm may mặc chủ lực nói trên, Công ty Cổ phần MHA (sở hữu thương hiệu Seven.Am) có đặt mua hàng theo mẫu của Seven.Am từ Trung Quốc một số loại phụ kiện như túi, ví... Những dòng sản phẩm này cũng mang thương hiệu Seven.Am.
Doanh nhân này thừa nhận doanh nghiệp có sai sót trong khâu quản lý xuất xứ hàng hóa do nhà cung cấp cung ứng, đã không gắn nhãn phụ cho sản phẩm, dẫn tới việc khi tới tay người tiêu dùng chưa thực sự được minh bạch về nguồn gốc xuất xứ.
Theo chuyên gia về thương hiệu Võ Văn Quang, hiện tại cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, sai đến đâu thì xử lý đến đó. Song chuyên gia này khẳng định: Việc doanh nghiệp cắt mác trên sản phẩm là hành động sai.
Còn theo chuyên gia tư vấn chuyên lược, thương hiệu Vương Thanh Long, nếu cơ quan chức năng ra kết luận Seven.Am cắt mác thì doanh nghiệp này đã có hành động lừa dối khách hàng.
Cũng theo ông Vương Thanh Long, trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, sản phẩm có thể được sản xuất từ nhiều quốc gia khác nhau. Nhưng thương hiệu đó phải được xác định có chuỗi cung ứng toàn cầu, với điều kiện có tiêu chuẩn nhất định. Và hơn hết, chuyên gia này khẳng định, thương hiệu đó phải minh bạch nguồn gốc, xuất xứ với người dùng.
Sau phản ánh của khách hàng và báo chí về việc Seven.Am cắt mác, đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra nhiều cửa hàng của thương hiệu này và ra quyết định tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm của thương hiệu thời trang Seven.Am do chưa xuất trình đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Cùng với đó, Đội Quản lý thị trường số 14 đã tiến hành lấy 3 mẫu sản phẩm để giám định chất lượng.
Lao động