MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghi vấn Tenma hối lộ: Có thể khởi tố vụ án?

28-05-2020 - 09:09 AM | Xã hội

Theo luật sư Tuấn-nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên có thể đối diện với khung hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Về việc một số báo của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nikkei... đưa tin Công ty TNHH Tenma Việt Nam 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yen cho một số cán bộ, công chức Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin nêu trên, nếu đúng phải xử lý nghiêm, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng và chống thất thu thuế.

Nghi vấn Tenma hối lộ: Có thể khởi tố vụ án? - Ảnh 1.

Trụ sở Công ty TNHH Tenma Việt Nam tại Khu công nghiệp Quế Võ, huyện Quế Võ, Bắc Ninh - Ảnh tư liệu (Báo Tuổi trẻ)

Liên quan đến vụ việc ngày 26/5, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã ký Quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với các công chức của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với các công chức tham gia đoàn kiểm tra sau thông quan, lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra sau thông quan tại Công ty Tenma Việt Nam để thực hiện công tác kiểm điểm, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Liên quan đến vụ việc, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty luật TGS, đoàn Luật sư Hà Nội thông tin, hành vi nhận hối lộ bị pháp luật nghiêm cấm do xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước và được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Có thể khởi tố vụ án

Theo vị luật sư này, nếu thông tin một công ty của Nhật Bản đã hối lộ cho cán bộ cơ quan nhà nước với số tiền 25 triệu Yên (tương đương hơn 5 tỷ đồng) là đúng sự thật thì người nhận số tiền trên có thể bị phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình khi nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên theo quy định tại khoản 4 Điều 354 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Ngoài ra, cũng cần có sự điều tra làm rõ của CQĐT nếu có 2 cá nhân nhận hối lộ trở lên, xác định mức độ vi phạm của từng người cụ thể và tính tổ chức để có hình phạt thích đáng theo quy định từ khoản 1 đến khoản 4 Điều 354 BLHS.

“Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực ngày 01/01/2018, hành vi nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 với mức hình phạt tù từ 2 năm đến chung thân, tử hình; ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”- luật sư Tuấn nói.

Theo luật sư Tuấn, tại Điều 4 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm là của mọi công dân, Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức, cá nhân phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Theo đó, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp của Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội.

“Điều 163 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, khi nhận được đơn tố giác tội phạm của cá nhân, tổ chức hoặc tự mình điều tra, cơ quan điều tra có thẩm quyền xác minh, điều tra có hay không hành vi vi phạm pháp luật. Sau khi kiểm tra/điều tra, xác minh nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm thì khởi tố vụ án hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra hình sự để điều tra theo đúng thẩm quyền. Sau khi điều tra, xác minh có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành khởi tố vụ án để điều tra, truy tố bị can và xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự 2015”- luật sư Tuấn cho biết.

Nghi vấn Tenma hối lộ: Có thể khởi tố vụ án? - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn.


Hành vi nhận hối lộ ảnh hưởng vô cùng lớn đến hình ảnh đất nước

Mặc dù sự việc đang được điều tra, nhưng theo quan điểm cá nhân luật sư Tuấn, việc này gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh đất nước con người Việt Nam: “Sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh, điều tra và xác định có hành vi nhận hối lộ của một số cán bộ sẽ ảnh hưởng tiêu cực vô cùng lớn trong thời điểm này. Bởi, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra và thời kỳ hậu dịch bệnh Covid-19 khiến một số doanh nghiệp có ý định chuyển sang Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã lập ban cố vấn đề đón đầu cơ hội này. Khi sự việc này bị phanh phui sẽ khiến doanh nghiệp có ý định chuyển nhà máy và đầu tư vào Việt Nam sẽ xem xét lại”.

Cùng với đó, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đưa ra Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI) 2019 vào ngày 23/1/2020, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên nhận thức của chuyên gia kinh doanh và quốc gia về tham nhũng trong khu vực công tại các quốc gia / vùng lãnh thổ đó. Việt Nam đạt 37/100 điểm, tăng 4 điểm so với năm 2018, xếp thứ 96/180 về chỉ số toàn cầu. Tiến bộ năm 2019 phản ánh những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc cải thiện và thực thi chính sách và pháp luật chống tham nhũng, đặc biệt là tăng cường điều tra, truy tố và xét xử một số vụ án tham nhũng lớn. Hành vi nhận hối lộ là một hình thức của tham nhũng.

Trước diễn biến của tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt, nhất là tội phạm về tham nhũng, chức vụ,… để tránh bỏ lọt tội phạm, theo luật sư Tuấn đòi hỏi cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra phải không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực thực thi pháp luật./.

Theo Nguyễn Hiền

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên