Nghi vấn tự lập dự án trái phép rồi phân lô, bán nền
Sau khi nhận chuyển nhượng đất (gồm đất ở và đất vườn) của các hộ dân thôn Bình Thạnh (xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam), ông ĐQNh và bà ĐTN (cùng ngụ TP Tam Kỳ) đã tiến hành san ủi, đầu tư hạ tầng, chia thành nhiều lô để bán.
- 18-10-2019Cuối năm, nhà đầu tư hướng đến đất nền vùng ven Hà Nội
- 16-10-2019Thị trường đất nền TP.HCM đang “hụt hơi”
- 12-10-2019Đất nền Thanh Hóa tăng giá chóng mặt, trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất hiện nay
Theo quan sát của chúng tôi, hai thửa đất của ông Nh. và bà N. nằm đối diện nhau qua đường bê tông rộng khoảng 4 m, điện đường được đầu tư dọc theo đường. Hai thửa đất được tách thành 14 lô nhỏ, xây gạch ngăn cách giữa các lô. Ngoài ra, chủ đất đã đổ trụ bê tông kiên cố, kéo lưới sắt xung quanh hai thửa đất lớn này.
Trước đó ông Nh. đã nhận chuyển nhượng từ ông Cao Viết Luận khu đất gồm 300 m2 đất ở và 770 m2 đất trồng cây lâu năm. Một ngày sau, bà N. cũng nhận chuyển nhượng khu đất 300 m2 đất ở và 320 m2 đất trồng cây lâu năm của một người dân khác. Sau khi sang tên, ngày
19-8-2019, ông Nh. tiếp tục xin tách thửa đất thành tám lô và đã chuyển nhượng 4/8 lô cho hai người khác. Theo người dân địa phương, một lô đất tại đây giá khoảng 300 triệu đồng và mỗi ngày có hàng chục người tới hỏi mua đất.
Thửa đất được phân lô, đường bê tông, điện đường được đầu tư bài bản. Ảnh: THANH NHẬT
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Đức Tin, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Ninh, cho biết huyện đã thông báo công khai cho người dân biết để tránh mua bán, chuyển nhượng các thửa đất của ông Nh. sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở. Lý do là các lô đất này hoàn toàn chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng mục đích từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở. “Chủ đất xin chuyển mục đích sử dụng đất các lô nhỏ nhưng căn cứ kế hoạch sử dụng đất thấy chưa phù hợp nên chúng tôi đã trả hồ sơ” - ông Tin nói.
Theo ông Tin, việc ông Nh. tách thửa bán lại kiếm lời là hình thức kinh doanh, đầu tư, vì vậy phải có sự quản lý của Nhà nước. “Người dân muốn đầu tư hạ tầng phải có quy hoạch phê duyệt chứ không thể tự ý làm theo ý riêng. Đầu tư cây xanh, điện đường, cống thoát nước… xung quanh giống như dự án đầu tư nhưng lại không xin phép, không đứng tên doanh nghiệp là không đúng” - ông Tin khẳng định.
Khi chúng tôi đặt vấn đề vì sao ông Nh. có thể tự lập dự án rồi đầu tư xây dựng ngay trên khu đất chỉ cách UBND xã Tam Vinh vài trăm mét nhưng không bị phát hiện, ngăn chặn, ông Tin lý giải: “Khu đất này ở vị trí khá kín đáo, ít người qua lại, người dân lén lút làm và xã cũng không báo cáo”.
Chúng tôi đã liên hệ nhiều cách, nhiều lần với ông Đỗ Văn Luật, Chủ tịch UBND xã Tam Vinh, để làm rõ vụ việc nhưng không có kết quả. Đối với hai chủ đất, PV đã cố gắng tìm cách liên lạc nhưng cũng không thành công.
Để xử lý vụ việc này, mới đây Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Nguyễn Phi Thạnh đã ký quyết định thành lập tổ kiểm tra do ông Nguyễn Hữu Bình (Chánh Thanh tra huyện) làm tổ trưởng, thời hạn kiểm tra là 15 ngày. Tổ kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát tính pháp lý đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đầu tư hạ tầng, tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất đối với hai khu đất trên và báo cáo, tham mưu UBND huyện xử lý theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định pháp luật. “Để xảy ra vụ việc đã chứng tỏ công tác quản lý của xã kém hiệu quả” - ông Thạnh khẳng định.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh