MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch cảnh phân hóa giàu nghèo ở Trung Quốc

16-09-2017 - 10:30 AM | Tài chính quốc tế

Kinh tế phát triển giúp cho một bộ phận người trở nên giàu có, thế nhưng cũng có những người phải lo ăn từng bữa. Nghịch cảnh phân hóa giàu nghèo ở Trung Quốc gây nên 1001 chuyện cười ra nước mắt.

Steve Guo và vợ vừa sở hữu một căn hộ mới có bốn phòng ngủ tại Thâm Quyến với chi phí bỏ ra là 12 triệu nhân dân tệ (41 tỷ đồng). Họ đang mong đợi đứa con thứ hai sẽ chào đời vào đầu năm tới. Steve chi 60.000 nhân dân tệ (khoảng 210 triệu đồng) vào tháng trước cho dịch vụ chăm sóc hậu sản và một đống hóa đơn cho các dịch vụ, hàng hóa khác nhau, từ một chiếc ghế tựa kiểu Ý cho đến sữa bột thượng hạng của Đức.

Chi phí sinh hoạt trung bình hàng tháng của họ ở thành phố hoa lệ nhất tỉnh Quảng Đông là khoảng 60.000 nhân dân tệ, bao gồm cả tiền chi trả cho các khoản thế chấp, trả góp.


Tỉnh giàu có nhất Trung Quốc - Quảng Đông có GDP cao gần bằng nước Nga.

Tỉnh giàu có nhất Trung Quốc - Quảng Đông có GDP cao gần bằng nước Nga.

Nó trái ngược với các cư dân ở Hongli, một ngôi làng xa xôi ở miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Đông. Trong nhà của Jiang Shuian, một người nông dân 67 tuổi chỉ có tài sản hiện đại và có giá trị nhất là chiếc vô tuyến. Các bức tường trong nhà đã hoen ố, với bộ bàn ghế nhuốm màu ảm đạm, những cánh cửa gỗ lung lay và thứ làm mát duy nhất là chiếc quạt máy ồn ào mà có lẽ nhiều người có thể tìm thấy ở những bảo tàng đồ cổ.

Jiang cho biết, ông và con trai đang ấp ủ ước mơ tiết kiệm được 100.000 nhân dân tệ (khoảng 350 triệu đồng) để sửa sang lại nhà cửa. Nhưng mục tiêu này có vẻ khó khăn đối với mức thu nhập hiện tại của họ. “Kiếm tiền thật khó!”, ông Jiang, ngồi trên chiếc ghế nhựa than thở. “Chúng tôi chỉ kiếm được khoảng 3.600 nhân dân tệ (hơn 12 triệu đồng) từ đất nông nghiệp mỗi năm. Con trai tôi làm việc cho các nhà máy gốm sứ gần đó thì kiếm được từ 1.700 đến 2.000 nhân dân tệ một tháng (5-7 triệu đồng)”.

Gia đình ông Jiang chỉ là một trong số hàng chục ngôi nhà xây bằng bùn và gạch đất ở làng Hongli. Ngôi làng này cũng chỉ là một trong số 2.277 ngôi làng khác trong khu vực có mức sống dưới mức nghèo khổ của tỉnh Quảng Đông với thu nhập bình quân đầu người hàng năm là 4.000 nhân dân tệ (khoảng 14 triệu đồng).

Sự tương phản rõ rệt giữa lối sống của hai gia đình Steve Guo và Jiang Shuian là một minh chứng rõ nét nhất về khoảng cách giàu nghèo đang trở thành thực trạng báo động ở Trung Quốc sau gần bốn thập kỷ bùng nổ về kinh tế. Thu hẹp khoảng cách thu nhập giờ đây là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Quảng Đông, tỉnh giàu nhất Trung Quốc, được coi là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, nơi các doanh nghiệp công nghệ cao đóng đô ở những thành phố phát triển sôi động như Thâm Quyến. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm ngoái của tỉnh này gần bằng với cả nước Nga. Tuy nhiên sự chia rẽ giữa nông thôn và thành thị lại rất sâu sắc.

GDP bình quân đầu người của Thâm Quyến ngang bằng với Bồ Đào Nha, nhưng GDP bình quân đầu người ở Thanh Viễn, thành phố gần với làng Hongli, lại chỉ chưa bằng 1/5 so với Thâm Quyến và thấp hơn so với mức trung bình cả nước. 11 thành phố khác ở Quảng Đông cũng có mức sống dưới trung bình, thậm chí có nơi có mức GDP bình quân đầu người thấp hơn cả Quý Châu, tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc.


Ông Jiang Shuian chỉ muốn sửa sang lại ngôi nhà của mình, nhưng ước mơ ở tuổi 67 là quá khó khăn.

Ông Jiang Shuian chỉ muốn sửa sang lại ngôi nhà của mình, nhưng ước mơ ở tuổi 67 là quá khó khăn.

Số liệu từ cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy khoảng cách giàu nghèo tiếp tục mở rộng trên toàn quốc vào năm ngoái. Hệ số Gini của Trung Quốc, một thước đo về sự bất bình đẳng thu nhập, tăng nhẹ lên mức 0,465 vào năm 2016 so với mức 0,462 hồi năm 2015. Đây là lần đầu tiên khoảng cách giàu nghèo lại mở rộng thêm trong vòng 5 năm qua.

Bên cạnh đó, phần quan trọng làm nên sự thịnh vượng của Trung Quốc lại tạo ra từ nợ nần, một thực trạng đang gây báo động đối với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh khi nền kinh tế sản xuất đang bị thay thế bởi nền tài chính “bong bóng”. Tại Thâm Quyến, sinh viên tốt nghiệp đổ xô thành lập công ty riêng nhờ vào các nguồn vốn rót từ bên ngoài, trong khi các tầng lớp trung lưu bị ràng buộc bởi các khoản tín dụng từ ngân hàng và các tổ chức “ngân hàng ngầm”.

Steve Guo đã mua căn hộ bốn phòng ngủ tại Thâm Quyến qua khoản vay thế chấp vào cuối năm 2015. Anh đã bán hai căn hộ nhỏ với giá 7 triệu nhân dân tệ (24 tỷ đồng) và vay mượn thêm 5 triệu nhân dân tệ (17 tỷ đồng) để mua căn nhà lớn hơn. Gia đình Steve sống trên nợ nần. Thu nhập hàng tháng của cả hai vợ chồng khoảng 30.000 nhân dân tệ (104 triệu đồng) là không đủ để trang trải khoản thế chấp 40.000 nhân dân tệ hàng tháng. Nhưng họ thấy không có vấn đề gì với lối sống của mình, bởi tài sản của họ rất đảm bảo. Với sự phát triển chóng mặt của Thâm Quyến, giá nhà đất sẽ còn lên rất cao trong tương lai.

Đã có những chính sách mới kêu gọi đầu tư toàn diện và đồng đều hơn tại các vùng nghèo khó ở Quảng Đông. Nhiều vùng đất nông nghiệp đã được chuyển đổi mục đích để kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư các khu công nghiệp, đô thị hiện đại. Nhưng làn gió đổi mới không đến nhanh như những gì người dân địa phương tưởng tượng. Chi phí xây dựng, sản xuất ở nơi đây bị đội lên cao, buộc các công ty tìm hướng sản xuất sang các nước Đông Nam Á. Đó không phải là tin tốt lành đối với những gia đình giống như Jiang Shuian ở làng Hongli, những người đang làm việc chăm chỉ để kiếm được số tiền sửa chữa lại ngôi nhà của mình, nhưng họ nhìn thấy cơ hội việc làm chưa đến đã biến mất.

Theo Quốc Vinh

Người đưa tin

Trở lên trên