MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch cảnh trong tuyển dụng nhân sự: Nhân viên giỏi đổi chỗ làm thường không phải vì tiền

26-09-2017 - 21:12 PM | Sống

Hai nguyên nhân chính dẫn đến nhân viên bỗng dưng muốn xin nghỉ việc là chán việc và không hài lòng với mức lương hiện tại. Tuy nhiên với một nhân viên giỏi thì lý do còn đa dạng hơn nhiều và muốn giữ họ lại không đơn thuần chỉ là tăng lương hay các khoản đãi ngộ.

Bạn vừa ký thêm một đơn nghỉ việc của một nhân viên giỏi nữa sau khi không thể thuyết phục người ấy ở lại. Lý do của nhân viên nghỉ việc cũng dễ hiểu: để thay đổi môi trường, tìm cơ hội việc làm mới, tạm nghỉ đi du lịch… Nhưng, ẩn chứa trong những lý do nghỉ việc kia có nhiều nguyên nhân khác. Tăng lương là giải pháp cuối cùng người quản lý đưa ra để giữ chân nhân viên, nhưng tiền đôi khi không phát huy tác dụng.

Tiền là kết quả chứ không phải là nguyên nhân của một công việc tốt.

Các nhân viên chuyên nghiệp, giỏi nghề thay đổi chỗ làm thường không phải vì tiền. Những người thường xuyên nhảy việc vì kế sinh nhai thường không đem lại kết quả, ích lợi gì cho doanh nghiệp. Vì vậy, nếu muốn có được những nhân viên làm việc với hiệu quả cho công ty thì các ông chủ doanh nghiệp nên tuyển những người nào thích trách nhiệm, công ty hay các nhiệm vụ đặt ra.

Những nhân viên đặt chuyện lương thưởng lên trên hết trong công việc của mình thường bị ám ảnh tiền bạc và bởi vậy, ít nghĩ đến công việc. Và bất cứ lúc nào họ cũng có thể nhận được những lời đề nghị từ các công ty khác bên ngoài và sẵn sang nhảy việc nếu có nơi trả lương cao hơn.

Việc mất đi những nhân viên mà theo bạn đang hạnh phúc với công việc không chỉ là một sự hụt hẫng về cảm xúc mà còn có thể ảnh hưởng đến hoạt động của công ty và đội ngũ. Hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu các nguyên nhân cốt lõi nhất khiến nhân viên giỏi không mặn mà ở lại.

Không phải lương, đây mới là những lý do khiến nhân viên giỏi nghỉ việc:

Bị thiếu tôn trọng và bị đánh giá không đúng năng lực

Những nhân viên chuyên nghiệp sẽ tạo ra những giá trị tương xứng với mức lương họ được hưởng và tạo ra lợi nhuận, thậm chí rất cao. Nếu nhân viên không được trả công xứng đáng, không được tạo điều kiện làm việc linh hoạt, không được cung cấp đầy đủ lợi ích hay một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và vui vẻ thì không sớm thì muộn, họ sẽ rời bỏ công việc.

Không có cơ hội phát triển nghề nghiệp

Là một người quản lý, bạn phải hiểu rằng bất kỳ nhân viên nào, đặc biệt là nhân viên giỏi cũng mong muốn được đào tạo, huấn luyện để có thể rèn luyện các kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Họ muốn được phát triển trong tổ chức mà mình đang làm việc và có thứ gì đó trong tương lai để họ cố gắng đạt được.

Thiếu công bằng

Ở bất cứ môi trường công sở nào, nếu sự không công bằng tồn tại, bạn khó có thể giữ chân được nhân viên của mình đặc biệt là những nhân viên giỏi. Vì họ luôn cần được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp để phát huy hết khả năng, sự tư duy và sáng tạo của mình.

Không được theo đuổi đam mê

Các nhân viên giỏi đều có những đam mê của riêng mình. Việc các sếp không cho nhân viên theo đuổi đam mê sẽ dẫn tới sự chán nản, gò bó trong công việc của họ. Mặc dù có thể gây ra ảnh hưởng tới công ty nhưng khi cho phép nhân viên theo đuổi đam mê, năng suất của họ có thể cao tới gấp 5,6 lần bình thường.

Là một người quản lý, việc giữ chân nhân viên giỏi là một điều không thể thiếu trong chiến lược và kế hoạch quản lý của mình. Nhà quản lý hãy tạo cho nhân viên giỏi môi trường làm việc chuyên nghiệp, kịp thời thừa nhận những đóng góp của họ đối với công ty và cho họ quyền tự chủ trong công việc.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên