Nghịch lý: Có những thanh niên Gen Z ở Việt Nam "sợ" công nghệ hơn các thế hệ đi trước?
Với 11% Gen Z bày tỏ lo ngại về tác động của công nghệ tới việc làm trong tương lai, đây là nhóm kém lạc quan nhất trong các thế hệ tham gia vào lực lượng lao động.
- 20-05-2021Cần hơn 25.000 tỷ đồng để mua vaccine COVID-19
- 20-05-2021Nguy cơ đứt mạch sản xuất vì COVID-19
- 20-05-2021"Đào" Bitcoin tốn năng lượng khủng khiếp ra sao mà Elon Musk lại đòi quay lưng vì môi trường?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, số lượng Thế hệ Z (Gen Z) trong độ tuổi lao động (từ 15 tới 24 tuổi) vào năm 2019 là khoảng 13 triệu người. Tới năm 2025, Gen Z dự kiến sẽ đóng góp vào một phần ba lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam, và sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động trong nước.
PwC Việt Nam mới đây đã công bố báo cáo "Thế hệ Z đã sẵn sàng cho kỷ nguyên số? ", được thực hiện nhằm tìm hiểu quan điểm của Thế hệ Z (Gen Z) tại Việt Nam - thế hệ trẻ nhất trong lực lượng lao động, và cách thế hệ này đang chuẩn bị hành trang cho nền kinh tế số nhiều biến động. Ghi nhận ý kiến từ 461 đại diện Gen Z, các phân tích của báo cáo dựa trên dữ liệu từ Khảo sát Mức độ Sẵn sàng Kỹ năng số Việt Nam được PwC Việt Nam công bố vào giữa tháng 3 năm 2021 vừa qua.
Các kết quả cho thấy Gen Z Việt Nam có cảm nhận tích cực về công nghệ, tuy nhiên cũng là thế hệ tỏ ra lo ngại nhất. Trên 80% Gen Z tham gia khảo sát cho biết họ lạc quan rằng công nghệ sẽ cải thiện triển vọng công việc.
Tuy nhiên, với 11% Gen Z bày tỏ lo ngại về tác động của công nghệ tới việc làm trong tương lai, đây là nhóm kém lạc quan nhất trong các thế hệ tham gia vào lực lượng lao động. Theo đó, ba mối quan ngại lớn nhất được trích dẫn là: công nghệ sẽ khiến vai trò của họ trở nên thừa thãi (51%), họ ‘sẽ không có năng lực phù hợp’ (26%) và ‘sẽ không thể học các kỹ năng phù hợp’ (12%).
Gia nhập lực lượng lao động trong thời kỳ công nghệ thay đổi nhanh chóng, Gen Z Việt Nam phải đối mặt với khoảng cách kỹ năng ngày càng lớn trước những yêu cầu liên tục phát triển của thị trường lao động. Bên cạnh đó, có thể thấy mối liên hệ giữa trình độ học vấn hay kỹ năng của những người tham gia khảo sát và mức độ lạc quan của họ về ảnh hưởng của công nghệ tới tương lai việc làm.
Cụ thể, 62% Gen Z Việt Nam không hoặc chưa có bằng cấp tin rằng tự động hóa mang lại nhiều rủi ro hơn là cơ hội, so với tỉ lệ 47% Gen Z có bằng cấp và trình độ kỹ thuật. Phát hiện này tương đồng với các kết quả ghi nhận được từ cuộc khảo sát toàn cầu về nâng cao kỹ năng nghề nghiệp "Hy vọng và Lo ngại" do PwC thực hiện năm 2019 với sự tham gia của hơn 22.000 người, và một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của kỹ năng số đối với triển vọng việc làm.
"Trong thế giới đột phá ngày nay, không có công việc nào đứng ngoài những thay đổi trong tương lai. Lời khuyên của tôi dành cho Gen Z là nên bắt đầu nhìn nhận bản thân mình như một sự tổng hòa các năng lực và kỹ năng, thay vì chỉ gắn mình trong một nghề nghiệp hay vai trò nhất định." Ông Quách Thành Châu, Lãnh đạo Nguồn nhân lực tại PwC Việt Nam cho biết.
Theo khảo sát, Gen Z Việt Nam có cái nhìn cân bằng hơn so với các thế hệ trước về vai trò của các bên liên quan trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Trong khi 50% người được hỏi cho rằng phát triển kỹ năng là hành trình của mỗi cá nhân, 46% cho biết họ kỳ vọng doanh nghiệp và chính phủ sẽ có vai trò quyết định trong việc hỗ trợ người lao động nâng cao kỹ năng nghề.
Nhận định về vấn đề này, ông David Tay, Lãnh đạo chương trình "Thế giới mới. Kỹ năng mới" của PwC Việt Nam cho biết "Đây là thời điểm để mở ra những thảo luận chân thực và toàn diện với các nhà tuyển dụng, chính phủ và rộng hơn là xã hội về những thay đổi mang tính hệ thống cần được thực hiện ngay hôm nay, để trang bị cho thế hệ trẻ Việt Nam những kỹ năng cho ngày mai ."
Nhìn chung, Gen Z đón nhận các phương thức làm việc linh hoạt một cách tích cực và có thể là lực lượng lao động từ xa hiệu quả nhất. 80% Gen Z dự đoán làm việc từ xa sẽ trở thành thông lệ mới và 57% Gen Z tham gia lao động cho biết họ cảm thấy hiệu quả khi làm việc tại nhà, tỷ lệ cao nhất ghi nhận trong các nhóm thuộc độ tuổi lao động.
"Các tổ chức sẽ cần áp dụng một tư duy khác để thu hút và giữ nhân tài Gen Z tại Việt Nam, những người sẽ sớm trở thành động lực phát triển cho lực lượng lao động cũng như nền kinh tế. Đặc biệt, kết quả khảo sát nhấn mạnh sự cấp thiết đối với các tổ chức trong việc sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu đặt ra bởi mô hình làm việc từ xa - về văn hóa lẫn cơ sở hạ tầng, trong khi cân nhắc các bước để giảm thiểu rủi ro an ninh mạng." ông Thành Châu nhận xét.