Nghịch lý doanh nghiệp FDI: Càng ưu đãi... càng lỗ?
Để hạn chế tình trạng trải thảm đỏ thu hút đầu tư, song doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn liên tục báo lỗ. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tự đi trên đôi chân của mình, thúc đẩy kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường kinh doanh...
- 06-03-2019Chuẩn bị gì trong cuộc chơi với các 'đại gia' FDI công nghệ cao?
- 14-02-2019Lợi thế dần mất, Việt Nam cần có phiên bản 2.0 về thu hút FDI
- 12-02-2019Nhiều dự án FDI lớn từ Nhật Bản "xông đất" đầu năm
Bất thường lỗ liên tiếp
Báo cáo của Bộ Tài chính mới đây tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho thấy, cả nước hiện có 21.400 DN FDI (chiếm khoảng 3% tổng số DN hiện có). 2011- 2017 khối doanh nghiệp này duy trì mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận. Riêng năm 2017, doanh thu của DN FDI tăng 28% so với năm 2016; tốc độ tăng tài sản (22%) và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu (14%).
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, thu hút đầu tư nước ngoài còn có điểm hạn chế là cơ cấu ngành, vùng chưa phù hợp, mới tập trung vào ngành sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng không cao, ở các vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi mà chưa vào các vùng khó khăn. Tỷ lệ DN báo lỗ và lỗ mất vốn qua các năm tăng cao, chưa có dấu hiệu giảm. Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân là DN FDI được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) khi đầu tư lớn vào các ngành, lĩnh vực ưu đãi. Hiện nay, ưu đãi về tài chính của Việt Nam tập trung vào 3 lĩnh vực: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế xuất nhập khẩu và ưu đãi về tài chính đất đai.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, vẫn còn tồn tại, hạn chế về ưu đãi doanh nghiệp FDI như mức ưu đãi cao, diện ưu đãi rộng cho doanh nghiệp FDI đã làm suy giảm nguồn thu ngân sách. Ví dụ như các ưu đãi thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số phải nộp trong 9 năm tiếp theo và một số trường hợp được áp dụng mức thuế 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án (trong khi thuế TNDN thông thường là 20%).
Mặc dù áp dụng thống nhất cho các thành phần kinh tế, nhưng khu vực FDI đang được hưởng nhiều ưu đãi hơn các thành phần DN khác: Tỷ trọng thuế TNDN FDI được miễn, giảm trên tổng số thuế được miễn giảm là 76%. Tỷ lệ về thuế TNDN được miễn, giảm của DN FDI trên tổng số thuế TNDN phải nộp tính theo thuế suất phổ thông là 48%. Trong khi đó, tỷ lệ này của DN nhà nước là 4,8%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 14%.
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam không ổn định nên doanh nghiệp không dự tính được hiệu quả kinh doanh trong dài hạn, làm khó cho việc thu hút FDI; một số ngành thực hiện ưu đãi thuế chưa đạt được mục tiêu phát triển nội địa hóa và công nghệ cao...
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) với trên 70%, thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 15%, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Song ông Doanh cho rằng, không thể chấp nhận tình trạng DN FDI liên tục báo lỗ, thậm chí lỗ 20 năm liên tiếp. “Bình thường một DN lỗ 3 năm liên tục đã không thể tiếp tục kinh doanh, song DN FDI lỗ 20 năm liên tiếp nhưng vẫn mở rộng sản xuất, đấy là điều bất bình thường”, ông Doanh bày tỏ.
Theo nguyên Viện trưởng CIEM, khu vực FDI đang bộc lộ những vấn đề quan ngại, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế hiện nay như: trốn thuế, chuyển giá, lỗ giả, lãi thật... Phổ biến nhất có lẽ là hiện tượng chuyển giá. Bằng nhiều hình thức hết sức tinh vi, họ báo lỗ triền miên gây thất thu lớn cho nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước.
Theo TS Lê Đăng Doanh, Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành cần có cơ chế giám sát, chống chuyển giá. Rất nhiều DN FDI nâng chi phí đầu vào lên từ một chi nhánh tập đoàn của họ ở nước ngoài. Do đó, Chính phủ cần có đội ngũ giám sát chuyên sâu, dày dặn kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, hợp tác với các tổ chức quốc tế như kiểm toán độc lập để chứng minh được việc chuyển giá và có biện pháp xử lý.
Phải đi lên từ nội lực
Theo số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê (TCTK), giai đoạn 2011-2016, khu vực DN FDI có lợi nhuận trước thuế cao hơn khu vực DN ngoài nhà nước hơn 181%. Lợi nhuận này của khu vực FDI là lợi nhuận đã khai báo với cơ quan thuế, tức là lợi nhuận sau khi đã trừ đi các khoản chi phí nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu có thể bị nâng giá trị (chuyển giá) để làm giảm lợi nhuận, tránh thuế TNDN.
TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế lưu ý, thuế và các khoản nộp ngân sách của khu vực FDI chỉ bằng 81% khu vực ngoài nhà nước. Thuế bao gồm cả thuế gián thu và trực thu. Khoản thuế gián thu về bản chất không phải của khu vực FDI đóng góp vào ngân sách mà đấy chính là khoản người dân Việt Nam đóng góp vào ngân sách thông qua tiêu dùng sản phẩm của khu vực FDI. Khoản thuế không bao gồm thuế gián thu của khu vực FDI nộp vào ngân sách chỉ bằng 51% khu vực ngoài nhà nước.
Lợi nhuận cao, song mức đóng góp ngân sách của khu vực FDI quá thấp, theo TS Bùi Trinh, đó là nghịch lý. Ông Trinh cho rằng, lợi nhuận của khu vực FDI có thể được chuyển về nước họ. Bởi lẽ, số liệu của TCTK cho thấy, luồng tiền ra thuần năm 2017 khoảng 10,6 tỉ đô la, chiếm khoảng 5% GDP, tăng 28% so với năm 2016 theo giá hiện hành và tăng gần 24% so với năm 2016 nếu loại trừ yếu tố giá. Tốc độ tăng của luồng tiền ra cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP khá nhiều (hơn ba lần). Như vậy, có thể thấy tăng trưởng GDP dựa vào khu vực FDI như hiện nay khiến nguồn lực của nền kinh tế yếu đi.
TS Bùi Trinh thẳng thắn cho rằng, Việt Nam cần tự đi trên đôi chân của mình bằng việc thúc đẩy DN tư nhân trong nước phát triển, tập trung vào những lĩnh vực lan tỏa đến giá trị gia tăng cao và ít ảnh hưởng đến môi trường, thực chất nâng cao đời sống của người dân thay vì phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI.
Đầu tư vào Việt Nam năm 1998, Coca Cola Việt Nam liên tục báo lỗ và chính thức có lãi mức vừa phải trong 3 năm gần đây. Số liệu từ cơ quan thuế cho thấy, từ khi vào Việt Nam đến nay, Coca Cola có doanh thu hàng chục ngàn tỉ đồng, nằm trong top đầu về thị phần nước giải khát Việt Nam, song tổng số thuế TNDN đến hết năm 2017 chỉ khoảng 300 tỉ đồng, năm 2017 là hơn 86 tỉ đồng.
Ở lĩnh vực bất động sản, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng báo lỗ như Keangnam Vina, công ty bất động sản 100% vốn của Hàn Quốc. Mặc dù giá căn hộ được rao bán của dự án này ở Hà Nội cách đây 10 năm đã lên đến 7 - 8 tỉ đồng/căn, nhưng cuối năm nào công ty này cũng báo lỗ. Khi cơ quan thuế vào cuộc, DN thừa nhận hành vi chuyển giá và điều chỉnh lại lợi nhuận, thuế sau đó, bị truy thu thuế hơn 95 tỉ đồng trong mảng kinh doanh căn hộ.
Tiền phong