MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý giá thức ăn chăn nuôi tăng, thịt lợn hơi giảm mạnh

26-08-2021 - 10:07 AM | Thị trường

Việt Nam phải nhập khẩu tới 70-85% nguyên liệu thức ăn từ nước ngoài, với đà tăng giá nguyên liệu toàn cầu rất khó có thể hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi, thậm chí sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi đó giá lợn xuất hơi lại giảm chạm đáy gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi trong nước. Các khoản vay ngân hàng không thể trả chậm khiến nhiều chủ trại rơi vào tình trạng phải phá sản… Để hiểu thêm về nguyên nhân tăng giá thức ăn chăn nuôi, hướng tới giải pháp hạ nhiệt giá, đồng thời đưa ra giải pháp đồng bộ để phát triển ngành công nghiệp chăn nuôi, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện chăn nuôi. 

- Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá lợn xuất hơi giảm đã khiến người chăn nuôi rơi vào thua lỗ, thậm chí càng nuôi càng lỗ. Ông có đánh giá như thế nào, thưa ông?

Đúng vậy, đang có thực trạng hiện nay thị trường thịt lợn Việt Nam chứng kiến một nghịch lý giá một số vật tư đầu vào, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, trong khi giá lợn hơi tại chuồng đang lao dốc. Tại thời điểm hiện nay (24/8/2021) giá lợn hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 55.000-57.000 đ/kg, tại miền Trung và Tây Nguyên 50.000-55.000 đ/kg, tại miền Nam 52.000-55.000 đ/kg. Theo tính toán của các chuyên gia với mức giá nêu trên, người nuôi hầu như không có lãi, ngoại trừ các cơ sở chăn nuôi tự sản xuất được con giống.

Nghịch lý giá thức ăn chăn nuôi tăng, thịt lợn hơi giảm mạnh - Ảnh 1.

Như chúng ta đã biết, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất lớn nguồn cung nguyên liệu của thế giới, nên từ cuối năm 2020 tới nay, khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi toàn cầu tăng cao, khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước cũng tăng theo. Trong khi đó, sau khi kiểm soát được dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn cả nước 8 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng mạnh, nên tổng cung thịt lợn nội địa tăng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến tổng cầu thịt lợn lại giảm. Vì vậy, giá lợn hơi liên tục lao dốc là điều khó tránh khỏi.

-  Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Vậy theo ông, vì sao giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia…? Đây có phải là vấn đề mới xảy ra hay từ nhiều năm nay giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã cao và thiếu sức cạnh tranh như vậy, thưa ông?

Mặc dù là quốc gia được xếp loại trong top 10 của thế giới về sản lượng thức ăn công nghiệp (năm 2020 tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của Việt Nam hơn 25 triệu tấn, bao gồm cả thức ăn chăn nuôi và thủy sản), nhưng giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong nước lại luôn đứng ở mức cao so với các quốc gia khác. Theo tôi, có một số nguyên nhân sau đây: Một là, ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi của Việt Nam là ngành “ăn đong” nguyên liệu của thế giới; hàng năm chúng ta phải nhập khẩu tới 70-85% nguyên liệu thức ăn từ nước ngoài, thậm chí có những loại nguyên liệu phải nhập khẩu 100%. Hai là, các chi phí logistic, phí và lệ phí ở ta cao hơn các nước. Ba là, tỷ lệ chiết khấu mà các nhà máy dành cho các đại lý thức ăn chăn nuôi quá cao (từ 5-10%). Ba yếu tố trên đã khiến giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi bị đội lên.

Nghịch lý giá thức ăn chăn nuôi tăng, thịt lợn hơi giảm mạnh - Ảnh 2.

Một đại lý thức ăn chăn nuôi tại huyện Thống Nhất. Ảnh: B.Nguyên - Báo Đồng Nai.

Và một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là, một số doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI có thể đang chi phối thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước. Bởi lẽ các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi FDI phần lớn là các tập đoàn đa quốc gia có nhiều kinh nghiệm, thế mạnh về vốn về công nghệ và thị trường nhập khẩu nguyên liệu, hiện đang chiếm lĩnh 60% thị phần thức ăn chăn nuôi trong nước, cho nên họ dễ dàng quyết định cuộc chơi về thị trường.

Thực tế cho thấy nhiều năm qua, diễn biến giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào mấy “ông lớn”, họ là người luôn đi trước một bước để định đoạt mặt bằng giá thức ăn chăn nuôi, còn các doanh nghiệp nội địa quy mô nhỏ thường phải đi sau “ăn theo giá”. Chính vì vậy, có tình trạng trong khi các doanh nghiệp nội buộc phải giảm công suất do thua lỗ thì mấy “ông lớn” lại không những không giảm công suất mà liên tục đầu tư xây dựng nhà máy mới.

- Việt Nam là nước nông nghiệp nguyên liệu trong nước dồi dào nhưng mỗi năm vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu ngô, đậu tương, dầu cá…, thưa ông?

Câu chuyện ở đây là nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nội địa không đáp ứng đủ cầu và giá lại chưa thực sự cạnh tranh. Chẳng hạn, hai năm gần đây, mỗi năm nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nội địa chỉ có khoảng 3 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn cám gạo, 0,5 triệu tấn gạo tấm và 0,5 triệu tấn sắn lát. Trong khi đó, nhu cầu hàng năm về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cần tới 26-27 triệu tấn các loại. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu trong nước buộc chúng ta phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Trong năm 2020 chúng ta phải nhập khẩu hơn 20 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi các loại với kim ngạch hơn 7 tỷ USD.

- Trước tình hình trên Việt Nam cần giải pháp gì để hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới, và lâu dài, thưa ông?

Với đà tăng giá nguyên liệu ngũ cốc toàn cầu như thời gian vừa qua, dự báo trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi trong nước khó có thể hạ nhiệt mà thậm chí sẽ tiếp tục tăng.

Theo tôi, bên cạnh các giải pháp trước mắt như giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà Hiệp hội chăn nuôi Gia Việt Nam đã kiến Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ (thuế suất nhập khẩu ngô có thể giảm từ 5% hiện nay xuống 3%, lúa mỳ từ 3% xuống 0%…). Thì đồng thời chúng ta cần có một chiến lược phát triển sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước một cách bài bản, căn cơ với nhiều giải pháp đồng bộ để giảm thiểu sự phụ thuộc quá lớn nguồn cung nhập khẩu. Có như vậy, Việt Nam mới làm chủ được cuộc chơi trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Theo Tuấn Tú

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên