MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý mía đường Việt Nam: Doanh nghiệp còn chờ giải cứu, cổ phiếu LSS, SBT, SLS… đã tăng phi mã

23-01-2021 - 09:39 AM | Doanh nghiệp

Nghịch lý mía đường Việt Nam: Doanh nghiệp còn chờ giải cứu, cổ phiếu LSS, SBT, SLS… đã tăng phi mã

Có thể nói, việc tăng giá bất thường của nhóm mía đường là một nghịch lý hiện nay. Khi mà, ngành còn nhiều bất cập, sản xuất còn manh mún, chưa kể nếu giải pháp từ Bộ được thực thi, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nguồn cung khi diện tích trồng đang giảm và cần thời gian nếu muốn hồi phục.

Những năm qua, ngành đường trong nước đã và đang gặp nhiều khó khăn: sản lượng đường, diện tích mía, giá thu mua mía giảm, các điều kiện thời tiết bất lợi, quy mô canh tác manh mún, nhỏ lẻ.

Sau thời gian duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường từ 1/1/2020. Theo đó, không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%.

Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh. Chưa kể, giá đường nhập khẩu cũng rất thấp, gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất đường cũng như các hộ nông dân trồng mía trên cả nước.

Chờ giải cứu

Hệ quả kéo theo, giá đường thị trường nội địa của Việt Nam đã giảm xuống mức rất thấp, dẫn đến giá mía của Việt Nam cũng rất thấp khiến nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Đây chính là nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu trong niên vụ vừa qua suy giảm trầm trọng.

Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết cả nước trước đây có 40 nhà máy mía đường, nhưng đến niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy hoạt động, giảm 27,5%. Niên vụ 2020-2021 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn với ngành mía đường. Dự kiến có thêm 4 nhà máy gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong phải đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không hiệu quả.

Sau ATIGA, mặt hàng đường được giảm thuế từ 80% (đường thô) xuống còn 5% trong nội khối ASEAN và đối với đường trắng từ 85% xuống còn 5%.

Trước tình trạng cấp thiết trên, nhiều Bộ, ban ngành liên quan đã tổ chức nhiều hội thảo với các chuyên gia để tìm cách "giải cứu" ngành đường. Trong đó, Bộ Công Thương mới đây đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với một số mặt hàng đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Ghi nhận, Bộ Công Thương có thế áp thuế chống bán phá giá và phòng vệ thương mại đối với mặt hàng đường nhập khẩu. Theo đại diện doanh nghiệp, chính sách này sẽ ngay lập tức đảm bảo cạnh tranh cho các công ty đường trong nước.

Cổ phiếu SBT, LSS, SLS… đã vội tăng bằng lần

Dù chưa có kế hoạch và con số cụ thể, cổ phiếu ngành đường trên thị trường đã đồng loạt thăng hoa trước thông tin trên.

Trong đó, cổ phiếu SBT của Thành Thành Công – Biên Hoà tăng hơn 71% từ mức 14.000 đồng/cp (tháng 10/2020) lên hơn 24.000 đồng/cp. Với công suất sản xuất 4.250 tấn đường/ngày, tương đương 1,27 triệu tấn/năm, và có sẵn kênh phân phối tới người tiêu dùng (cả kênh truyền thống và hiện đại), các chuyên gia nhận định SBT là đơn vị hưởng lợi nhiều nhất nếu giải pháp của Bộ Công Thương được thự thi.

Cổ phiếu LSS của Mía đường Lam Sơn cũng nhảy vọt gấp hơn 2 lần chỉ sau 2 tháng, hiện giao dịch tại mức 11.900 đồng/cp. Theo LSS, Công ty đã sớm có những ứng phó với ATIGA như chyển hướng sản xuất kinh doanh.

Mía đường Sơn La (SLS) cũng tăng bằng lần: từ mức 50.000 đồng/cp lên mức 91.000 đồng/cp…

Nghịch lý mía đường Việt Nam: Doanh nghiệp còn chờ giải cứu, cổ phiếu LSS, SBT, SLS… đã tăng phi mã - Ảnh 2.

Có thể nói, việc tăng giá bất thường của nhóm mía đường là một nghịch lý hiện nay. Khi mà, ngành còn nhiều bất cập, sản xuất còn manh mún, chưa kể nếu giải pháp từ Bộ được thực thi, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nguồn cung khi diện tích trồng đang giảm và cần thời gian nếu muốn hồi phục.

Như vậy, nếu Việt Nam áp dụng thuế tự vệ đối với đường Thái Lan, ngược lại hoạt động kinh doanh đường thương mại của doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng xấu. Trong đó, chỉ một ít đơn vị quy mô mới có thể bù đắp bằng cách tăng sản lượng đường sản xuất từ đường thô nhập khẩu. Riêng LSS đặt mục tiêu nhập khẩu 120.000 tấn đường để phục vụ công tác chế luyện và thương mại để bù đắp sản lượng đường thiếu hụt do diện tích mía nguyên liệu giảm.

Chưa kể, dịch Covid-19 còn phức tạp, tình hình kinh doanh doanh nghiệp còn đó nhiều thử thách. Nhìn lại năm 2020, Mía đường Kon Tum (KTS) chỉ đạt 1,9 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với con số 4,5 tỷ đồng hồi năm 2019. Tương tự, Mía đường Lam Sơn (LSS) năm qua cũng giảm gần nửa lợi nhuận ròng chỉ còn 8,5 tỷ đồng…

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên