MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý người già phải đứng cho người trẻ ngồi trên tàu điện ngầm và 17 năm hình thành quỹ hưu trí tại Việt Nam

Nghịch lý người già phải đứng cho người trẻ ngồi trên tàu điện ngầm và 17 năm hình thành quỹ hưu trí tại Việt Nam

Sinh ra một con người mất 9 tháng 10 ngày nhưng để có quỹ hưu trí VFM đã phải mất tận 17 năm.

Lãnh đạo các định chế tài chính và các chuyên gia đã có đánh giá về ưu nhược điểm của quỹ hưu trí tự nguyện trong ngày Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) ra mắt quỹ hưu trí tự nguyện đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Trần Thanh Tân, Phó Chủ tịch DCVFM

"Tôi và anh Dominic Scriven thành lập Dragon Capital từ năm 2004, sau đó DC phối hợp với Sacombank thành lập VFM từ năm 2005, tôi đã điều hành VFM trong 17 năm và sau đó hai công ty sáp nhập. Tôi rời vị trí điều hành để trở thành phó của anh Dominic, trong suốt 17 năm hoạt động tại Việt Nam với vai trò CEO của công ty quản lý quỹ nội địa, tôi đã ngồi trên sân khấu rất nhiều lần để khai trương rất nhiều quỹ đầu tư do VFM quản lý nhưng chưa có quỹ đầu tư nào khiến tôi cảm thấy hồi hộp như vậy.

Sinh ra một con người mất 9 tháng 10 ngày nhưng để có quỹ hưu trí chúng tôi mất tận 17 năm. Chúng tôi đã phải đi gõ cửa các cơ quan để thuyết phục sản phẩm này là cần và cần phải làm sớm.

Có một điều bất hợp lý khi ra nước ngoài có thể nhận ra, ở hệ thống tàu điện ngầm tại Canada, New York hay Tokyo, việc tôn trọng người già trên các chuyến tàu là cực kì quan trọng, nhưng đa phần người già là đứng nhưng người trẻ ngồi. Tôi đã tự hỏi sự tôn kính người già kém phương Đông chúng tôi hay sao? Khi tìm hiểu sâu người trẻ cày mửa mật để nuôi người già thoải mái đi chơi. Cách đây mười mấy năm tôi nghiên cứu quỹ hưu trí thì hệ thống an sinh xã hội do nhà nước quản lý dần dần không thể chịu đựng được vì người ta sống tốt hơn, y tế tốt hơn kéo dài tuổi thọ hơn, 8 người đi làm nuôi 2 người về hưu thì giờ 3-4 người đi làm nuôi 5 người nhận lương hưu. Việt Nam chắc chắn đi đến chuyện đó rất nhanh, nên chúng tôi bắt đầu nghiên cứu, cách đây 17 năm chúng tôi tiếp cận các bước đầu tiên. Hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam chúng tôi chỉ bổ sung thêm một hình thức cho người lao động, giờ này chúng tôi chính thức có sản phẩm mà chúng ta nói đến điểm ưu của nó".

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VSD

Hệ thống quản lý tài khoản hưu trí cá nhân được xây dựng và quản lý bởi Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD). VSD đã đầu tư xây dựng hệ thống và hạ tầng chung cho toàn bộ các quỹ hưu trí tự nguyện. Thông qua cổng thông tin trực tuyến do VSD cung cấp, người tham gia quỹ có thể trực tiếp truy cập tài khoản hưu trí cá nhân một cách thuận tiện để quản lý thông tin, theo dõi giá trị tích lũy và hoạt động tài khoản của cá nhân hàng tháng.

Đây là việc chúng ta ấp ủ từ lâu. Khi tôi ở UBCK, vào thời điểm chúng ta có 99% tài khoản đầu tư chứng khoán là nhà đầu tư cá nhân, một thị trường có ít nhà đầu tư tổ chức thì biến động rất lớn. Hiện nay chúng ta có 90% là NĐT cá nhân nên chúng tôi cần phát triển các định chế tài chính chuyên nghiệp để giữ cho thị trường tránh biến động thất thường. VSD với tư cách là tổ chức tài chính đặc biệt của nhà nước, cùng các nhà thầu trong nước xây dựng nền tảng cung cấp dịch vụ quản trị tài khoản hưu trí cá nhân cho dịch vụ này.

Nghịch lý người già phải đứng cho người trẻ ngồi trên tàu điện ngầm và 17 năm hình thành quỹ hưu trí tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VSD

Chúng ta sẽ tạo ra một cầu đầu tư có tổ chức để đầu tư ổn định, minh bạch và tính biến động của thị trường sẽ giảm đi rất nhiều. Đây là hệ thống đa trụ cột trong an sinh xã hội, giảm bớt áp lực cho bảo hiểm xã hội. Chúng ta có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ và đây là chương trình sinh lời từ đầu tư. Trong điều kiện thị trường phát triển như thế này thì đây là điều rất vui. Tôi hi vọng có nhiều công ty quản lý quỹ tham gia và thiết kế sản phẩm này. Tôi hi vọng sau này chuyên nghiệp hơn sẽ mở rộng giá trị gia tăng hơn nữa cho các sản phẩm quỹ, hiện nay chúng ta chỉ được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, không được đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.".

Bà Nguyễn Thuý Hạnh, Phó Tổng giám đốc Stanchard Chartered

Bên cạnh VSD, ngân hàng Standard Chartered (SCB) là đơn vị độc lập giám sát hoạt động của quỹ hưu trí và toàn bộ tiền đóng góp của người tham gia quỹ để đảm bảo sự minh bạch của chương trình.

Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Standard Chartered cung các cấp dịch vụ cho các quỹ tài sản quốc gia trị giá 120 tỷ USD và lưu ký tài sản cho các quỹ hưu trí trị giá 60 tỷ USD.

Với tình hình dân số già lên của các nước Châu Á trở thành thách thức rất lớn với các nền kinh tế này, đặc biệt tỷ lệ sinh đẻ ngày càng giảm. Chúng tôi dự đoán 30 năm tới tỷ lệ dân số già trên 65 tuổi sẽ tăng gấp đôi, lên 950 triệu người nên việc đưa ra sản phẩm hưu trí ngày càng cấp thiết và đóng góp cho việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội một cách bền vững hơn.

Nghịch lý người già phải đứng cho người trẻ ngồi trên tàu điện ngầm và 17 năm hình thành quỹ hưu trí tại Việt Nam - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thuý Hạnh, Phó Tổng giám đốc Stanchard Chartered

Đứng trên góc độ thị trường Châu Á Thái Bình Dương, tỷ lệ được bảo hiểm hưu trí khá khác biệt, tại Campuchia tỷ lệ bảo hiểm hưu trí dưới 5% nhưng tại Nhật bản đạt 100%. Việc đưa ra sản phẩm hưu trí sẽ tạo cho thị trường phát triển bền vững, tạo nên kênh đầu tư dài hạn và phần nào phát triển thị trường vốn.

Tổng dân số Việt Nam khoảng 96,4 triệu người trong đó lực lượng lao động chiếm khoảng 73,3 triệu (76%) thì tỷ lệ người có lương hưu hiện ở mức 41% đối với người trên 65 tuổi và 26,2% đối với dân số lao động, thời gian người lao động được hưởng bảo hiểm trung bình tại Việt Nam từ 18-20 năm. Do đó chúng ta phải tìm giải pháp đưa ra phúc lợi hưu trí cho một thời gian dài hơn là rất quan trọng. Tôi cho rằng sản phẩm hưu trí rất tiềm năng tại Việt Nam, nó tạo ra kênh đầu tư mới cho tuổi già. Chúng tôi có niềm tin vững chắc đây là sản phẩm thiết yếu trong khối sản phẩm quỹ bán lẻ ở Việt Nam".

Nghịch lý người già phải đứng cho người trẻ ngồi trên tàu điện ngầm và 17 năm hình thành quỹ hưu trí tại Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam, cá nhân đầu tiên tham gia vào quỹ hưu trí chia sẻ: "Ở các quốc gia phát triển, chương trình hưu trí tự nguyện được các công ty áp dụng rộng rãi như một phần của chính sách phúc lợi, tạo cho người lao động cơ hội để tiết kiệm, ổn định khi đến tuổi về hưu. Tôi lấy làm vui mừng với việc triển khai Hưu Trí An Vui tại Việt Nam. Chúng ta sẽ thể chế hoá các dịch vụ tài chính trên thị trường vốn, tạo ra nguồn vốn dài hạn cho sự phát triển của nền kinh tế. Chúng ta tạo một sản phẩm hữu ích và minh bạch cho người lao động và người sử dụng lao động. Quy mô của quỹ lớn hay nhỏ trong năm đầu tiên tôi cũng không biết vì mình chỉ biết trên thế giới có những quỹ hưu trí tỷ USD và Việt Nam chắc chắn phải có những quỹ như thế này. 10 năm nữa chúng ta nhìn lại xem thành lập quỹ hưu trí có đúng hay không. Hy vọng sẽ có nhiều các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam cùng tham tham gia. Với chế độ phúc lợi tốt người lao động cảm thấy đảm bảo cuộc sống và yên tâm công tác hơn."

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên