MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý nhà ở tại Hà Nội

13-08-2021 - 07:54 AM | Bất động sản

Nghịch lý nhà ở tại Hà Nội

Nguyên nhân được Sở Xây dựng TP Hà Nội đưa ra là: Do nghiệm thu chưa xong và do nhiều hộ dân chỉ muốn nhận tiền để tự lo sinh kế thay vì nhận căn hộ tái định cư.

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 170 nhà chung cư tái định cư (TĐC) đã đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà TĐC dù đã hoàn thiện nhưng vẫn bị bỏ hoang.

Mâu thuẫn cung cầu

Đại diện Ban Chỉ đạo Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản TP Hà Nội cho biết thành phố hiện có 145 dự án phát triển nhà ở thương mại và 58 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai thực hiện. Theo Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn TP Hà Nội có 40 dự án phát triển nhà ở phục vụ TĐC với tổng diện tích sàn khoảng 1.334.755 m2, tương đương 21.422 căn hộ. Trong đó đã hoàn thành 19 dự án TĐC với 371.656 m2 (4.684 căn hộ); 21 dự án đang triển khai, khi hoàn thành có khoảng 963.099 m2 (13.870 căn hộ). So với mục tiêu theo kế hoạch được duyệt (khoảng 1.200.000 m2), thành phố dự kiến hoàn thành vượt mục tiêu khoảng 134.755 m2, với 2.163 căn hộ.

Về nhà ở thương mại, giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn TP Hà Nội có 348 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã hoàn thành với 21.558.328 m2, tương đương 179.399 căn hộ. So với mục tiêu theo kế hoạch được duyệt (tổng diện tích khoảng 20.480.000 m2), thành phố hoàn thành vượt 1.140.328 m2, với 9.503 căn hộ. Ngoài ra, hiện có 145 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đang triển khai với 23.108.300 m2 sàn xây dựng nhà ở, tương ứng 164.469 căn hộ.

Nghịch lý nhà ở tại Hà Nội - Ảnh 1.

Khu nhà giãn dân phố cổ rộng khoảng 30 ha trên đường Lý Sơn mới ở quận Long Biên, TP Hà Nội xây dựng từ nhiều năm nhưng chưa thu hút người dân về ở Ảnh: NGÔ NHUNG


Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng Phòng Phát triển đô thị Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho rằng theo quy định, trước khi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án thì quỹ nhà TĐC phải hoàn thành, trên cơ sở đó chủ đầu tư lập dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC và công bố cho các hộ dân biết. Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi nhiều khu TĐC có đông người dân về ở thì hiện vẫn có nhiều tòa TĐC cư bị bỏ hoang hoặc trong cảnh ít người về ở.

Theo ghi nhận, quận Hoàng Mai là địa bàn có nhiều tòa nhà TĐC nhưng hiện một số tòa nhà có rất ít người về ở hoặc không có người ở; một số tòa nhà đang trong tình trạng hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc um tùm.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều quận, huyện như: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Cầu Giấy... Thậm chí nhiều dự án TĐC nằm ở vị trí "đất vàng" đã được hoàn thiện từ nhiều năm qua nhưng đều không có người ở.

Chờ quyết sách mới

Đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội cho rằng do triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị nên nhu cầu giải phóng mặt bằng, bố trí TĐC cho người dân rất lớn. Còn nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhà TĐC xây dựng dang dở hoặc đã hoàn thiện nhưng chưa bố trí người dân đến ở là do chưa hoàn thành nghiệm thu theo quy định, đặc biệt là về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, không ít người dân trong diện TĐC không muốn nhận căn hộ vì lo ngại về chất lượng xây dựng, do vậy họ muốn được nhận tiền để tự TĐC.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tình trạng nhà TĐC ít người về ở còn do chất lượng xây dựng kém, vị trí xa trung tâm, không phù hợp với điều kiện sinh hoạt, mưu sinh của người dân. "Các dự án nhà ở thương mại cũng cần bố trí một phần quỹ nhà để phục vụ nhu cầu của người dân. Với các tòa nhà TĐC không bố trí được người về ở, cần tổ chức bán đấu giá để tránh lãng phí, bố trí một phần dự án nhà ở thương mại làm nhà TĐC..." - ông Đính đề xuất.

Trong khi đó, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cho biết trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025" cũng đã đặt ra việc nâng cao hiệu lực, giải quyết vấn đề nhà ở của thành phố. Ông nói: "Cần phải có cơ chế, chính sách mới thì mới có thể xin điều chỉnh lại Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030. Thành phố đang nghiên cứu lập đề án điều chỉnh chương trình này và phải chờ khi có đề án mới thì mới có những giải pháp căn cơ để giải quyết được những bất cập nêu trên".

Tăng diện tích nhà ở bình quân lên 27,7-29,5 m2/người

Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội là một chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của thành phố về phát triển đô thị theo hướng bền vững, thông minh, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện đồng bộ việc cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị cũ. Mục tiêu của chương trình là đưa diện tích nhà ở bình quân lên 27,7-29,5 m2/người.

"Thực hiện theo chương trình, Sở Xây dựng TP Hà Nội đang tập trung hoàn thành kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung triển khai cải tạo, chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng sống của người dân; hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ" - ông Phong nhấn mạnh.

Theo Bạch Duy Thanh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên