Nghịch lý: Nhiều người trẻ từ bỏ thu nhập hàng tỷ đồng để đi làm việc tay chân
Nhiều người trẻ bất ngờ chuyển sang làm công việc tay chân. Đây là sự thật đang diễn ra tại quốc gia láng giềng Việt Nam.
- 23-07-2024Giám đốc lương hàng tỷ đồng/năm bị sa thải, con trai chuyển từ trường quốc tế sang học trường công, tôi thấm: Kiếm tiền đã khó, giữ tiền càng khó gấp bội!
- 23-07-2024Tốp 5 VĐV kiếm tiền giỏi nhất Olympic Paris 2024: Tài sản gấp đôi Messi, gấp rưỡi Ronaldo
- 23-07-2024Nam ca sĩ U40 từng có thời phải đi bán máu kiếm tiền, giờ sống hạnh phúc với đại gia đình hơn 20 người nhưng không chung huyết thống
Theo Reuters, kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, theo số liệu mới công bố của Cơ quan Thống kê Trung Quốc (NBS), GDP của quốc gia tỷ dân trong quý II/2024 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023. So với quý I/2024, GDP Trung Quốc trong quý II tăng 0,7% và thấp hơn so với dự báo 1,1%. Tuy nhiên, tốc độ này lại thấp hơn so với quý I/2023 và không đạt dự báo của giới phân tích trong khảo sát của Reuters.
Trong thông cáo, NBS viết: "Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa nhằm vực dậy thị trường và kích thích động lực nội tại". Ngoài ra, NBS kêu gọi cần phải củng cố, tăng cường đà phục hồi kinh tế để đảm bảo phát triển bền vững.
Năm 2024, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng quanh 5%. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá rằng đây là mục tiêu tham vọng và có thể phải cần tăng kích thích thì mới đạt được.
Có vẻ như giới trẻ Trung Quốc cũng cảm nhận được sự khó khăn của nền kinh tế và bắt đầu áp dụng lối sống tiết kiệm hơn.
Từ năm 2023, giới trẻ Trung Quốc đã bắt đầu trào lưu mua những "hạt đậu vàng" nặng 1 gram, với mức giá từ 400 – 600 NDT (tương đương với gần 1,4 triệu – hơn 2 triệu đồng). Nhiều bạn trẻ cho biết, họ thường mua 1 hoặc 2 hạt đậu vàng mỗi tháng, tương ứng với chi phí dành để uống trà sữa.
Bên cạnh tiết kiệm đơn thuần, mua hạt đậu vàng được coi là khoản đầu tư dài hạn của giới trẻ. Theo truyền thống, người trung niên và những người già mới mua vàng nhiều nhất. Tuy nhiên, hiện nay, Gen Z (sinh từ năm 1997 – 2012) mới là nhóm khách hàng bị thu hút bởi những sản phẩm tích lũy này.
Ngoài ra, theo các chuyên gia chia sẻ với CNBC, thị trường lao động ở Trung Quốc cũng là một thách thức với người trẻ. Giáo sư Jia Miao tại ĐH NYU Shanghai (Trung Quốc) nhận định: "Đúng là người dân đang từ chối chi tiền. Với một số người trẻ, lý do đơn giản chính là họ không tìm được việc làm hoặc cảm thấy thu nhập khó tăng. Do đó, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chi tiêu ít đi".
Vì sao nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ việc thu nhập hàng tỷ đồng?
Bên cạnh xu hướng chi tiêu tiết kiệm, nhiều người trẻ ở Trung Quốc đang có xu hướng bỏ việc lương cao để làm những công việc tay chân. Leon Li (27 tuổi) là một minh chứng. Cô từng giữ vị trí quan trọng ở một trong những hãng công nghệ lớn nhất ở Trung Quốc. Leon Li là nhân viên hành chính. Công việc của cô là làm việc suốt ngày để xếp lịch họp, chuẩn bị tài liệu và hỗ trợ cho các lãnh đạo khi cần. Thế nhưng, trong tháng 2/2024, Leon Li đã bỏ công việc ổn định với mức lương hậu hĩnh để làm một việc ít áp lực hơn, đó là dọn nhà.
Leon Li chia sẻ về công việc văn phòng ổn định: "Mỗi sáng, cứ nghe tiếng chuông báo thức, tất cả những gì mà tôi nghĩ đến là tương lai mệt mỏi".
Theo CNN, Leon Li chính là một trong những lao động trẻ ở Trung Quốc từ bỏ công việc văn phòng áp lực cao để tìm việc tay chân. Đây là một xu hướng đang ngày càng lan rộng. Nhiều người trẻ từng làm việc cho một số công ty lớn nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế là các công ty này cũng đang mất đi sức hấp dẫn khi nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm khủng hoảng bất động sản, đầu tư nước ngoài giảm sức hút và tiêu dùng đi xuống.
"Tôi thích công việc dọn dẹp. Khi chuẩn mực của cuộc sống được cải thiện trên cả nước thì nhu cầu về dọn dẹp cũng tăng vọt", Leon Li cho biết.
Sau khi thay đổi công việc, Leon Li (hiện đang sống ở Vũ Hán) chia sẻ, cô cảm thấy hạnh phúc, không còn thấy chóng mặt, áp lực tinh thần ít hơn và cả ngày đều tràn đầy năng lượng.
Nhiều người trẻ từ chối văn hóa làm việc 996
Leon Li không phải là người duy nhất tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn, bằng cách từ bỏ công việc văn phòng để làm việc chân tay. Theo đó, Alice Wang (30 tuổi) cũng từng làm việc cho một nền tảng thương mại điện tử hàng đầu ở Trung Quốc, với mức lương 700.000 NDT (tương đương với hơn 2,4 tỷ đồng) một năm. Tuy nhiên, cô đã nghỉ việc vào tháng 4, chuyển từ Hàng Châu (trung tâm công nghệ của Trung Quốc) để đến Thành Đô làm nghề chăm sóc thú nuôi. Thành phố này cũng có chi phí thuê nhà rẻ hơn nhiều.
Trên thực tế, mệt mỏi với văn hóa làm việc 996 (làm từ 9h sáng đến 9h tối và 6 ngày một tuần) đã trở thành động lực khiến nhiều nhân viên văn phòng nghỉ việc dù có mức lương cao. Wang nhớ lại cảm giác thiếu sức sống và toàn thân rã rời khi làm công việc cũ. Nhưng bây giờ cô cảm thấy khác hẳn. "Tôi muốn phát triển bản thân và đó là kế hoạch dài hạn", Wang chia sẻ. Hiện tại, Alice Wang đang học nghề chăm sóc thú cưng và mơ ước sau này cô sẽ mở được cửa hàng của riêng mình.
Theo CNN, trên nền tảng tuyển dụng Zhaopin của Trung Quốc, xu hướng chuyển từ công việc chuyên môn sang lao động phổ thông đang diễn ra, trong bối cảnh nhu cầu về tuyển dụng lao động chân tay tăng cao. Trong cuộc khảo sát mới nhất được công bố vào tháng 6/2024, Zhaopin cho biết, nhu cầu về việc làm phổ thông như nhân viên giao đồ ăn, tài xế xe tải, thợ máy và bồi bàn đã tăng gần 4 lần trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng nhân viên giao hàng tăng nhanh nhất, lên tới 800%, vì 3 năm đại dịch Covid-19 đã tạo ra văn hóa giao đồ ăn.
Hơn nữa, thu nhập của nhóm lao động này cũng ngày càng tăng nên hấp dẫn nhiều người trước đây từng từ chối. Theo khảo sá, sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến đã khiến mức lương trung bình hàng thắng của một nhân viên giao hàng tăng tới 45,3% kể từ năm 2019, tức là từ 5.581 NDT lên 8.109 NDT (khoảng hơn 1.100 USD).
Tuy nhiên, đối với một số sinh viên mới tốt nghiệp, việc làm phổ thông hay lao động chân tay chỉ là bất đắc dĩ. Bởi khi kinh tế chậm lại thì họ lại khó cạnh tranh trên thị trường việc làm hơn. Theo khảo sát của Zhaopin, số người tuổi 25 trở xuống nộp đơn xin ứng tuyển việc làm phổ thông trong quý I/2024 tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Theo NBS, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16 – 24 tuổi ở Trung Quốc từng lên tới 21,3% trong tháng 6/2023. Thế nhưng, trong mấy tháng qua, con số này chỉ còn khoảng 14%.
Ông David Goodman, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại ĐH Sydney nhận định, có sự mất cân đối giữa các ngành đào tạo của trường ĐH và nhu cầu thực sự của thị trường. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đang dịch chuyển theo hướng công nghệ cao, công nghệ xanh và dịch vụ. Trong khi các trường ĐH vẫn còn tập trung vào các ngành sản xuất và dịch vụ công vốn đã bão hòa và không còn hợp thời.
Bài tham khảo nguồn: CNN, Reuters, CNBC
Đời sống & pháp luật