Nghịch lý: Ở đất nước thuộc loại giàu tài nguyên nhất thế giới, người dân lại phải chịu giá điện đắt đỏ nhất thế giới
Việc chuyển từ sử dụng than đá sang sử dụng năng lượng sạch đã mang đến cho đất nước giàu tài nguyên như Australia một “chiếc vương miện” mà họ không hề mong muốn: nơi có giá điện cao nhất thế giới.
- 03-10-2017Ám ảnh phía sau 26 năm kinh tế Australia không suy thoái
- 12-08-2017Ngân hàng lớn nhất Australia bị cáo buộc thực hiện hơn 50.000 vụ rửa tiền và tài trợ khủng bố
- 29-07-2017Dân Australia đang trở nên nghèo hơn – lỗi tại ai?
Mặc dù Úc tự hào về trữ lượng than và khí đốt thuộc hàng lớn nhất thế giới cũng như các điều kiện lý tưởng để sản xuất điện sạch, người dân New York hiện chỉ phải trả bằng một nửa so với người dân Sydney cho chi phí điện sinh hoạt. Một thập kỷ chính trị bất ổn và những sai lầm trong chính sách chống biến đổi khí hậu đã tạo ra hệ thống điện chắp vá, đẩy chi phí sản xuất điện tăng cao và gây thiệt hại cho người tiêu dùng do giá điện tăng gấp đôi kể từ năm ngoái. Không những thế nguy cơ thiếu điện cũng luôn thường trực.
“Nó không phải là sự lộn xộn nhỏ mà là cả một mớ hỗn đỗn” Sanjeev Gupta 46 tuổi, tỷ phú người Anh sở hữu Tập đoàn Liberty House cho biết ông đã nhìn thấy những ảnh hưởng của việc lơ là các chính sách sau khi ông mua một doanh nghiệp nhỏ tại Nam Úc vào hồi tháng 7.
Chính phủ Australia vốn muốn lấy khí đốt tự nhiên để bù đắp sự thiếu hụt về điện do chính sách buộc các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá phải ngừng hoạt động và chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Tuy nhiên, việc Úc tăng xuất khẩu nhiên liệu sang nước ngoài lại gây ra tình trạng thiếu hụt nhiên liệu ở địa phương.
Không có giải pháp trong dài hạn, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã đưa ra các yêu cầu hạn chế xuất khẩu khí đốt và yêu cầu các nhà sản xuất khí đốt tập trung giảm thiểu sự thiếu hụt năng lượng trong nước. Chính phủ cũng đang cố gắng thuyết phục các nhà sản xuất điện khôi phục lại các nhà máy nhiệt điện cũ, kéo dài thêm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch – điều mà các nước phát triển đang cố gắng đi ngược lại.
“Tình trạng tồi tệ này xảy ra không phải trong một sớm một chiều”, Tony Wood - giám đốc chương trình năng lượng thuộc Học viện Grattan, có trụ sở tại Melbourne nói. “Và cũng phải mất một thời gian để chính phủ tìm ra giải pháp để thoát khỏi tình trạng tồi tệ này”.
Các nhà sản xuất điện lớn nhất quốc gia đang kêu gọi Úc từ bỏ than đá để tham gia vào cuộc cách mạng năng lượng sạch. Ông Turnbull, người đang sở hữu những biệt thự trên bờ biển được trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời, không muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vì nó làm tăng chi phí hơn nữa.
Giá điện ở Australia cao nhất thế giới.
Có thể coi Liddell, nhà máy điện nằm trên một hồ trong thung lũng giàu tài nguyên Hunter Valley, là biểu tượng cho những khó khăn mà Úc đang gặp phải trong ngành công nghiệp liên quan đến khí thải nhà kính và biến đổi khí hậu. Cơ sở này cách Sydney 240km về phía Bắc, là nhà máy điện mạnh nhất nước này khi được đưa vào hoạt động trong thập niên 70 của thế kỷ trước.
Với bốn tổ máy phát điện chạy bằng than đá, nó cung cấp điện cho nhà máy luyện kim Tomago Iume, đơn vị tiêu thụ năng lượng lớn nhất ở Úc, và còn có thể tạo ra lượng điện đủ để cung cấp cho hơn một triệu ngôi nhà. Theo các nhà quản lý trực tiếp, nhà máy này hiện đang xuống cấp bởi những thiết bị trở nên cũ kỹ, và điều này đã kiến nhà máy gần như bị lãng quên.
Chính phủ của ông TurnBull muốn kéo dài tuổi thọ của nhà máy. Nhưng việc duy trì hoạt động của nó đến năm 2022 sẽ tốn khoảng 900 triệu đô Úc (khoảng 708 triệu đô Mỹ), và ngân hàng ANZ cho biết họ sẽ không cấp vốn vì nhà máy có thể sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn môi trường.
Đối với EnergyAustralia, một máy phát điện thuộc sở hữu của tập đoàn Hồng Kông, sự thất bại trong việc dự đoán nhu cầu và cung cấp điện là do thiếu vắng chính sách rõ ràng.
“Trong vòng 10 năm qua, nước Úc có quá nhiều thách thức về mặt chính trị, chính sách lúc thế này lúc thế kia và đó là một môi trường khủng kiếp để xem xét các khoản đầu tư sẽ kéo dài 30, 40, 50 năm” .Mark Collette Giám đốc năng lượng của Energy Úc nói với Bloomberg Television.
Thờ ơ với các chính sách về khí hậu cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn chính trị, Úc đã thay Thủ tướng 5 lần trong thập kỷ qua.
Năm 2007, ông Kevin Rudd đến từ Đảng Lao động đắc cử với lời hứa hẹn về một kế hoạch kinh doanh than đá, nhưng ông đã hoãn kế hoạch này vì vấp phải phản kháng của Thượng viện. Người kế nhiệm ông - Julia Gillard - đã đưa ra chương trình định giá carbon, nhưng sau đó chương trình này bị xóa bỏ hoàn toàn bởi Tony Abbott – người lãnh đạo liên minh Tự do – Dân chủ chiến thắng vào năm 2013. Dù bị thay thế bởi ông Turnbull vào năm 2015, chính sách ủng hộ than đá của ông Abbott đã nổi lên như một sự chia rẽ trong Chính phủ.
Thậm chí người ta có thể nói rằng vấn đề năng lượng và thay đổi khí hậu đe dọa sẽ dễ dàng làm Thủ tướng mất chức một lần nữa.
Ngành công nghiệp điện cũng đòi hỏi sự đảm bảo về dòng vốn đầu tư. BHP Billiton, công ty khai tác mỏ lớn nhất thế giới có trụ sở tại Melbourne cho hay họ có thể sẽ cắt giảm đầu tư tại nước này, trong khi đối thủ Rio Tinto Group cho biết những cú sốc giá đang gây nguy hiểm cho các dự án của họ.
Theo ông Wood, cựu giám đốc điều hành của nhà sản xuất và nhà bán lẻ Origin Energy Ltd ở Sydney, giá năng lượng sẽ không thể giảm xuống trong ngắn hạn ngay cả khi quốc gia này cố gắng gia tăng nguồn năng lượng tái tạo.
Có gần 90% trong số vốn 88 tỷ đô la Úc dự kiến được sử dụng để làm tăng sản lượng năng lượng ở Úc đến năm 2040 là đầu tư vào năng lượng sạch, theo Bloomberg New Energy Finace. Và cũng theo ước tính thì sẽ chỉ có ít hơn 2% được sử dụng cho nguồn năng lượng từ than đá và thậm chí là để tân trang lại các nhà máy nhiệt điện hiện có, và 8% còn lại sẽ được đầu tư vào khí đốt.
Cho đến nay, việc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo gần như không đem lại chút tác động đến mức giá điện cao chót vót tại Nam Úc, nơi mà năng lượng mặt trời và gió chiếm khoảng 40% sản lượng điện tại đây. Trước tình trạng người dân Úc phải chịu cảnh mất điện liên miên, tỷ phú Elon Musk đồng sáng lập Tesla Inc, đề xuất xây dựng nhà máy pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới tại Jamestown, cách thủ phủ của bang Nam Úc khoảng 210km về phía Bắc.