MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý ở Mỹ: Vẫn có hàng triệu người thất nghiệp nhưng các công ty không tuyển nổi nhân viên

13-06-2021 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Nghịch lý ở Mỹ: Vẫn có hàng triệu người thất nghiệp nhưng các công ty không tuyển nổi nhân viên

Có 3 nguyên nhân có thể giải thích cho hiện tượng này: trợ cấp quá hào phóng, người lao động sợ hãi và sự phân chia lại lao động giữa các ngành.

Đại dịch Covid-19 dẫn chúng ta đến rất nhiều kết quả kỳ lạ về mặt kinh tế. Mới đây nhất chính là những lời phàn nàn ngày càng nhiều lên ở Mỹ về tình trạng thiếu hụt lao động, bất chấp so với thời điểm trước dịch thì vẫn đang có nhiều hơn 8 triệu người không có việc làm.

Đầu tháng 4, Bloomberg đưa tin hãng hàng không Delta Air Lines phải hủy 100 chuyến bay vì thiếu nhân viên. 1 tiệm café tại bang Florida khó kiếm người đến mức đã quay sang sử dụng robot để chào khách và giao đồ uống. Một cửa hàng McDonald’s trả 50 USD chỉ để ứng viên cho vị trí lật bánh burger chịu tới tham dự phỏng vấn.

Tổng số vị trí trống cần tuyển nhân viên tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong ít nhất 2 thập kỷ. Dữ liệu lịch sử cho thấy các buổi hội chợ tuyển dụng đang tuyển được ít người lao động hơn bao giờ hết. Và kể cả sau khi đã tính đến những thay đổi trong cấu trúc lực lượng lao động, tăng trưởng tiền lương hiện vào khoảng 3% - một mức khá cao và thể hiện các công ty vẫn đang đưa ra mức lương hấp dẫn để thu hút người lao động.

Nếu như tình trạng nà kéo dài, cuối cùng sẽ gây ra lạm phát và đe dọa đà hồi phục của nền kinh tế. Có 3 nguyên nhân có thể giải thích cho hiện tượng này: trợ cấp quá hào phóng, người lao động sợ hãi và sự phân chia lại lao động giữa các ngành.

Hãy bắt đầu với những gói kích thích tài khóa khổng lồ của chính phủ Mỹ. Gần đây nhất, mùa xuân vừa qua mỗi người Mỹ được phát không 1.400 USD tiền mặt. Không ít người sau khi nhận được khoản trợ cấp hậu hĩnh đã nghỉ việc để … ngồi chơi. Hiện nay trợ cấp thất nghiệp là 300 USD/tuần, khiến khoảng 40% người thất nghiệp có thể thà ngồi nhà nhận trợ cấp còn kiếm được nhiều tiền hơn so với công việc trước đó của họ.

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy trợ cấp càng hào phóng thì người lao động càng không muốn đi tìm việc mới. Trong đại dịch mối liên hệ đó dường như đã yếu đi. Nhận thức được rằng trợ cấp thất nghiệp chỉ tăng lên trong ngắn hạn, người lao động sẽ không muốn từ chối 1 công việc mà đem lại nhiều lợi ích về lâu dài. Ở thời điểm đầu dịch, trợ cấp thất nghiệp thậm chí tăng lên mức 600 USD nhưng chính sách này đã kết thúc vào mùa hè và không ảnh hưởng nhiều lên thị trường lao động (theo 1 nghiên cứu của ĐH Massachusetts-Amherst).

Điều này dẫn đến suy luận yếu tố thứ hai – nỗi sợ hãi – có thể giải thích tốt hơn cho tình trạng thiếu lao động của Mỹ. Gần 4 triệu người không đi tìm việc làm "vì sợ bị mắc bệnh", theo số liệu chính thức. Lý giải này cũng hợp lý nếu nhìn vào những ngành thiếu lao động trầm trọng nhất là y tế, giải trí và dịch vụ nhà hàng – khách sạn, cơ sở lưu trú. Đây đều là những ngành đòi hỏi nhân viên tiếp xúc trực tiếp với nhiều người, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao hơn.

Ngược lại, tình trạng thiếu lao động không nghiêm trọng đối với những ngành vẫn có thể vận hành khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội hoặc hoạt động ngoài trời.

Nguyên nhân cuối cùng là sự tái phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế đang diễn ra rất mạnh mẽ. Một số ngành đang ngày càng được ưa chuộng hơn trong khi một số ngành thì suy giảm, phản ánh nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi.

Sau khi nghiên cứu hơn 400 khu vực địa lý, The Economist rút ra kết luận yếu tố địa lý cũng có tác động không nhỏ. Chênh lệch trong tăng trưởng việc làm giữa những vùng phát triển nhất với những vùng đang gặp khó khăn đã tăng gấp đôi so với trước dịch. Người lao động cần thời gian để thích nghi với điều này. Ví dụ, 1 nhân viên pha chế đang tìm việc làm ở trung tâm Manhattan sẽ mất nhiều thời gian để tìm việc hơn so với 1 tài xế giao hàng ở Westchester.

Trong bối cảnh vaccine tiếp tục khiến số ca nhập viện và số ca tử vong vì Covid-19 giảm xuống và tỏ ra hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nỗi sợ của người lao động cũng sẽ giảm xuống. Tuy nhiên nếu tình trạng thiếu lao động biến mất và nguy cơ lạm phát bị dập tắt, sẽ có không ít lao động đang thất nghiệp phải bước vào những lĩnh vực hoàn toàn mới đối với họ nếu không muốn thất nghiệp mãi mãi.

Tham khảo The Economist

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên