Nghiên cứu bố trí nguồn tiền để xử lý các khoản nợ xấu liên quan nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách
Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu và bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách, nợ xấu từ hoạt động cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh.
- 21-07-2017Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu
- 21-07-2017Từng TCTD phải xây dựng kế hoạch tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu để trình NHNN phê duyệt
- 21-07-2017Thủ tướng đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2
Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1058 phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng lộ trình và bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu liên quan nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trung ương, địa phương, nợ xấu từ hoạt động cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu và bố trí nguồn xử lý các khoản nợ xấu nói trên.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, các cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan, tổ chức tín dụng liên quan xây dựng phương án xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Phan Minh Ngọc, như vậy, những nội dung này đã công nhận trách nhiệm của Nhà nước trong việc dùng ngân sách xử lý nợ xấu. Trong Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên với quyết định 1058 này cần được hiểu theo, và cần nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội, rằng nợ xấu do ai/tổ chức nào tạo ra thì người/tổ chức đó phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, Nhà nước sẽ phải và chỉ dùng dùng ngân sách để xử lý nợ xấu nếu nó phát sinh từ nguồn ngân sách mà thôi.
Trước đó, phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã nói rằng ngân sách nhà nước cũng đã gián tiếp hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu. Bởi theo ông, trong quá trình xử lý nợ xấu bằng tài sản đảm bảo, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro. Khi đó phải dùng thu nhập, lợi nhuận để xử lý nên chắc chắn ảnh hưởng đến thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết thêm, việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro sẽ làm các ngân hàng quốc doanh giảm lợi nhuận và qua đó giảm cổ tức nộp cho ngân sách nhà nước. “Điều đó chứng tỏ ngân sách nhà nước đã gián tiếp hỗ trợ nhất định cho tiến trình xử lý nợ xấu”, Thống đốc nói.