Nghiên cứu cho thấy muốn tăng trưởng kinh tế, người dân phải chăm... tập thể dục
Tình trạng rửa tiền trên thế giới đã tăng 20 lần trong khoảng 1990-2009 để đạt hơn 2 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, tham nhũng và hối lộ trên toàn cầu đang ngày một tăng khi nghiên cứu năm 2013 cho thấy tệ nạn này khiến kinh tế thế giới mất ít nhất 4 nghìn tỷ USD. Vậy chuyện này thì liên quan gì đến thể dục?
- 15-06-2019Khát vọng “thành phố hạnh phúc” và 3 mong ước của Chủ tịch Thừa Thiên Huế
- 08-06-20198.350 tỷ đồng “rót” vào hạ tầng khu kinh tế Vân Đồn - Quảng Ninh
- 07-06-2019Chuyên gia kinh tế trưởng World Bank: Bẫy thu nhập trung bình không phải là định mệnh của Việt Nam!
Nền kinh tế toàn cầu của thế kỷ 21 đang gặp nhiều khó khăn khi hàng loạt quốc gia ngập trong đống nợ khổng lồ còn các ngân hàng trung ương thì đua nhau hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng tăng trưởng vẫn không khá hơn.
Rõ ràng, những lý thuyết kinh tế hiện đại dường như không mấy tác dụng lên tình hình thực tế hiện nay.
Theo nhiều Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năng suất thấp trên toàn thế giới đang kéo tăng trưởng kinh tế chậm lại mà nguyên nhân chính là do tình trạng rối loạn xã hội (Social Disorder) gây ra tội phạm kinh tế, qua đó khiến thế giới mất quá nhiều tài nguyên để đối phó với tình trạng này.
Tình trạng rửa tiền trên thế giới đã tăng 20 lần trong khoảng 1990-2009 để đạt hơn 2 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, tham nhũng và hối lộ trên toàn cầu đang ngày một tăng khi nghiên cứu năm 2013 cho thấy tệ nạn này khiến kinh tế thế giới mất ít nhất 4 nghìn tỷ USD.
Việc vi phạm bản quyền đang ngày càng tran lan tại nhiều nơi nhưng không được chính quyền các cấp quan tâm. Nạn cướp biển ngày nay cũng ngày một tăng, khiến chi phí giao dịch thương mại đắt đỏ hơn. Ngoài ra, những hệ lụy tiêu cực từ môi trường cũng khiến cả thế giới mất khoảng 10% GNP mỗi năm.
Tồi tệ hơn, tội phạm công nghệ đang tăng trưởng vởi tỷ lệ 2 con số. Thậm chí, sự làn tràn của virus, việc ăn cắp thông tin và bảo mật giờ đây trở thành một chiến trường mới giữa các cá nhân, tổ chức và quốc gia.
Không dừng lại ở đó, hàng triệu người nhập cư đang bị bóc lột và phải làm việc bất hợp pháp tại nhiều nước, trong khi tỷ lệ phụ nữ và trẻ em bị buôn bán ngày càng tăng.
Danh sách những yếu tố rối loạn xã hội vẫn còn rất dài và rõ ràng thế giới đang phải tốn quá nhiều chi phí để giải quyết những vấn đề này.
Nếu tính tổng tất cả thiệt hại từ những yếu tố rối loạn xã hội, thế giới đã phải chi ít nhất 14.000 tỷ USD vào năm 2006 chỉ để giải quyết những vấn đề rắc rối trên. Con số này thậm chí đã đạt tới 18.000 tỷ USD vào năm 2013 theo ước tính của tổ chức Health Management.
Rõ ràng, một thị trường tự do không thể hoạt động hiệu quả khi những người tham gia không tuân thủ quy định, khi chính phủ không kiểm soát chặt chẽ và khi chính trị làm biến dạng thị trường. Vậy y tế và sức khỏe sẽ giúp được gì cho nền kinh tế?
Kinh tế giảm tốc vì người dân “yếu”
Hầu hết những tệ nạn trên được cho là vô đạo đức, nhưng theo một số nhà kinh tế học, nếu nhìn theo một khía cạnh khác thì đây là biểu hiện của sự “yếu kém sức khỏe” trong người dân.
Một người khỏe mạnh về tâm sinh lý sẽ không cố gắng phạm pháp, hoặc ít nhất cũng sẽ không làm điều vô đạo đức nếu không bị buộc đến bước đường cùng. Một người khỏe mạnh về thể chất thì không cần dùng thuốc phiện, một người có quan hệ xã hội cộng đồng lành mạnh sẽ không cố gắng làm hại người khác. Ngay cả những người có tôn giáo với tinh thần ổn định sẽ tin tưởng vào đáng tối cao của họ, vào hòa bình chứ không muốn bạo lực cũng như hận thù.
Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), sự khỏe mạnh là một trạng thái đầy đủ cả về vật chất, tinh thần cũng như các mối quan hệ xã hội chứ không phải chỉ là không ốm đau hay thương tật gì.
Như vậy, sự khỏe mạnh của người dân không giới hạn về thể chất mà còn liên quan đến tinh thần cũng như các mối quan hệ xã hội. Do đó, những tệ nạn về gia đình, xã hội, kinh doanh đều là dấu hiệu của sự yếu kém sức khỏe.
Y tế ngày nay không đáp ứng được nhu cầu
Trong vòng 200 năm qua, mảng y tế đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong việc chữa trị bệnh tật cho con người. Tuy vậy, kể từ cuối thế kỷ 20, tốc độ phát triển của ngành y tế dần không theo kịp được so với nhu cầu và tình hình biến động xã hội.
Con người ngày nay có cuộc sống rất phức tạp cả về tâm linh lẫn thể chất. Hàng loạt các mối quan hệ rắc rối cũng như những chuẩn mực đạo đức cùng các yếu tố công nghệ khiến sức khỏe con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng và không thể phục hồi hoàn toàn với trình độ y tế như hiện nay.
Dấu hiệu rõ nhất là số loại bệnh cả về thể chất lẫn tinh thần cùng chi phí chi cho chăm sóc sức khỏe ở nhiều nước đang ngày một tăng.
Tồi tệ hơn, trình độ y tế ngày nay đang hướng đến điều trị thể chất là chủ yếu trong khi các liệu pháp điều trị tinh thần lại bị coi nhẹ. Nói cách khác, hệ thống y tế của chúng ta chưa chuẩn bị tốt cho thế kỷ 21, khi con người ngày càng phức tạp hơn.
Nếu xét theo định nghĩa của WHO, hệ thống y tế của chúng ta ngày nay chỉ nên có tên là hệ thống chăm sóc sức khỏe bởi 95% chi phí đầu tư trong mảng này được tập trung cho nghiên cứu, chẩn đoán, điều trị các loại bệnh mà không có nhiều đầu tư cho phòng ngừa cũng như phục hồi sau điều trị.
Theo WHO, việc chữa bệnh phải bao gồm cả việc tìm ra nguyên nhân để phòng ngừa và có biện pháp phục hồi bệnh nhân sau khi đã khỏi bệnh, điều mà các hệ thống y tế ngày nay không quan tâm mấy.
Ví dụ như dạng bệnh liên quan đến sa sút trí nhớ (Dementia). Trong năm 2010, các chương trình bảo hiểm y tế được tài trợ bởi chính phủ Mỹ đã chi 140 tỷ USD cho các nghiên cứu điều trị chứng mất trí nhớ nhưng chỉ có 0,5 tỷ USD là được đầu tư tìm nguyên nhân của căn bệnh này. Một tỷ lệ quá thấp, tương đương 1/280.
Quay trở lại với vấn đề tăng trưởng kinh tế. Yếu tố cốt lõi nhất ở các nước công nghiệp là năng suất nhưng chi phí cho y tế lại không đem lại hiệu quả đủ để con người có thể hồi phục lại mức năng suất bù đắp.
Thêm vào đó, hệ thống y tế ngày nay quá chú trọng vào chữa bệnh mà không phải phòng bệnh hay hồi phục cho bệnh nhân, khiến chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên mà hiệu quả năng suất không được cải thiện mấy.
Tính đến năm 2015, tổng chi phí cho chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu đã đạt 12.000 tỷ USD nhưng ngày càng có nhiều người bệnh hơn bất chấp sự phát triển của ngành y tế.
Bất chấp điều đó, nhiều chuyên gia cho rằng cuộc đại cách mạng khoa học kỹ thuật trong ngành y tế sẽ sớm bùng nổ và thay đổi hoàn toàn xã hội con người, kể cả kinh tế.
Chu kỳ Kondratieff và cuộc đại cách mạng y tế
Thuyết chu kỳ Kondratieff cho rằng nền kinh tế toàn cầu gặp những cuộc đại cách mạng theo chu kỳ 40-60 năm. Những cuộc đại cách mạng này hầu hết được thúc đẩy bởi những sáng kiến mang tính đột phá khác biệt hoàn toàn so với những phát minh khác.
Xét theo khía cạnh kinh tế, thế giới đã có 6 chu kỳ Kondratieff từ thế kỷ 18, bắt đầu với động cơ hơi nước, yếu tố chính làm nên cuộc đại cách mạng của ngành dệt may.
Chu kỳ thứ 2 bắt đầu từ thập niên 1830 với sự phát triển của ngành luyện kim và đường sắt, tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc cho ngành giao thông thời đó.
Đến thập niên 1870, chu kỳ thứ 3 bắt đầu với ngành điện tử và hóa học, qua đó kích thích tiêu dùng trong xã hội. Chu kỳ này kết thúc vào cuối thập niên 1920 khi cuộc Đại suy thoái nổ ra.
Chu kỳ Kondratieff thứ 4 bắt đầu với ngành công nghiệp ô tô và hóa dầu, qua đó thúc đẩy giá dầu tăng chóng mặt vào thập niên 70.
Đến thập niên 1950, chu kỳ thứ 5 bắt đầu với sự phát triển của công nghệ thông tin và ảnh hưởng lan rộng trên mọi mặt đời sống, kinh tế toàn cầu trong nửa cuối thế kỷ 20. Chu trình này kết thúc với cuộc khủng hoảng kinh tế trong khoảng 2002-2004.
Chu kỳ Kondratieff thứ 6 đã bắt đầu trong thập niên 2000 với trọng tâm được cho là ngành y tế. Một trong số đó được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành y tế là công nghệ sinh học. Đây là công nghệ có khả năng làm giảm chi phí chữa bệnh, nâng cao năng suất điều trị cũng như phòng tránh hay phục hồi cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, một số công nghệ khác như liệu pháp chữa trị bằng thiên nhiên, ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các tour du lịch chăm sóc sứa khỏe, các phòng tập thể thao hay những liệu pháp trị bệnh bằng tâm linh... cũng sẽ ngày càng phát triển, qua đó tạo nên một cuộc đại cách mạng mới cho chu kỳ Kondratieff thứ 6.
Chu kỳ thứ 6 là động cơ mới cho tăng trưởng kinh tế
Muốn hiểu chu kỳ Kondratieff thứ 6 trở thành động cơ tăng trưởng kinh tế như thế nào, chúng ta sẽ cùng phân tích tác động của chu kỳ thứ 4 trong khoảng thập niên 20 đến thập niên 50.
Yếu tố chính khởi đầu cho chu kỳ thứ 4 là sự bùng nổ của ngành công nghiệp ô tô cũng như hóa dầu. Trong thời kỳ này, những công ty tư nhân và các nhà đầu tư lớn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế cũng như dẫn dắt dự tăng trưởng toàn cầu.
Nếu coi ngành công nghiệp ô tô và hóa dầu là đầu tàu tăng trưởng thì các ngành công nghiệp khác như xây dựng, khai khoáng, luyện kim, vận tải... là những toa tàu theo sau được hưởng lợi từ sự bùng nổ này. Không dừng ở đó, hàng loạt các mảng dịch vụ như bảo hiểm, bán buôn bán lẻ, ngân hàng... cũng được đầu tư phát triển nhằm phục vụ cho ngành đầu tàu trên.
Tất cả những toa tàu trên kết nối lại với nhau tạo nên hệ thống cung cấp, vận tải, phục vụ khách hàng, phân phối...qua đó tạo ra hàng triệu việc làm mới.
Trong thời kỳ chu kỳ Kondratieff thứ 4 phát triển, mỗi 1/5 công việc tại Mỹ và 1/7 công việc tại Đức là có liên quan đến ngành công nghiệp ô tô.
Tương tự như vậy, ngành y tế trong chu kỳ thứ 6 cũng sẽ bắt đầu phát triển như một đầu tàu tăng trưởng cho kinh tế thế giới, kéo theo đó là hàng loạt các toa tàu khác theo sau.
Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu không phụ thuộc vào máy móc, hóa học hay công nghệ phần cứng nào mà chủ yếu lệ thuộc vào sự chăm sóc sức khỏe vật chất, tinh thần, tâm linh, xã hội của con người.
Nói một cách đơn giản, muốn kinh tế tăng trưởng thì cần phát triển ngành y tế để chúng làm tốt vai trò của mình.
Nhịp sống kinh tế