MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghiên cứu lộ trình đón khách quốc tế trở lại

Nếu chuẩn bị từ sớm, tuyên bố đón khách quốc tế vào một thời điểm nhất định sẽ có lợi thế rất lớn trong việc quảng bá du lịch Việt Nam khi thời gian qua, nước ta đã cơ bản kiểm soát dịch Covid-19.

Tại hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp (DN) du lịch nhằm xúc tiến quảng bá, kích cầu du lịch do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hôm 10-3, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định cho biết một hãng hàng không lớn trong nước đã đề xuất với Tỉnh ủy về hình thức "du lịch cách ly".

Đề xuất sớm triển khai "du lịch cách ly"

Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, do dịch Covid-19, năm 2020, chỉ có khoảng 1,4 triệu lượt khách lưu trú tại tỉnh này, giảm 80% so với năm 2019. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành du lịch đặt mục tiêu trong năm 2021 phấn đấu đón hơn 5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế; phấn đấu doanh thu du lịch đạt 17.500 tỉ đồng, tăng 243% so với năm 2020.

Nghiên cứu lộ trình đón khách quốc tế trở lại - Ảnh 1.

Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh - một trong những điểm đến có thể thí điểm tổ chức du lịch cách ly.Ảnh: KỲ NAM

Đáng chú ý, tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Định cho biết một hãng hàng không trong nước vừa đề xuất với Tỉnh ủy Khánh Hòa hình thức "du lịch cách ly" và chỉ mới được đồng ý về chủ trương. Đề xuất này xuất phát từ nhu cầu của du khách Đài Loan (Trung Quốc) muốn đi nghỉ dưỡng tại Nha Trang mà vẫn bảo đảm việc cách ly phòng dịch Covid-19. Trước khi đi du lịch, du khách sẽ xét nghiệm Covid-19, nếu âm tính thì được bay đến Khánh Hòa. Họ được đón thẳng vào khách sạn, resort nghỉ ngơi, sau 14 ngày sẽ quay trở về nước. Toàn bộ việc ăn uống, vui chơi đều gói gọn trong nội bộ khách sạn.

"Hòn Tre - Vinpearl hay các khách sạn, resort khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh thừa sức đáp ứng về điều này. Khách du lịch ở trong khu cách ly của khách sạn sẽ được đáp ứng về nhu cầu mua sắm, ăn uống, giải trí… Phía hãng hàng không đề xuất, tôi nói anh làm đi, chúng tôi nhiệt liệt ủng hộ. Tôi nghĩ làm được vì du khách ở biệt lập trong khách sạn, không đi đâu hết" - ông Định nói.

Đề xuất mở cửa đón khách quốc tế theo hình thức "du lịch cách ly" từng được ông Lê Dũng Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Long Phú (Khánh Hòa), đề cập. Công ty đã phối hợp với lực lượng công an, y tế, du lịch tổ chức thành công việc đón chuyên gia nước ngoài từ Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan nhập cảnh Khánh Hòa làm việc.

Ngoài ra, còn khá nhiều du khách quốc tế có nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, nghỉ đông. "Với kinh nghiệm hiện có, chúng tôi đang làm việc với hãng hàng không để có đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa, xin phép Chính phủ sớm triển khai hình thức "du lịch cách ly" này" - ông Lâm nói.

Chính phủ Thái Lan vừa công bố kế hoạch "khu vực cách ly" để mở cửa đón khách du lịch nước ngoài từ tháng tới, thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh. Khách du lịch nước ngoài sẽ cách ly tại phòng trong 3 ngày đầu tiên và sau đó được xét nghiệm Covid-19 tại khách sạn. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, khách có quyền đi lại trong toàn bộ khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng cho đến khi kết thúc đợt cách ly 14 ngày. Ngoài ra, nước này cũng thí điểm cho khách cách ly 2 tuần trên du thuyền ở Phuket nếu họ âm tính với Covid-19.

Giúp du lịch vượt qua "bạo bệnh"

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp về vấn đề mở cửa đón du khách quốc tế.

Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để có những giải pháp giúp DN du lịch vượt qua "cơn bạo bệnh", cần sớm lên phương án kỹ càng để đón khách quốc tế trong thời điểm thích hợp, với những tiêu chí rõ ràng chứ không mở ồ ạt. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc mở cửa đón khách quốc tế nhưng vẫn phải tính đến các giải pháp phòng dịch, bảo đảm dịch bệnh được kiểm soát an toàn nhất.

Chiều 11-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, cho biết hiện một số nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan… đang nghiên cứu đón khách quốc tế trở lại. Việc nghiên cứu đúng hướng sẽ giúp DN và ngành du lịch hồi phục sớm hơn mà vẫn bảo đảm an toàn cho người dân, du khách. Riêng Thái Lan đã có kế hoạch mở cửa đón khách có "hộ chiếu vắc-xin" từ ngày 1-7. Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu càng sớm càng tốt.

"Nếu chuẩn bị từ sớm, tuyên bố đón khách quốc tế vào một thời điểm nhất định sẽ có lợi thế rất lớn trong việc tạo hình ảnh, quảng bá du lịch Việt Nam khi thời gian qua, chúng ta đã thành công trong kiểm soát dịch Covid-19" - ông Hà phân tích.

Theo các DN, khi mở cửa trở lại các đường bay quốc tế, khách nước ngoài là doanh nhân, chuyên gia sẽ đến trước, sau đó mới đến khách du lịch nên Việt Nam sẽ có thời gian chuẩn bị về sản phẩm, dịch vụ, các giải pháp an toàn, thị trường nào mở trước.

Ông Phạm Hà cho hay khách quốc tế thường đặt trước từ vài tháng, thậm chí đặt tour 6 tháng đến 1 năm mới tới. Chuẩn bị từ bây giờ để cuối năm vào mùa khách quốc tế bắt đầu mở cửa chính thức là phù hợp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel, cơ quan quản lý nên đưa ra lộ trình rõ ràng về thời điểm nào dự kiến mở cửa, những thị trường nào người dân đã được tiêm vắc-xin, khách nào đã có "hộ chiếu vắc-xin" để DN biết và định hướng cho sản phẩm, tour tuyến, quảng bá thị trường...

"Lộ trình có thể điều chỉnh cho phù hợp với thực tế diễn biến nhưng công bố lộ trình rõ ràng sẽ giúp tăng danh tiếng, hình ảnh du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nếu không có sự chuẩn bị, sẽ khó đạt hiệu quả cao khi khách quốc tế trở lại" - ông Nguyễn Ngọc Toản nói.

Xem xét về hộ chiếu vắc-xin Covid-19

Liên quan đến vấn đề hộ chiếu vắc-xin, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 11-3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hộ chiếu vắc-xin là biện pháp đang được một số nước trên thế giới áp dụng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nghiên cứu, tìm hiểu và sẽ kiến nghị điều chỉnh quy định xuất, nhập cảnh, phù hợp với diễn biến tình hình. Việc mở cửa, từng bước khôi phục đi lại của người dân và thúc đẩy phát triển du lịch phải bảo đảm yêu cầu về kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết những người đã tiêm vắc-xin Covid-19 nhập cảnh Việt Nam vẫn buộc phải cách ly tập trung 14 ngày và có 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Cùng quan điểm, PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế - khẳng định trước đây, để phòng chống bệnh truyền nhiễm, các nước cũng đã áp dụng việc chứng nhận tiêm vắc-xin khi đi lại như với dịch tả, dịch hạch, bệnh sốt vàng...

Tương tự với hộ chiếu vắc-xin phòng Covid-19, một người được tiêm vắc-xin, nếu thực sự có miễn dịch thì khi sang nước khác không bị lây bệnh và cũng không làm lây truyền bệnh. Như vậy, sẽ giải tỏa được khó khăn cho ngành du lịch, hàng không, đi lại, phát triển kinh tế... Tuy nhiên, đến nay, thế giới vẫn còn biết chưa thật đầy đủ về hiệu quả của tất cả các loại vắc-xin trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Virus SARS-CoV-2 biến đổi liên tục nên vắc-xin có thể không hiệu quả hoặc ít hiệu quả với các biến thể mới. Mặt khác, không loại trừ trường hợp có hộ chiếu vắc-xin giả.

Vì thế, các chuyên gia y tế khuyến cáo mỗi quốc gia căn cứ vào đánh giá rủi ro, lợi ích, hợp tác giữa các bên... để có thể có hình thức áp dụng phù hợp. Có thể kết hợp "hộ chiếu vắc-xin" với xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính để giảm thời gian cách ly.

Theo D.Ngọc - D.Thu

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên