Nghiên cứu mới: Phụ nữ đặc biệt lưu ý, trầm cảm trước sinh có thể làm thay đổi bộ não đang phát triển của thai nhi
Các nhà khoa học phát hiện rằng, nếu người mẹ có triệu chứng trầm cảm nặng trong giai đoạn mang thai, sự liên kết chất trắng giữa các khu vực xử lý cảm xúc trong não bộ thai nhi sẽ yếu đi. Kết luận này giải thích tại sao những em bé sinh ra bởi người mẹ mắc trầm cảm lại có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn trong tương lai.
- 19-06-2020Sau tai nạn thảm khốc, cặp vợ chồng U50 đẩy lùi trầm cảm và lan tỏa sự tích cực qua điệu nhảy triệu view
- 26-05-2020"Trước 30 tuổi, muốn có tương lai rực rỡ thì chớ nói KHÔNG với bất cứ điều gì": Nghe theo câu nói này, tôi suýt gây ra tai nạn, cuộc sống mất cân bằng và mắc chứng trầm cảm...
- 20-05-20208 dấu hiệu tiết lộ bạn đang bị trầm cảm nặng nề mà không hề nhận ra
Mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm ở mẹ bầu và não bộ của trẻ
Các nhà nghiên cứu đã quan sát 54 phụ nữ có thai và yêu cầu họ trả lời các câu hỏi từ Thang đo Trầm cảm Sau sinh Edinburgh (EPDS) để tìm hiểu về các triệu chứng trầm cảm trong 3 tháng cuối thai kỳ và 3 tháng đầu sau sinh. Họ cũng sử dụng MRI khuếch tán - một kỹ thuật hình ảnh nhằm làm nổi bật các kết nối cấu trúc giữa các vùng não.
Kết quả phân tích từ hình ảnh MRI cho thấy, sự liên kết chất trắng ở những bà bầu mắc trầm cảm đã bị suy yếu.
Bước tiếp theo là quan sát những đứa trẻ thông qua hình ảnh MRI khuếch tán khi chúng được 4-5 tuổi. Sau đó, các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá hành vi trong vòng 6 tháng quan sát hình ảnh này. Họ nhận ra rằng, những đứa trẻ có mẹ bị trầm cảm trước sinh sẽ có nhiều hành vi bất thường cũng như bất ổn về tâm trạng. Kết quả này có liên quan trực tiếp tới việc liên kết vùng trắng bị suy yếu ở khu vực hạch hạnh nhân-đường dẫn vỏ não trước.
Chất trắng là một hệ thống thần kinh rộng lớn kết nối toàn bộ 4 thùy não cũng như hệ thống limbic. Đây được coi là “trung tâm cảm xúc” của não bộ. Không có những liên kết chất trắng bền vững này, các vùng khác nhau trong não sẽ gặp khó khăn trong việc liên lạc với nhau.
Các nhà khoa học thần kinh chú ý rằng, kết nối này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hành vi. Đây chính là lý do tại sao nghiên cứu gần đây có thể làm rõ mối liên hệ giữa trầm cảm trước sinh và hành vi của trẻ sau này.
Một nghiên cứu tổng hợp năm 2018 về trầm cảm trước sinh đã được tiến hành nhằm xem xét sự phát triển của trẻ cho đến năm 18 tuổi. Nghiên cứu này chỉ ra, bên cạnh bệnh trầm cảm, trẻ còn có nguy cơ cao bị rối loạn lo âu và gặp các vấn đề về hành vi.
Trầm cảm trước sinh phổ biến hơn chúng ta nghĩ
Cứ 5 phụ nữ lại có 1 người mắc các dạng khác nhau của rối loạn lo âu hoặc rối loạn tâm trạng liên quan tới thai kỳ. Theo bác sĩ sản khoa Kecia Gaither - Giám đốc Trung tâm dịch vụ sinh nở tại Bệnh viện Lincoln (New York, Mỹ), nguyên nhân có thể là do các yếu tố nguy cơ như:
- Có tiền sử bị trầm cảm hoặc rối loạn tâm trạng
- Thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội
- Gặp vấn đề với những người quan trọng
- Vấn đề tài chính
- Rối loạn do lạm dụng chất kích thích
- Bạo lực gia đình
- Stress triền miên hoặc bệnh mãn tính
- Cảm giác lo lắng và tiêu cực về chuyện mang thai
- Mang thai khi còn trẻ
Gaither cho biết, bác sĩ sẽ xử lý chứng trầm cảm của sản phụ thông qua các câu hỏi sàng lọc, các đánh giá từ các thành viên trong gia đình, theo dõi hành vi trong những lần khám thai và thảo luận với bệnh nhân. Nếu sản phụ có bất kỳ biểu hiện nào đáng báo động, bác sĩ sẽ cùng với chuyên gia tâm lý đánh giá sâu hơn để tìm ra nguyên nhân thực sự của vấn đề.
Các triệu chứng báo hiệu trầm cảm ở sản phụ
Thời kỳ mang thai luôn đầy ắp những thay đổi về mặt thể chất và cảm xúc, nên đôi khi các bà mẹ không nhận ra mình đang mắc trầm cảm. Một số người coi đó là một phần của quá trình, đặc biệt là khi dấu hiệu trầm cảm lại khá giống các triệu chứng thai nghén như mệt mỏi hay bứt rứt.
“Bản thân bệnh nhân, gia đình và bác sĩ phải hiểu rằng đây là một vấn đề phổ biến ở phụ nữ mang thai. Vì thế, họ cần phải nhận ra các dấu hiệu từ sớm để đi khám bác sĩ đúng lúc”, bác sĩ Gaither khuyến cáo.
Ngoài ra, mọi người thường nghĩ rằng trầm cảm luôn đi kèm với cảm giác buồn bã và chán nản. Tuy nhiên, Scott Dehorty - nhân viên xã hội tại Nhóm Sức khỏe Hành vi Delphi - cho biết, điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra. Trên thực tế, những dấu hiệu trên thường xuất hiện ít hơn cảm giác lo lắng và mệt mỏi.
“Cảm giác chán nản không thực sự phổ biến như nhiều triệu chứng trầm cảm khác”, Dehorty cho biết. Khi mắc trầm cảm, người bệnh thường gặp một số dấu hiệu sau:
- Mất cảm giác vui vẻ, phấn khởi
- Mất hứng thú với những hoạt động mình từng ưa thích
- Mức độ lo lắng cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính
- Thay đổi tâm trạng đột ngột
- Gia tăng cảm giác đau nhưng không phải do tác động của thai kỳ
- Mất động lực
- Ít quan tâm tới bản thân, bao gồm cả vệ sinh cá nhân
- Không hứng thú giao tiếp xã hội
May mắn là căn bệnh này hoàn toàn có thể điều trị. Bác sĩ Gaither khuyên các sản phụ nên nói cho các bác sĩ biết về tình trạng của mình, bởi điều này rất quan trọng. Bạn có thể uống thuốc trầm cảm trong quá trình mang thai, nhưng cần trao đổi kỹ với bác sĩ vì có một số loại thuốc không phù hợp cho mẹ bầu.
(Theo Very Well Mind)