Nghiên cứu thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công
Nghị quyết của Trung ương đề nghị nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; đa dạng hoá nguồn lực, huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
- 04-12-2022Vì sao Bình Dương ‘vỡ’ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công?
- 03-12-2022Hải Dương chạy “nước rút” giải ngân đầu tư công
- 02-12-2022Chủ tịch UBND TP.HCM: “Vốn đầu tư công lúc này rất có ý nghĩa”
Tiếp tục Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, sáng 6/12, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh truyền đạt chuyên đề: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo ông Trần Tuấn Anh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là từ khi đẩy mạnh thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước đến nay.
Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 6
Về những nội dung cốt lõi của Nghị quyết, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao.
Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, Nghị quyết đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn từ đổi mới tư duy, nhận thức cho đến hoàn thiện thể chế, chính sách và giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian qua.
Một trong những nhiệm vụ giải pháp đáng chú ý được Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu ra là hoàn thiện cơ chế, chính sách, thí điểm thực hiện các cơ chế phù hợp để tạo đột phá cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là về đường bộ, đường sắt. Nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng.
Nghị quyết tập trung nhấn mạnh các giải pháp trọng tâm nhằm phát triển một số công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia và vùng về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng, hạ tầng số, các công trình hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục của vùng. Phát triển hệ thống đường cao tốc đạt mục tiêu 5.000 km vào năm 2030. Quan tâm đúng mức và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy nhanh xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 – 2030; nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; đa dạng hoá nguồn lực, huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Cùng với đó, xây dựng và triển khai chiến lược phát triển hạ tầng thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông cho giai đoạn tới theo định hướng hạ tầng số là hạ tầng thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt, ưu tiên đầu tư phát triển nhanh, đi trước một bước. Phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng văn hoá, xã hội.
Nghị quyết cũng xác định cần tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, thu hút FDI. Xây dựng và triển khai định hướng phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, viễn thông, kết cấu hạ tầng...
Tiền phong