MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghiên cứu: Tiền có thể mua được hạnh phúc và người giàu ngày một hạnh phúc hơn người nghèo

15-07-2020 - 06:42 AM | Sống

Những người giàu thì ngày càng giàu hơn và người nghèo thì ngày một nghèo hơn. Hạnh phúc cũng đang chảy ngược cùng dòng tiền.

Trong cuộc sống có rất nhiều yếu tố có thể quyết định đến hạnh phúc của bạn. Chẳng hạn, một cây kem năm 3 tuổi có thể khiến bạn vui cả ngày, cảm giác điều khiển được chiếc xe đạp năm lên 8 cũng vậy. Năm 16 tuổi, hạnh phúc có thể là một chuyến đi chơi xa nhà cùng bạn bè. Còn năm 22 tuổi, đó là khoảnh khắc khi bạn nhận được tháng lương đầu tiên.

Nhưng đứng giữa những tranh cãi xuyên suốt nhiều thập kỷ, người ta vẫn tự hỏi liệu tiền bạc có thể đem lại hạnh phúc lâu dài hay không? Giả sử khi bạn ra trường với mức lương 8 triệu, sau 2 năm làm việc, mức lương của bạn tăng lên 13 triệu, nhưng công việc lại khiến bạn áp lực và có nhiều trách nhiệm hơn. Liệu khi đó bạn có hạnh phúc hơn?

Nghiên cứu: Tiền có thể mua được hạnh phúc và người giàu ngày một hạnh phúc hơn người nghèo - Ảnh 1.

Tiền bạc có thể đem đến hạnh phúc

Nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới chia sẻ cùng một câu ngạn ngữ: "Tiền bạc không thể mua được hạnh phúc" . Nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy điều ngược lại. Khi mức thu nhập của bạn tăng, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn hơn.

Một nghiên cứu đăng trong Kỷ yếu Viện hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ năm 2010 cho thấy những người thuộc nhóm thu nhập thấp thường cảm thấy cuộc sống của họ không viên mãn. Đặc biệt, thu nhập thấp có thể làm trầm trọng hơn những điều bất hạnh mà họ gặp phải, chẳng như ly dị, sức khỏe kém, bệnh tật, cô đơn…

Ngược lại, khi thu nhập tăng lên, mọi người sẽ cảm thấy hài lòng với cuộc sống hơn. Nhưng điều đặc biệt là xu hướng tăng sẽ dừng lại ở một điểm. Khi một hộ gia đình Mỹ tăng được thu nhập của họ lên mức 75.000 USD/năm, vượt lên trên mức thu nhập này dường như không khiến họ hạnh phúc hơn nữa.

Để có thể hình dung, vào thời điểm năm 2010 khi nghiên cứu trên được thực hiện, có khoảng 1 phần 3 số hộ gia đình Mỹ đã vượt qua được mốc thu nhập 75.000 USD/năm. Con số này gấp 1,5 lần mức thu nhập trung bình của một hộ gia đình Mỹ khi ấy, khoảng 50.000 USD/năm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng mức thu nhập lớn hơn 75.000 USD/năm có thể đặt người Mỹ vào các tình huống mới trong cuộc sống, khiến sự thỏa mãn của họ giảm xuống. Chẳng hạn, thu nhập tăng có thể đồng nghĩa với việc bạn được thăng chức, bạn sẽ phải giành nhiều thời gian hơn cho công việc, phải ở lại công ty sau giờ làm thay vì về nhà với gia đình và những người thân yêu.

Một người có thu nhập cao có thể có nhiều tiền hơn, nhưng họ có ít thời gian hơn để tận hưởng những hạnh phúc không đến từ tiền bạc. Suy cho cùng, nếu bạn có 1 triệu USD trong tay mà không có thời gian để tiêu chúng, 1 triệu đô cũng không có ý nghĩa gì cả.

Nghiên cứu: Tiền có thể mua được hạnh phúc và người giàu ngày một hạnh phúc hơn người nghèo - Ảnh 2.

Nhưng tiền bây giờ thậm chí còn mua được nhiều hạnh phúc hơn trong quá khứ

Trong một nghiên cứu mới phân tích hơn 40.000 người trưởng thành Mỹ từ 30 tuổi trở lên, các nhà khoa học tại Đại học San Diego thậm chí còn tìm thấy một mối quan hệ sâu sắc hơn giữa tiền bạc và hạnh phúc.

Bởi vì dữ liệu khảo sát kéo dài tới 5 thập kỷ, từ năm 1972 đến năm 2016, đây là một cơ hội tuyệt vời để xem xét sự thay đổi trong mối liên hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc qua thời gian.

"Ngày nay, tiền bạc và hạnh phúc có mối liên hệ mật thiết hơn so với trước đây. Có vẻ như tiền bây giờ mua được nhiều hạnh phúc hơn trước", Jean Twenge, tác giả nghiên cứu – một giáo sư tâm lý học tại Đại học San Diego cho biết.

Để rút ra kết luận này, Twenge và các đồng nghiệp của cô đã quyết định xem xét hạnh phúc qua lăng kính giai tầng xã hội phân chia bằng thu nhập và trình độ giáo dục. Họ nhận thấy trong số những người Mỹ da trắng sống ở thập niên 1970, có 40% số người được hỏi sẽ nói rằng họ "rất hạnh phúc" dù có bằng đại học hay không có đi chăng nữa.

Nhưng 40 năm sau, vào thập niên 2010, khoảng cách đã xuất hiện. Chỉ có khoảng 29% những người không có bằng cấp cho biết họ hạnh phúc, so với 40% những người trong nhóm có bằng cấp.

Điều tương tự cũng xảy ra khi đổi sang thang đo là mức thu nhập, chỉ có điều hiệu ứng hơi ngược một chút. Vào thập niên 2010, những người có mức thu nhập thấp có mức độ hạnh phúc ổn định và ngang bằng với những người có thu nhập thấp 4 thập kỷ trước.

Nhưng khoảng cách hạnh phúc giữa các tầng lớp xã hội vẫn gia tăng, bởi những người có thu nhập cao hơn trong những năm 2010 đã có mức độ hạnh phúc cao hơn nhiều so với những người thu nhập cao sống trong thập kỷ 1970.

"Sự cách biệt của hạnh phúc theo mức thu nhập tăng dần đều từ những năm 1970 đến 2010", giáo sư Twenge kết luận. Điều đáng nói nữa trong nghiên cứu của Twenge, đó là cô không tìm thấy một điểm chững nào trong mối quan hệ giữa thu nhập tăng và mức độ hạnh phúc tăng.

Ví dụ, những người trưởng thành kiếm được nhiều hơn 160.000 USD mỗi năm trong năm 2020 vẫn hạnh phúc hơn những người kiếm được từ 115.000 đến 160.000 USD. Nói một cách khác, hạnh phúc bây giờ đã không còn bị bão hòa bởi tiền bạc như 10 năm trước nữa.

Nghiên cứu: Tiền có thể mua được hạnh phúc và người giàu ngày một hạnh phúc hơn người nghèo - Ảnh 3.

Hạnh phúc đang chảy ngược cùng dòng tiền

Giải thích cho những gì mà nhóm nghiên cứu tìm thấy, giáo sư Twenge cho biết xu hướng này bắt nguồn từ sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập: Những người giàu thì ngày càng giàu hơn và người nghèo thì ngày một nghèo hơn.

Ngày nay, lương giám đốc điều hành của một công ty trung bình sẽ gấp 271 lần lương của một công nhân điển hình. Quay trở lại năm 1978, con số đó mới chỉ là 30 lần.

Chi phí của nhiều nhu cầu chính yếu trong cuộc sống như nhà ở, giáo dục và chăm sóc sức khỏe quá lạm phát và tiền lương thì không theo kịp ngay cả khi người lao động đã làm việc hiệu quả hơn. Do đó, những người thuộc tầng lớp dưới ngày một gặp khó khăn trong việc theo đuổi học vấn, chăm sóc sức khỏe, mua nhà, nuôi sống gia đình và cho con cái đi học.

Trong một xã hội bất bình đẳng thu nhập, khoảng cách giữa "những người có" và "không có" sẽ rõ ràng hơn, những người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ ít đi. Hạnh phúc của nhóm trung lưu dường như cũng sẽ bị đánh cắp, một là họ vươn lên được nhóm thu nhập cao hơn để hạnh phúc hơn, hoặc họ sẽ mất đi hạnh phúc và rơi xuống nhóm dưới.

Tỷ lệ kết hôn cũng có thể giải thích một phần của xu hướng. Vào những năm 1970, tỷ lệ kết hôn hầu như không khác biệt theo tầng lớp. Nhưng bây giờ, những người có thu nhập và học vấn cao hơn có nhiều khả năng kết hôn hơn những người thu nhập thấp lại không có học vấn tốt. Và nhìn chung, những người đã kết hôn đều cảm thấy hạnh phúc hơn những người chưa kết hôn.

Đó thực sự vẫn chưa phải tất cả, giáo sư Twenge cho biết ngay cả khi kiểm soát được tỷ lệ kết hôn, vẫn còn một số yếu tố quyết định mối quan hệ giữa hạnh phúc với học vấn và thu nhập.

Năm 2015, một bài báo được lưu hành rộng rãi cho thấy tỷ lệ tử vong của người Mỹ da trắng không có bằng đại học đang gia tăng. Nhiều trong số những cái chết này được các nhà nghiên cứu gọi là "cái chết của tuyệt vọng". Nạn nhân đã tự tử hoặc dùng ma túy quá liều.

Trong đại dịch COVID-19, sự phân chia hạnh phúc cho các giai tầng xã hội ở Mỹ thậm chí còn lớn hơn. Những người Mỹ có thu nhập thấp nhiều khả năng bị mất việc hơn những người đang ở một vị trí có thu nhập cao.

"Tất cả các bằng chứng này cho thấy rằng sự phân chia giai cấp về cả sức khỏe thể chất và tinh thần là rất đáng kể và còn đang gia tăng ở Mỹ", giáo sư Twenge cho biết. Mà theo nguyên tắc chung, sự phân chia rõ rệt theo giai cấp có tác động tiêu cực đến sự thịnh vượng của xã hội.

Một nghiên cứu cho thấy những người sống ở các quốc gia có nhiều bất bình đẳng thu nhập sẽ ít hạnh phúc hơn. Bởi vậy, khi sự phân cấp giai tầng xã hội quá sâu sắc và quá tách biệt, hạnh phúc như bị hút vào một chiếc lỗ đen cùng với tầng lớp trung lưu. Quyền mưu cầu hạnh phúc của một bộ phận những người có thu nhập thấp hơn trong xã hội sẽ bị đe dọa.

Tham khảo Theconversation

Theo Zknight

Tổ quốc

Trở lên trên