Nghìn lẻ một mánh khóe lừa phỉnh du khách mà bạn có thể gặp phải khi đến các nước tại châu Âu
Khách du lịch luôn là "con mồi" béo bở dành cho những kẻ có mưu đồ xấu, đặc biệt là khi đi ra nước ngoài.
Mỗi khi đi du lịch - đặc biệt là ở nước ngoài - tâm lý chung của chúng ta là tìm kiếm những điều mới mẻ, những trải nghiệm mới. Nhưng cũng vì mải mê trải nghiệm mà đôi khi chúng ta không để ý đến yêu cầu tối thiểu khi đi du lịch là đảm bảo an toàn cho chính tư trang, hành lý của mình.
Nhiều kẻ sẽ lợi dụng điểm này của bạn để trục lợi bằng một vài mánh khóe khiến bạn mất tiền theo những cách bất ngờ nhất, mà khi nhận ra thì mọi thứ đã quá muộn để thay đổi.
1. Bẫy "Người thú"
Nơi dễ bắt gặp nhất: Nga, Ukraine và nhiều quốc gia tại châu Âu
"Người thú" ở đây là những người trong trang phục linh vật to bự mà bạn vẫn thấy ở các hội chợ. Nhưng ở một số nơi, những kẻ này sẽ luôn có mặt ở các tụ điểm du lịch lớn, nhắm đến các khách du lịch đi cùng trẻ con.
Họ sẽ tiếp cận đứa trẻ, đề nghị bố mẹ tự lấy điện thoại ra chụp hình. Vì muốn con trẻ có kỷ niệm đẹp, nhiều bậc phụ huynh cũng không ngần ngại làm theo, để rồi sau đó bị "linh vật" trở mặt, đòi tiền cho mỗi bức hình vừa chụp.
Đến đây, nhiều người sẽ nghĩ rằng đơn giản chỉ cần không trả tiền là xong? Nhưng không! Các "linh vật" sẽ đòi tiền một cách hết sức hung dữ và quyết liệt, khiến nạn nhân cảm thấy hoang mang, lẫn lộn rồi đồng ý chi tiền. Và tất nhiên, số tiền phải trả cũng khá là chua chát.
Để tránh câu chuyện này xảy ra thì hãy luôn nhớ rằng không có gì là miễn phí. Khi một người đề nghị bạn chụp ảnh, hãy hỏi giá trước. Và nếu người này lảng tránh nhưng cũng không nói là miễn phí, bạn nên cẩn thận thì hơn.
2. Bẫy "hóa đơn"
Nơi dễ bắt gặp nhất: Cộng Hòa Czech
Thực ra, cái bẫy này có thể gặp ở bất kỳ đâu, nhưng tại Czech giống như một ví dụ điển hình vậy.
Khi đi siêu thị ở quốc gia này, hãy nhớ kiểm tra lại kỹ hóa đơn. Bởi lẽ khi nhận ra bạn là khách du lịch, nhân viên thu ngân có thể tìm cách thêm vào vài món đồ, hoặc đổi sang nhãn hiệu khác có giá cao hơn mà bạn sẽ khó nhận ra vì bất đồng ngôn ngữ và rào cản về tiền tệ.
3. Vẫn là "bẫy hóa đơn", nhưng là ở nhà hàng
Nơi dễ gặp nhất: Italy, Hy Lạp, và Cộng hòa Czech
Đa phần các du khách khi đến Ý đều không biết ngôn ngữ địa phương. Thế nên các hóa đơn trong nhà hàng dành cho du khách thường được thêm một vài chi phí cơ bản kiểu: khăn giấy, khăn trải bàn... mà bạn không thể biết. Thế nên nếu cảm thấy nghi ngờ mức giá phải trả đang quá cao, hãy đề nghị được xem thực đơn và tự mình so sánh mọi thứ.
4. Bẫy "hoa hồng"
Nơi thường gặp nhất: Ý
Kịch bản thường gặp như sau: bạn bắt gặp một anh chàng người Ý điển trai quyến rũ, tay cầm một đóa hồng trên đường. Anh ta đến gặp các cô gái, đưa họ đóa hồng trên tay kèm theo một cái ôm nồng nhiệt.
Khi nạn nhân còn đang ngượng đỏ mặt, anh chàng quyến rũ kia sẽ nhanh tay lục túi xách để khoắng một vài món đồ có giá trị bên trong.
Kịch bản khác là một người phụ nữ, tay cầm đóa hồng, tự bỏ vào túi xách của du khách rồi yêu cầu trả tiền. Nếu du khách từ chối, họ sẽ làm ầm lên, đưa nạn nhân vào tình huống bị đánh giá là keo kiệt.
Trong trường hợp này, hãy giả vờ như bạn chẳng hiểu cô ấy đang nói gì, trả lại bông hoa rồi chạy cho nhanh đi.
5. Bẫy "vòng lưu niệm"
Nơi dễ bắt gặp nhất: Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp và Ý
Tương tự như bẫy hoa hồng, nhưng cái bẫy này có phần khó tránh hơn.
Kịch bản thường thấy là có người sẽ tiếp cận du khách, tự ý buộc vào tay họ chiếc vòng, ba hoa một chút về ý nghĩa của nó (tình bạn, tình yêu...) rồi đòi tiền.
Đôi khi, người thực hiện có thể là trẻ em. Đứa trẻ cũng sẽ đến buộc vòng vào tay bạn, rồi xin một khoản tiền nhỏ. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ trong rất nhiều trường hợp, thứ lũ trẻ nhắm đến là nơi bạn đang cất tiền để ra tay sau đó, thế nên hãy thật cẩn trọng.
6. Bẫy "nhân vật nổi tiếng nhảy múa"
Nơi dễ bắt gặp nhất: Ý, Ba Lan, Romania, Tây ban Nha
Tại các quốc gia này, bạn có thể bắt gặp một người đang cầm hộp nhạc, bên cạnh là những hình nộm bằng giấy theo nhân vật hoạt hình nổi tiếng đang nhảy nhót rất hấp dẫn.
Người này sẽ quảng cáo rằng bên trong hình nộm có nam châm, sẽ cộng hưởng với sóng từ loa và khiến nó nhảy. Mỗi hình nộm sẽ được bán với giá 2eu (khoảng 50 ngàn đồng tiền Việt).
Một cái giá không đắt nên rất nhiều người sẽ chọn mua, chỉ có điều đó đơn giản chỉ là những hình nộm bằng giấy, không hơn không kém. Mánh khóe ở đây là bên trong hình nộm có một chiếc móc với dây câu giấu kín bên trong, giúp người bán điều khiển nó nhảy chứ chẳng có nam châm gì hết.
7. Bẫy "chữ ký"
Nơi dễ bắt gặp: Ý, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech Italy
Ở các nước châu Âu rất hay xuất hiện các chiến dịch vì cộng đồng trên các đường phố. Tuy nhiên, trong số đó cũng có nhiều chiến dịch "ma", được lập ra chỉ để moi tiền du khách.
Nếu bạn tò mò dừng lại tìm hiểu, những người này sẽ yêu cầu bạn ký vào một tờ giấy với danh nghĩa "ủng hộ chiến dịch". Nhưng ngay khi ký xong, họ sẽ yêu cầu bạn một khoản đóng góp tối thiểu, hoặc tiền "thuê bút" của họ. Lý lẽ họ đưa ra sẽ là một dòng mô tả điều kiện bên dưới, được thiết kế cực kỳ nhỏ và bằng tiếng địa phương để không ai nhận ra.
Thường thì để tránh rắc rối, các du khách đồng ý chi tiền, và kẻ xấu đã thành công.
8. Bẫy "người giúp đỡ"
Nơi dễ bắt gặp: Ý, Tây Ban Nha
Tại những quốc gia này, nếu có ai ngỏ ý muốn giúp đỡ bạn thì đừng ngần ngại hỏi xem họ sẽ cần bao nhiêu tiền sau đó.
Ví dụ như tại sân bay, sẽ có người đến giúp mang hành lý cho bạn đến nơi đón taxi với một khoản phí thỏa thuận. Họ cũng có thể đề nghị chụp ảnh giúp bạn, nhưng tất nhiên là kèm thêm một khoản tiền sau đó.
Tham khảo: BS, VT.co
Trí thức trẻ