Ngỡ ngàng với một khu vực vùng ven Hà Nội có giá nhà đất tương đương phố cổ, môi giới khẳng định: “Cầm 20 tỷ đồng đừng mơ mua được!”
Hiện nay, nhà đất tại chợ Ninh Hiệp có mức giá cao bất ngờ, tương đương với khu vực phố cổ Hà Nội. Dù mức giá cao chót vót, song các chủ sở hữu cũng không có nhu cầu bán ra. Bởi tiềm năng kinh doanh tại khu vực này rất lớn.
- 15-04-2023Đất đấu giá ven đô từng lập đỉnh hơn 100 triệu đồng/m2, nay giá 30 triệu đồng/m2 vẫn “ế ẩm”
- 15-04-2023Cải cách triệt để thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng
- 15-04-2023Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đóng giỏ hàng
Nhắc đến “thủ phủ” thời trang Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) các dân buôn vải, quần áo tại khu vực miền Bắc không còn xa lạ. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển, việc kinh doanh tại khu vực này cũng trở nên tấp nập sôi động. Hàng ngày, khu chợ Ninh Hiệp đón hàng trăm đến nghìn tiểu thương từ các nơi tới nhập vải, quần áo về bán lẻ. Theo đó mà giá bất động sản tại Ninh Hiệp cũng tăng cao. Cùng đó, nơi đây cũng mọc lên nhiều các lâu đài, biệt thự với giá trị khủng.
Mặc dù hiện nay lượng khách buôn lui tới không đông đúc như trước, song giá bất động sản nơi đây không giảm. Thậm chí, môi giới so sánh giá nhà đất tại trung tâm xã Ninh Hiệp ngang ngửa với phố cổ Hà Nội và khẳng định: “Cầm 20 tỷ đồng, đừng mơ mua được!”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay giá nhà đất tại khu vực đường Ninh Hiệp (đoạn gần chợ Ninh Hiệp), giá nhà đất trung bình dao động từ 800 - 900 triệu đồng/m2, thậm chí có những căn nhà giá trị lên tới trên 1,2 tỷ đồng/m2. Những khu vực xa chợ cũng có mức giá từ 300 - 500 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Không chỉ nhà đất, các kiot tại chợ Ninh Hiệp cũng được phát giá lên tới 1 - 1,2 tỷ đồng/m2. Theo chị P. (đã có thâm niên 15 năm bán hàng tại chợ Ninh Hiệp), năm ngoái có khách tới ngỏ ý mua lại kiot diện tích 15m2 của chị với giá 18 tỷ đồng, tương đương 1,2 tỷ đồng/m2. Tuy nhiên, chị P từ chối bán.
“Đây là ‘cần câu cơm’ của gia đình tôi được bố mẹ chồng để lại, bây giờ bán đi lấy gì làm ăn. Chỉ với kiot nhỏ như vậy nhưng có ngày tôi xuất đi vài tỷ đồng tiền hàng quần áo”, người phụ nữ nói.
Theo người này, giá mỗi kiot có diện tích từ 10 - 15m2 tại khu chợ này đều có giá trên 1 tỷ đồng/m2. Nếu không kinh doanh, có thể dễ dàng cho thuê lại với mức giá 500 - 600 triệu đồng/năm, tương đương 42 - 50 triệu đồng/m2.
Chị P cũng cho biết thêm, để mua được kiot nơi đây cũng rất khó vì không ai có nhu cầu bán lại.
Trong vai người mua, chúng tôi liên hệ tới môi giới tên Thành (môi giới bất động sản tại Ninh Hiệp). Người này cho biết, giá nhà đất nằm ở mặt đường lớn nhưng xa chợ tại Ninh Hiệp thấp nhất cũng từ 300 - 400 triệu đồng/m2, vị trí sẽ rất xấu và khó kinh doanh. Còn những căn nhà đất gần chợ, vị trí đẹp giá trị rất cao, thậm chí lên tới vài tỷ đồng/m2.
Đồng thời, chúng tôi cũng ngỏ ý muốn mua một căn nhà đất với tài chính 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, môi giới này khẳng định: “Cầm 20 tỷ đồng muốn mua tại vị trí tốt thì đừng mơ”. Sau đó, người này vội tắt phụt điện thoại.
Tiếp liên hệ với anh Tấn, môi giới bất động sản tại khu vực này, chúng tôi cũng nhận được phản hồi tương tự về mức giá nhà đất Ninh Hiệp. Cùng đó, người môi giới này còn so sánh giá nhà đất tại Ninh Hiệp cao tương đương phố cổ Hà Nội.
Cũng theo anh Tấn, với mức tài chính 20 tỷ đồng rất khó mua nhà đất tại khu vực này. Bởi, các căn nhà đất tại Ninh Hiệp diện tích nhỏ cũng 50m2, với mức giá thấp khoảng 700 triệu đồng/m2 thì giá trị căn nhà là 35 tỷ đồng. Còn các căn diện tích trung bình trở lên dao động từ 70 - 90m2, những căn nhà diện tích lớn đều trên 100m2.
“Nếu anh là người từ khu vực khác tới thì mua vải, quần áo sẽ dễ còn mua nhà đất rất khó. Bởi, tại Ninh Hiệp kinh doanh rất tiềm năng, nên cứ có người rao bán là dân trong khu vực sẵn sàng mua ngay với giá rất cao, các giao dịch cũng được diễn ra âm thầm. Nhưng hầu hết người dân ở đây đều không có ý định bán đi mà chỉ muốn mua thêm”, anh Tấn nói.
Với mức giá chúng tôi ghi nhận và môi giới chia sẻ thì giá nhà đất gần chợ Ninh Hiệp đã tương đương với các tuyến phố cổ như Hàng Bạc, Hàng Bông, Hàng Bài, Đinh Liệt,...
Thực tế, bất động sản tại các khu vực kinh doanh sôi động và làng nghề lâu năm luôn có sức hút rất lớn. Không chỉ có tiềm năng tự kinh doanh, cho thuê lại, mà để không chờ tăng giá cũng sẽ có lợi nhuận tốt. Theo đó, dù trong bối cảnh thị trường bất động sản chung đang chững lại nhưng những khu vực này vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, người có nhu cầu cũng rất khó có thể mua lại, bởi các chủ sở hữu không muốn bán ra.
Nhịp sống thị trường