Ngô Thùy Anh - Forbes Under 30 Việt Nam: Công việc của chúng tôi giống như đi “phá băng”, phá vỡ những rào cản giữa người cao tuổi và công nghệ
23 tuổi, cầm tấm bằng MBA loại Giỏi, Ngô Thùy Anh đã có một quyết định bị nhiều người nói là có chút dại khờ, đó là từ chối những lời đề nghị làm việc tại tập đoàn tài chính ở Phố Wall - New York (Mỹ) để trở về Việt Nam khởi nghiệp. 28 tuổi, cô “có trong tay” 3 công ty startup và được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh.
- 05-06-2022Forbes Under 30 Asia 2022: CEO Coin98 Finance và bước ngoặt "tỷ đô"
- 04-06-2022Forbes Under 30 Asia 2022: CEO Phenikaa MaaS và tham vọng chuyển đổi số lĩnh vực giao thông thông minh
- 03-06-2022JVevermind - Huyền thoại Vlog, top Under 30 Châu Á của Forbes: Đang đỉnh vinh quang bất ngờ ở ẩn, cuộc sống hiện tại ra sao?
Điểm lại những “chiến tích” của Thùy Anh kể từ khi cô bắt tay vào khởi nghiệp, chắc hẳn chẳng ai thấy quyết định năm 23 tuổi của cô là “dại khờ” nữa. Năm 2017, khi đang học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Mỹ, Ngô Thùy Anh đồng sáng lập Aligo Kids – nền tảng dạy kỹ năng và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em thông qua phim hoạt hình tương tác. Năm 2018, cô tiếp tục mở công ty truyền thông AligoMedia chuyên mảng hoạt hình về các vấn đề xã hội. Đến đầu năm 2020, giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, Thùy Anh thành lập HASU, ứng dụng chăm sóc tinh thần, thể chất dành cho những người từ 50 tuổi.
Ở tuổi 28, Ngô Thùy Anh là một trong những gương mặt trẻ lọt vào Top under 30 năm 2022 của Tạp chí Forbes Việt Nam, hạng mục hoạt động xã hội; đồng thời trở thành 1 trong 17 Đại sứ trẻ toàn cầu của Samsung với Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP quảng bá cho các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Chào chị Thùy Anh, việc lọt vào danh sách Forbes Under 30 trong năm nay có ý nghĩa như thế nào với chị?
Khi mới biết mình được chọn vào danh sách của Forbes Việt Nam, tôi rất vui và bất ngờ nhưng cũng đi cùng với cảm giác lo lắng. Đó cũng là lúc tôi thấy bản thân mang trên vai nhiều trách nhiệm hơn. Với tôi, việc vào danh sách này cũng như một thử thách với chính bản thân mình. Trong quá khứ tôi đã cố gắng và phần nào được xã hội công nhận rồi thì từ giờ về sau tôi sẽ phải phấn đấu gấp đôi, gấp ba lần để có thể làm được, đạt được những điều lớn hơn.
Năm 23 tuổi, tốt nghiệp với tấm bằng MBA loại giỏi, được tập đoàn tài chính ở Phố Wall - New York (Mỹ) ngỏ lời mời nhưng chị từ chối và trở về Việt Nam. Điều gì đã thôi thúc chị quay trở về Việt Nam lập nghiệp?
Nhiều người hỏi tôi: “Ở Mỹ cơ hội tốt như thế, tại sao lại không ở lại?”. Từ lúc nhỏ, tôi đã đi rất nhiều các quốc gia trên thế giới, sống ở rất nhiều nơi, mỗi nơi tầm một vài tuần đến một vài tháng. Tôi nhận thấy là không có một nơi nào trên thế giới này gọi là hoàn mỹ cả, gần như chỗ nào cũng sẽ có điểm hay và điểm không hay ở nơi đó, còn tùy theo mình có thích nghi hay mình có mong muốn sau này sẽ gắn bó cuộc sống của mình với nơi đấy không.
Cuối cùng thì càng đi nhiều và xa, tôi lại càng thấy yêu đất nước Việt Nam và muốn sống ở Việt Nam. Ngoài việc có gia đình, người thân của mình ở đây, đây cũng là nơi mình sinh ra và lớn lên - nơi có một nền văn hóa sâu sắc, có rất nhiều kỷ niệm và sau này tôi cũng muốn con mình cũng có những trải nghiệm như vậy ở quê hương. Thế nên tôi quyết định phải đi nhiều, học thật nhiều những cái mới rồi quay về và làm gì đó cho con người, quê hương tôi.
Mọi người thường nghĩ ở nước ngoài cơ hội tốt hơn, nhưng tôi thì nghĩ ngược lại, ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội mới. Giống như là “nước chảy chỗ trũng”, nước mình là quốc gia đang phát triển, vẫn còn rất nhiều thứ để đầu tư, xây dựng và có rất nhiều cơ hội. Tôi biết nhiều người trẻ ở nước ngoài rất xuất sắc và sau này quay trở về Việt Nam và tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam. Tôi chưa bao giờ phải lăn tăn và phải suy nghĩ lại với quyết định quay trở về Việt Nam.
Cũng có một số người hỏi tôi là tại sao không đi làm ở Mỹ, kiếm tiền một vài năm rồi hẵng quay về. Tôi nghĩ điều gì cũng có tính thời điểm, trong một vài năm ấy mình làm ở Mỹ chỉ để kiếm tiền thì cũng có thể bỏ lỡ những cơ hội khác ở Việt Nam.
Còn vấn đề tài chính đối với tôi không quan trọng bằng việc có được những giải pháp tốt. Tôi nghĩ, miễn là mình có được những giải pháp tốt và đáp ứng được những nhu cầu của thị trường thì tài chính, tiền bạc cũng chỉ là vấn đề đến sớm hay muộn thôi.
Trước quyết định từ chối một công việc có thể nói là nhiều người mơ ước ở Phố Wall năm 23 tuổi của chị, gia đình chị khi đó có ý kiến gì về quyết định này?
Gia đình tôi vẫn luôn ủng hộ cho các quyết định lớn của tôi. Từ ngày xưa đến giờ, gia đình tôi rất ủng hộ con trong việc đưa ra những quyết định nhỏ trong cuộc sống. Tôi sẽ quyết định được là mình ăn gì, mặc gì, đi đâu, học gì và bố mẹ sẽ chỉ đứng ở vai trò là người cho mình lời khuyên, tư vấn chứ không bao giờ bắt ép. Tôi biết mẹ tôi rất xót con nhưng vẫn ủng hộ tôi phải đi thật nhiều và thật sớm, những chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi đều là đi một mình từ khi còn nhỏ cả kể khi kinh tế gia đình không khá giả, để tôi nhìn rõ hơn về thế giới.
Gia đình tôi cũng rất ủng hộ khi tôi quyết định khởi nghiệp. Đó là điều tôi cảm thấy rất biết ơn và may mắn so với nhiều người khác. Tôi quyết định bỏ công việc ở nước ngoài để về Việt Nam, gia đình cũng nói là ủng hộ tôi. Gia đình đã cho tôi suy nghĩ, tài chính không phải vấn đề quan trọng nhất, chất lượng cuộc sống, sự hạnh phúc, hài lòng về chặng đường của bản thân mới là quan trọng hơn cả.
Được biết, chị sáng lập và vận hành 3 start-up Aligo Kids, Aligo Media, Hasu app, cả 3 startup này đều phục vụ mục đích xã hội. Lý do vì sao chị lại lựa chọn khởi nghiệp xã hội?
Việc lựa chọn khởi nghiệp xã hội của tôi cũng tự nhiên như việc lựa chọn ăn cơm thay vì ăn những món ăn khác. Tôi là người rất thích ăn cơm và có thể ăn không biết chán từ năm này qua năm khác (cười). Điều này cũng đến một cách rất đơn giản, liên quan đến cuộc sống hàng ngày, những trải nghiệm trong quá khứ của tôi. Khi gặp những chuyện đó, tôi đau đớn và hối hận vì lúc ấy mình đã không làm được gì quá nhiều.
Từ chuyện cô giáo chủ nhiệm tôi ngày xưa - người đã từng rất thương tôi và rất yêu học sinh, cô qua đời lúc mà tôi đang học kỳ hai năm lớp 1. Đó là lần đầu tiên tôi đối mặt với sinh ly tử biệt, với người cô giáo già mà tôi cảm thấy rất dằn vặt khi mình chưa thể làm được gì cho cô.
Rồi ông ngoại tôi là người mà tôi thương yêu nhất trong gia đình - người đầu tiên dạy tôi dùng máy tính và internet explorer những năm cấp 1, không quản nắng mưa đưa tôi đi học vào những năm cấp 2 và cấp 3, cũng qua đời trong cô đơn khi tôi chưa làm được cho ông những điều tôi mong muốn.
Rồi còn khoảnh khắc tôi nhìn thấy một em bé rơi xuống hồ năm tôi học mẫu giáo mà tôi không thể nhảy xuống để cứu được, khiến tôi bị ám ảnh bởi cảm giác bất lực.
Lớn lên, tôi không muốn có những cảm xúc bất lực như trong quá khứ nữa nên tôi đi giải quyết những vấn đề trong xã hội bằng việc khởi nghiệp xã hội.
Chị giải quyết bài toán về nguồn tiền, nguồn vốn để vận hành startup của mình như thế nào?
Đối mặt với những chuyện sinh ly từ biệt từ khi còn nhỏ khiến tôi thấm nhuần cảm giác thời gian không phải vô hạn. Tôi luôn nghĩ làm thế nào mình trưởng thành nhanh nhất để có thể lo cho mọi người xung quanh, rồi rộng hơn là làm gì cho xã hội, làm gì để để lại giá trị cho những thế hệ sau.
Từ lúc học cấp 3, tôi đã có thu nhập từ việc làm cộng tác với báo Hoa học trò, lên đại học thì làm cho đài truyền hình mấy năm ở đủ các vị trí khác nhau. Hồi đại học tôi cũng làm rất nhiều công việc để kiếm thêm thu nhập như làm trợ giảng cho giáo sư, trợ lý cho chủ tịch của trường, tổ chức và quản lý các hoạt động sinh viên và từ thiện trong trường. Chưa kể làm thêm bên ngoài như trông trẻ, mở shop bán đồ. Chính công việc đi trông trẻ là lý do tôi mong muốn mở startup đầu tiên là Aligo Kids về phòng chống xâm hại trẻ em.
Dù bây giờ tôi quyết định dồn hết tâm sức vào cho thị trường người cao tuổi nhưng tôi cũng vẫn mơ ước tất cả trẻ em Việt Nam được hưởng nền giáo dục thật tốt từ khi còn nhỏ, để có thể trưởng thành một cách hạnh phúc, khỏe mạnh và an toàn.
Trong hành trình đi làm từ thời đi học, tôi cũng tiết kiệm được một số vốn khá là tốt. Cứ thấy có cơ hội nào là tôi lại nhanh chóng nắm lấy để thứ nhất, mình được trải nghiệm rộng và thật sớm để quyết định xem tương lai mình sẽ phù hợp đi chuyên sâu theo hướng nào, thứ hai mình có thu nhập để nuôi bản thân, cũng để tiết kiệm để đem đi đầu tư. Năm 23 tuổi tôi đã xác định được chặng đường của mình sẽ đi như thế nào, cần những kỹ năng gì để phát triển. Hiện tại, tôi đã chọn được con đường phát triển và chỉ đi theo con đường ấy.
Khởi nghiệp ứng dụng HASU - giải pháp công nghệ giúp người trên 50 tuổi chủ động chăm sóc sức khỏe, rèn luyện, học tập, giải trí, giao lưu giữa mùa dịch, chị có thấy mình “liều” không khi khởi nghiệp trong giai đoạn đầy biến động này?
Ở thời điểm đó, tôi cũng lường trước được tất cả những khó khăn có thể xảy ra. Thời điểm đấy tôi cũng có công ty khác và tôi cũng rất ngấm, đoán trước được nếu khởi nghiệp trong lúc dịch bệnh thế này những rủi ro nào có thể sẽ tới. Nhưng chúng tôi cũng xác định là phải bắt đầu ngay vì chính lúc dịch bệnh là lúc người cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trước đây, chúng tôi có thể tìm được người cao tuổi ở nhiều công viên, hội nhóm, họ cũng có nhiều thời gian họ ra ngoài, đi chơi, con cháu cũng có nhiều thời gian đưa họ ra ngoài. Tuy nhiên từ khi xảy ra dịch thì họ rất ít đi ra ngoài và bản thân người cao tuổi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Lúc này chúng tôi có suy nghĩ là chắc chắn phải làm ngay, làm nhanh một điều gì đấy cho người cao tuổi thế nên chúng tôi không sợ những khó khăn mà lùi lại, hay chùn bước. Chúng tôi quyết tâm tìm ra những giải pháp cho nhóm tuổi này. Chính trong lúc dịch bệnh là lúc chúng tôi nhìn thấu được nhiều vấn đề, phương án giải quyết và nhiều cơ hội nhất.
Tôi nhìn thấy một số startup về sức khỏe cho người cao tuổi trên toàn cầu đã, đang phát triển rất tốt, rất nhanh. Điều này cũng làm cho tôi vững tin hơn về việc mình hoàn toàn có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực đó cũng như trong giai đoạn đó.
Những khó khăn chị gặp phải là gì khi khởi nghiệp trong mùa dịch? Chị đã vượt qua những thách thức đó như thế nào?
Tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi khởi nghiệp trong mùa dịch. Thứ nhất đối tượng khách hàng là những người cực kỳ khó tiếp cận. Trước đây, chúng tôi hoàn toàn có thể làm rất nhiều những khóa đào tạo, giảng dạy, các hoạt động marketing tại các câu lạc bộ cho người cao tuổi bởi vì hơn 85% người cao tuổi sinh hoạt tại các CLB phường xã, hội nhóm, có tham gia hoạt động xã hội nên tôi có thể tiếp cận họ rất dễ dàng. Tuy nhiên khi dịch xảy đến thì gần như họ bị cách biệt với thế giới bên ngoài, họ ít đi giao lưu, phải ở nhà nhiều hơn để bảo vệ sức khỏe cũng như để cho con cháu yên tâm. Đây cũng là một khó khăn của tôi khi tiếp cận đến người cao tuổi.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng tìm ra nhiều cách để khắc phục khó khăn. Chúng tôi đã tạo ra những hoạt động online cho người trung niên, cao tuổi thông qua các CLB, hội nhóm. Ví dụ các Hiệp hội, CLB người cao tuổi trước đây hoạt động 100% offline thì khi dịch bệnh đến khó khăn của họ chính là có một môi trường online cho hội viên sinh hoạt, thì mô hình online của HASU cũng phối hợp khéo léo vào điểm cần của những hội nhóm đó. HASU cũng chuyển đổi được rất nhiều người cao tuổi từ offline sang online để có thể tập luyện, giải trí, học tập hay giao lưu với nhau.
Ngoài ra có một kênh mà tôi thấy vừa ý nghĩa vừa hiệu quả, chính là con cháu của người cao tuổi sẽ chính là chiếc cầu giữa người cao tuổi và công nghệ. Con cháu có thể cài, hướng dẫn ông bà và bố mẹ tập luyện nâng cao sức khỏe và giải trí an toàn trên môi trường online, và khi người cao tuổi yêu thích thì họ có thể lan tỏa dễ dàng cho những người xung quanh. Tôi cũng hay chia sẻ trên các diễn đàn toàn cầu rằng giới trẻ cũng phải có trách nhiệm để không bỏ những thế hệ đi trước lại phía sau.
Dịch bệnh khiến cho người cao tuổi bắt buộc phải tìm cách thích ứng và làm quen với công nghệ còn người trẻ phải là người hỗ trợ người cao tuổi một cách sát sao trên hành trình ấy.
Mang công nghệ đến với người cao tuổi là điều có thể nói là rất khó khăn bởi đặc trưng tuổi tác, việc tiếp cận, sử dụng công nghệ với họ sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với người trẻ. Chị cùng đội ngũ đã làm gì để có thể tiếp cận được đối tượng người sử dụng này?
Công việc của chúng tôi cũng như là đi "phá băng", tức là đi phá vỡ những rào cản giữa người cao tuổi và công nghệ, giúp người cao tuổi cảm thấy công nghệ đơn giản, thân thiện. Chúng tôi làm rất nhiều hoạt động online xen lẫn offline. Đầu tiên chỉ nhẹ nhàng đưa ra cho các cụ là có những bài tập liên quan đến sức khỏe như thế thì các cụ có thể tập qua các hội nhóm của các cụ. Sau đó thì nếu các cụ muốn tập lại thì nhờ con tải ứng dụng về, cũng có nhiều cụ có thể tự tải được ứng dụng về.
Chúng tôi luôn nghiên cứu xem ứng dụng để dễ sử dụng nhất, chữ và nút bấm to nhất, thao tác đơn giản nhất để cho các cụ có thể dễ dàng dùng một ngón tay bấm sử dụng. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu thêm rất nhiều những giải pháp để làm cho công nghệ thế nào để nó vừa đơn giản, thuận tiện lại có nhiều tính năng phục vụ cho người cao tuổi nhiều nhất.
Chèo lái được startup của mình vượt qua làn sóng Covid-19, hiện startup của chị đã đạt được những thành tựu ấn tượng gì? Những thành tựu ấy liệu có đủ khiến chị “hài lòng”?
Trong thời gian dịch vừa qua, chúng tôi cũng đã có hơn 12.000 người sử dụng ở trên ứng dụng. Tôi rất bất ngờ khi có những bài tập trên ứng dụng của chúng tôi được các cụ tập đi tập lại đến hơn 200 lần. Tôi ngưỡng mộ, ngạc nhiên với sự tập luyện kiên trì như thế và tôi cũng thấy rất là hạnh phúc khi nhìn thấy sự cam kết trong việc chăm sóc sức khỏe của các cụ bây giờ. Đồng thời cũng rất may mắn khi mà HASU cũng đã có tiếng nói trên toàn cầu khi được chương trình phát triển liên hợp quốc UNDP và Samsung toàn cầu lựa chọn làm 1 trong 16 mô hình đại diện để quảng bá cho mục tiêu phát triển bền vững, HASU thì cũng thành ví dụ điển hình tiêu biểu duy nhất được chọn tại Việt Nam, đại diện cho mục tiêu số 3: Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.
Trong nước thì các đối tác lớn nhất, có tệp khách hàng nhiều nhất là Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội người cao tuổi Việt Nam, tổ chức Helpage International là tổ chức có mặt trên 186 quốc gia chuyên về các CLB thế hệ tự giúp nhau… họ cũng đã trở thành những đối tác thân thiết, đã làm việc với HASU một thời gian. Những thành quả mà HASU đạt được cũng khiến tôi khá tự hào.
Đó là những thành quả của HASU nhưng vẫn chưa hẳn là thành tựu với tôi. Thành tựu của tôi là khiến cho những vấn đề trong xã hội phần nào được giải quyết. Đó cũng là hành trình tôi bắt buộc phải đi và phải tìm cách để làm được tiếp trong tương lai.
Trên con đường khởi nghiệp của mình, có điều gì khiến chị cảm thấy tiếc nuối không?
Không chỉ tôi mà gần như mọi người đều mong mình sẽ làm tốt hơn mình đã từng. Tôi biết rằng thời gian không thể quay trở lại, trong quá khứ tôi không thể làm, hành xử hay có những kỹ năng như tôi bây giờ.
Nhưng ở trong thời điểm hiện tại, tôi luôn đặt bản thân ở tương lai, ví dụ sau 5 năm nữa mình nhìn mình bây giờ mình sẽ muốn bản thân mình làm cái gì, đưa ra quyết định như thế nào. Tôi thường suy nghĩ rất dài và thường nhảy đến thời gian rất lâu về sau để nhìn lại bây giờ để cố gắng hơn, nỗ lực hơn.
Để đạt được những điều mình muốn thì tôi cũng cố gắng hết sức ở thời điểm hiện tại mà sau này tôi không còn cảm thấy tiếc nuối là “Tại sao quá khứ mình không làm như thế”. Đương nhiên là mình vẫn phải trải qua những thất bại, những điều không thuận lợi thì mới có thể phát triển, đó là hoàn toàn bình thường.
Nếu để nói là tiếc nuối thì tôi cũng không tiếc nuối gì nhiều vì tôi thấy bản thân cũng đã đã cố gắng hết sức rồi.
Cùng lúc điều hành, vận hành 3 startup, có bao giờ chị cảm thấy bị “quá tải”?
Dù ước mơ về cuộc sống tốt đẹp cho trẻ em, cho sinh viên, cho những người yếu thế trong xã hội trong tôi vẫn còn rất nhiều nhưng tôi cảm thấy thị trường của người cao tuổi “cần" mình hơn. Tôi muốn tập trung toàn nguồn lực của mình vào HASU nên trên thực tế những dự án khác tôi đã để lại cho những team khác vận hành. Thế nên tôi không bị quá tải.
Tôi cũng may mắn được team tốt hỗ trợ và chuyển sang mô hình SME có doanh thu đều đặn, phát triển từ từ nhờ cổ đông và các thành viên khác chứ tôi không còn góp sức như trước nữa. Startup mà tôi tập trung làm bây giờ chỉ còn HASU thôi. Tôi cũng đang tìm thêm những người đồng hành có kinh nghiệm và chung lý tưởng cho HASU để có thể nhanh chóng biến ước mơ trở thành hiện thực.
Một người làm startup phải “đứng mũi chịu sào” lo cho doanh nghiệp của mình đồng nghĩa với việc chị sẽ phải thường xuyên phải đối mặt với hàng ngàn áp lực. Đối mặt với những lúc khó khăn hay stress, chị thường xử lý như thế nào?
Stress là việc ngày xưa xảy ra rất nhiều với tôi. Hồi mới khởi nghiệp nhiều khi tôi làm việc hơi quá sức, tôi có thể làm mười mấy tiếng một ngày, thậm chí đến 12-15 tiếng một ngày. Lúc ấy tôi ở nước ngoài còn team của tôi thì ở Việt Nam. Ban ngày tôi tranh thủ đi làm để tích lũy thu nhập và kinh nghiệm (do lệch múi giờ nên ban ngày bên đó là đêm ở Việt Nam), buổi chiều tối đi học thạc sĩ, còn đêm về thì tôi lại họp và cùng làm với team ở Việt Nam. Thời gian bị trái ngược nhau, cách nhau 12 tiếng nên cứ tầm 9h tối đến 2-3h sáng là thời gian tôi làm việc với team startup ở Việt Nam. Thực sự cũng rất vất vả.
Tuy nhiên mình đang ở nước ngoài mình nhìn thấy nhiều cơ hội theo cách là mình tìm kiếm, kết nối về Việt Nam để cho nguồn lực của mình mạnh hơn, phong phú hơn. Tôi vừa đi kết nối với nhiều người, chuyên gia ở nước ngoài, vừa phải quản lý team ở Việt Nam để định hướng cho các bạn, làm rất nhiều thứ. Thời gian đó tôi cũng nhiều áp lực. Nhưng lúc đầu mới khởi nghiệp, tôi cảm thấy hào hứng, cảm thấy nguồn năng lượng của mình vô biên lắm.
Nhưng sau một thời gian khi mà mình đã định hướng được công việc mình nên sắp xếp như thế nào và mình bắt đầu dần dần có kinh nghiệm trong việc sắp xếp công việc thì tôi có nhiều thời gian hơn cho bản thân, cho gia đình.
Tôi sẽ tập trung làm sao cho hiệu quả chứ không làm theo kiểu dàn trải, mình sẽ phải nghỉ ngơi. Tôi thấy chất lượng quyết định của mình trong lúc mình bận kém hơn rất nhiều so với chất lượng quyết định trong khoảng thời gian mình dành đủ cho bản thân, sức khỏe, gia đình. Khi nào cảm thấy áp lực thì ngay lập tức tôi sẽ dừng ngay. Tôi sẽ đi tập hoặc chỉnh lại chế độ ăn uống, ngủ nghỉ để cho bớt stress hơn với công việc thì mình sẽ đối mặt một cách tốt hơn.
Nhiều người nói rằng làm startup “khổ lắm”, nếu không chịu khổ được thì đừng khởi nghiệp, chị có nghĩ vậy không?
Làm startup khổ hay sướng đều là do mình cả. Bất kỳ ai trong chặng đường lập nghiệp, sáng tạo điều gì đó cho tương lai thì thời gian đầu đều hết sức khó khăn. Nếu bạn đã xác định tâm thế là không muốn chịu khổ hay các bạn chỉ muốn cuộc sống của các bạn trôi qua êm đềm thì các bạn có thể cân nhắc công việc khác thay vì làm startup. Tôi không hề nói là các bạn phải làm gì hay khuyên các bạn nên làm gì bởi các bạn sẽ là những người hiểu biết rõ điểm mạnh của mình là đâu, mong muốn tương lai của mình là như thế nào.
Những người làm startup thì ít nhất giai đoạn đầu phải xác định ai cũng khó khăn. Vì các bạn phải làm những điều mới, chưa có trên thị trường hoặc có rồi thì mình phải làm tốt hơn, xây dựng nó một cách bền vững hơn. Cũng giống như bạn đang một mình đi xây một cái nhà, bạn xây biệt thự hay xây 1 khu thương mại lớn, cũng tùy vào sức lực, sự quyết tâm và khả năng của các bạn, các bạn muốn và có thể đi xa đến đâu để các bạn đưa ra quyết định.
Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp của mình, những điều chị nhận được lớn nhất là gì?
Tôi cũng giống như rất nhiều người làm khởi nghiệp khác đều nghĩ là giá trị mà chúng tôi nhận được lớn nhất khi đi khởi nghiệp là thách thức được sự phát triển của bản thân. Tại sao tôi nói là thách thức? Bởi khi khởi nghiệp, tôi phải đối mặt với những thứ mà chưa bao giờ trong đời tôi đối mặt.
Thật sự tôi phải thách thức sự trưởng thành của bản thân mình. Tôi luôn trong tâm thế làm sao ép bản thân mình trưởng thành nhanh nhất, học được nhiều nhất, làm ra được nhiều giá trị nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất.
2 năm nữa chị sẽ đạt đến một cột mốc mới - 30 tuổi, chị đặt ra những dự định đặc biệt gì cho cột mốc đặc biệt này?
Tôi đặt ra 2 mục tiêu chính cho cột mốc tuổi 30 của mình. Mục tiêu thứ nhất là mục tiêu liên quan đến công việc thì tôi cũng muốn đưa Hasu phát triển tốt hơn nữa ở thị trường trong nước và phát triển ở thị trường quốc tế. Mục tiêu thứ hai là liên quan đến vấn đề gia đình. Tôi cũng rất muốn mình chuẩn bị được một tâm thế tốt, sức khỏe tốt để sau này tôi có thể vừa vận hành doanh nghiệp phát triển một cách ổn định, lâu dài, vừa có thể có thời gian dành cho cuộc sống gia đình, cho con cái. Đó là những kế hoạch chuẩn bị của tôi.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Nhịp sống kinh tế