MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoài những phát ngôn gây sốc, Tổng thống Philippines làm được gì sau khi nhậm chức?

07-10-2016 - 09:05 AM | Tài chính quốc tế

Những cam kết mạnh mẽ giúp ông Rodrigo Duterte được người dân bầu vào chức vụ Tổng thống Philippines nhưng kể từ ngày cựu thị trưởng Davao lên nắm quyền, quốc đảo Đông Nam Á vẫn liên tiếp hứng chịu những rúng động có cũ, có mới.

Cựu thị trưởng Davao nắm quyền chèo lái Philippines khi nền kinh tế của quốc gia này tăng trưởng khoảng 7%/năm, con số đáng mơ ước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm chạp. Tuy nhiên, thách thức với ông Duterte là tình trạng giao thông ùn tắc, cơ sở hạ tầng ọp ẹp và tình trạng tội phạm cao ở cả thủ đô Manila và các thành phố khác. Chưa dừng lại ở đó, ông Duterte còn phải nỗ lực trấn an các nhà đầu tư vốn đang lũ lượt rút tiền khỏi Philippines trong vài tháng gần đây.

Cam kết giải quyết những vấn đề nóng bỏng trong xã hội Philippines đã giúp ông Duterte nhận được số lượng lớn phiếu bầu từ các cử tri bất chấp những phát ngôn thô tục hay tuyên bố thiếu chuẩn của cựu thị trưởng thành phố Davao. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhắc tới Tổng thống Duterte, ấn tượng mạnh nhất khiến người ta nhớ đến đầu tiên chính là chiến dịch tiêu diệt những kẻ buôn bán ma túy chấn động Philippines khiến hơn 3.000 người bỏ mạng kể từ ngày ông Duterte lên nắm quyền.


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Bộ trưởng bộ Kế hoạch kinh tế xã hội Philippines Ernesto Pernia nhận định: “Càng lớn tuổi người ta càng thiếu kiên nhẫn. Đó là những dấu hiệu của tổng thống Duterte. Ông ấy rất thiếu kiên nhẫn”.

Ma túy và tội phạm

Ông Duterte nhiều lần tuyên bố sẽ làm cho người Philippines cảm thấy an toàn hơn bằng cách giải quyết tình trạng tội phạm và ma túy. “Đã từ lâu, tôi cảnh báo những con nghiện ngừng sử dụng ma túy. Thế mà bây giờ họ vẫn chưa dừng lại. Họ tự chuốc lấy cái chết chứ không phải tại tôi”, ông Duterte tuyên bố về chiến dịch mạnh tay tiêu diệt tội phạm ma túy.

Kể từ khi Duterte phát động chiến dịch, 22.000 tội phạm ma túy đã bị bắt giữ và khoảng 731.000 người đầu thú. Hơn một nửa trong số 3.000 trường hợp thiệt mạng có liên quan tới hoạt động của cảnh sát. Trước chiến dịch của Duterte, các nhóm nhân quyền khẳng định nhiều người nghiện ma túy bị sát hại dù chỉ mua thuốc đáp ứng nhu cầu.

Khi bị chỉ trích, Duterte công khai chì chiết các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Thậm chí, nhà lãnh đạo Philippines còn gây ra cuộc chiến ngoại giao với Mỹ khi gọi cả Tổng thống Obama và Đại sứ Mỹ Philip Goldberg là “con của gái điếm”. Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan cảnh sát Philippines lại cho rằng tỷ lệ tội phạm ma túy đã giảm 49%.


Nhà tù trở nên quá tải sau các biện pháp mạnh tay với ma túy của chính quyền Duterte.

Nhà tù trở nên quá tải sau các biện pháp mạnh tay với ma túy của chính quyền Duterte.

Kiềm chế tham nhũng

Duterte cam kết trừng trị thẳng tay tội phạm tham nhũng và kêu gọi các quan chức không sử dụng xe sang. Kể từ khi nhậm chức, Duterte cáo buộc nhiều quan chức cảnh sát cấp cao có liên quan tới việc sử dụng ảnh hưởng để chuộc lợi kinh tế.

Duterte đang tìm cách đơn giản hóa các giao dịch của chính phủ nhằm giảm thiểu tham nhũng. Nhiều cơ quan giám sát được thành lập để ngăn tình trạng lạm quyền. Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez cho biết, tính đến cuối tháng 9, hơn 70% số địa phương ở Philippines đã tuân thủ các chỉ đạo của Tổng thống Duterte.

Ô nhiễm từ thác khai mỏ

Duterte và Bộ trưởng Bộ tài nguyên môi trường Gina Lopez đang nhằm vào các hầm mỏ, buộc họ tuân thủ các quy định nếu không muốn bị đóng cửa. Philippines nổi tiếng thế giới trong việc cung cấp quặng niken, nguyên liệu được Trung Quốc sử dụng trong ngành công nghiệp thép không gỉ.

Trong các đợt kiểm tra đầu tiên, 10 hầm mỏ bị đình chỉ và 20 hầm mỏ khác bị đưa vào diện bị cảnh báo. Tối hậu thư được đưa ra với các công ty khai khoáng. Tuy nhiên, các chủ mỏ tỏ ra khá ung dung bởi đóng cửa các mỏ ở Philippines đồng nghĩa với việc nói không với 25 tỷ USD đầu tư và 750.000 người có nguy cơ mất việc.

Tắc đường

Đã từ lâu, tắc đường là vấn đề nan giải ở Philippines. Cơ sở hạ tầng yếu kém cộng với hệ thống giao thông công cộng ọp ẹp khiến vấn đề càng trở nên nan giải. Bộ trưởng Bộ giao thông Philippines Arthur Tugade cam kết sẽ tận dụng sự hưng phấn sau chiến thắng của ông Duterte để thúc đẩy cải cách.

Tuy nhiên, những biện pháp ngắn hạn mà Philippines đang áp dụng chưa phát huy hiệu quả. Về dài hạn, ông Duterte không giấu diếm kế hoạch hợp tác với Trung Quốc để có tiền phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông khiến Duterte phải đặc biệt cân nhắc khi quan hệ với đối tác Trung Quốc.

Cải cách kinh tế

Theo quan điểm của Pantaleon Alvarez, lãnh đạo phe đa số ủng hộ Duterte tại Hạ viện Philippines, tăng trưởng kinh tế sẽ trở nên vô nghĩa trừ khi nó có lợi cho người nghèo. Ông đang nỗ lực để năm 2017, Philippines thông qua gói cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm xăng dầu.

Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez cũng chấp thuận với quan điểm của lãnh đạo phe đa số Hạ viện và cho rằng chính sách thuế của Philippines cần được cải cách để công bằng, đơn giản và hiệu quả hơn. Nếu không đạt được mục đích này, chính phủ Philippines sẽ không thể cân đối thu chi nhằm đạt được mục tiêu.

Về phần mình, ông Duterte muốn giảm số người nghèo xuống 17% so với 26% như hiện nay. Đây không phải giấc mơ hão huyền nhưng để đạt được điều đó, Philippines phải giữ đà tăng trưởng 7% trong các giai đoạn tiếp theo, điều quốc gia này đã từng đạt được dưới thời tổng thống vừa mãn nhiệm Benigno Aquino III.


Nhiều thách thức với chính quyền Duterte trong tham vọng cải cách kinh tế.

Nhiều thách thức với chính quyền Duterte trong tham vọng cải cách kinh tế.

Tạo việc làm

Nền kinh tế Philippines vốn được hỗ trợ nhiều bởi kiều hối. Thành tựu kinh tế được thừa hưởng từ vài năm trước giúp ngăn tỷ lệ thất nghiệp ở Philippines. Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp 5,4%, chính quyền Duterte có nhiều việc phải làm để cải thiện chất lượng công việc cũng như thu nhập của người lao động.

Chính quyền Tổng thống Duterte đang nghiên cứu mức lương tối thiểu áp dụng trên toàn quốc. Sự khác biệt trong thu nhập khiến nhiều người dân Philippines chuyển tới các thành phố lớn mưu sinh. Điều đó gây nên tình trạng bùng nổ dân số ở thủ đô Manila và các đô thị khác.

Chính phủ cũng đang nỗ lực cải thiện tình trạng lao động thời vụ đồng thời thu hút đầu tư trong và ngoài nước để người dân Philippines không phải rời bỏ quê hương đi kiếm tiền mưu sinh.

Hòa bình ở Mindanao

Nhiều thập kỷ qua, Mindanao luôn là điểm nóng của Philippines khi Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro liên tiếp xung đột với quân đội chính phủ nhằm đòi quyền tự trị cho khu vực. Khi vũ lực không thể giải quyết, biện pháp đàm phán và hòa bình được đưa ra nhằm giúp tình hình trở nên ổn định. Tuy nhiên, những khác biệt khiến xung đột kéo dài suốt nhiều thập niên qua chắc chắn vẫn là bài toán khó giải với chính quyền Duterte.

Linh Anh

Bloomberg

Trở lên trên