MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngòi bút bi và mô hình “một con rồng” trong sản xuất Trung Quốc

17-03-2017 - 11:45 AM | Tài chính quốc tế

Sau nỗ lực kéo dài nhiều thập niên, Trung Quốc đã sản xuất thành công ngòi bút bi, động thái cho thấy quyết tâm theo đuổi chính sách “một con rồng” trong sản xuất của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ngòi bút bi có thể là vết xe đổ của người Trung Quốc.

Chuỗi cung ứng "một con rồng" và khát vọng của Bắc Kinh

“Một con rồng” là thuật ngữ đề cập tới chuỗi cung ứng tự cung, tự cấp mà Trung Quốc đang muốn tạo ra. Theo đó, mọi hoạt động sản xuất, lắp ráp và bán hàng đều được xử lý bởi các công ty Trung Quốc hay thậm chí là một công ty duy nhất. Sở dĩ, người ta gọi nó là “một con rồng” bởi khi phác thảo các liên kết, nó giống với một con rồng trong quan niệm dân gian của Trung Quốc.

Ngày nay, nhiều người đang kêu gọi truyền bá mô hình “một con rồng” tới nhiều lĩnh vực hơn nữa trong nền kinh tế Trung Quốc. Gần đây, Công ty Thép Thái Nguyên, Trung Quốc tuyên bố sản xuất thành công chất liệu thép chống gỉ cao cấp để chế tạo ngòi bút bi sau hàng thập niên phải nhập khẩu loại nguyên liệu này từ Nhật Bản và châu Âu.

Trung Quốc sản xuất khoảng 38 tỷ chiếc bút bi mỗi năm. Tuy nhiên, viên bi nhỏ nằm ở ngòi bút là thứ duy nhất Trung Quốc phải nhập khẩu. Thiếu công nghệ chế tạo vi mô khiến công nghệ chế tạo bộ phận được làm từ thép không gỉ đặc biệt này nằm ngoài tầm với của các công ty Trung Quốc. Thành công của nhà máy thép ở Sơn Tây được coi là bước tiến lớn.

Toàn cầu hóa tạo ra sự phân chia lao động rõ rệt, trong đó Trung Quốc đóng vai trò là nhà lắp ráp của thế giới. Nguồn nhân lực rẻ tiền, Trung Quốc nhập linh kiện, lắp ráp và sau đó xuất khẩu chúng. Tuy nhiên, chi phí nhân công tăng mạnh theo tăng trưởng kinh tế khiến việc lắp ráp ngày càng mang về ít lợi nhuận.

Ngay cả việc lắp ráp các mặt hàng công nghệ cao cũng không giúp cải thiện điều này. Truyền thông Trung Quốc cho biết, dù iPhone được Apple rắp ráp ở Trung Quốc nhưng quốc gia này chỉ giữ được 1,8% lợi nhuận. Việc sản xuất bút bi cũng chẳng có gì khác so với sản xuất iPhone. Trung Quốc sẽ mất một phần lợi nhuận khi còn phải nhập khẩu nguyên liệu từ bên ngoài.

Năm 2011, Chính phủ Trung Quốc đã khởi động dự án nhằm nội địa hóa các phần của chiếc bút bi, trong đó dành 60 triệu tệ, tương đương 8,7 triệu USD theo tỷ giá hiện tại, để phục vụ các hoạt động nghiên cứu, phát triển. Tại cuộc họp của các nhà sản xuất thép tháng 1/2016, Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp tục gây sức ép lên các doanh nghiệp khi nhấn mạnh Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu thép để chế tạo bi cho ngòi bút trong khi lượng thép trong nước dư thừa.

Mã vạch khổng lồ trên một khu đất tại An Huy, Trung Quốc.

Mã vạch khổng lồ trên một khu đất tại An Huy, Trung Quốc.

Ngoài bút bi, Trung Quốc cũng đang phải dựa vào nước ngoài ở hệ thống mã QR. Hãng sản xuất ô tô Nhật Bản Denso đã tạo ra bộ mã 2 chiều để tự động phân loại và theo dõi các bộ phận. Ở Trung Quốc, nó là hình thức phổ biến để quản lý sản phẩm, từ bán vé, thanh toán hay bảo hành điện thoại thông minh cũng như các nền tảng thanh toán trực tuyến.

Tuy nhiên, xuất hiện những lập luận cho rằng Trung Quốc không nên phụ thuộc vào công nghệ mã vạch nhập khẩu. Việc dựa vào nó có thể làm suy yếu an ninh Quốc gia của Trung Quốc sau sự việc một kỹ sư phòng điều hành của Disneyland Thượng Hải đã tìm cách đánh cắp mã vạch và bán những tấm vé không có thật.

Xu Shuncheng, Chủ tịch Liên minh Công nghiệp mã 2 chiều Trung Quốc, cho rằng, chính phủ Trung Quốc thiếu hỗ trợ là nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của việc tạo ra mã QR thương hiệu Trung Quốc. Chính vì thế, công nghệ này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các công ty Nhật Bản. Nó khiến Trung Quốc gặp bất lợi cả về kinh tế và an ninh vì thiếu chuỗi cung ứng “một con rồng”.

Con rồng hay con khủng long?

Lo xa cho những cuộc khủng hoảng dựa trên sự phụ thuộc nặng nề của Trung Quốc vào công nghệ nhập khẩu là điều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, lịch sử hiện đại của Trung Quốc cũng cho thấy việc cưỡi trên chính sách “một con rồng” cũng tiềm ẩn những rủi ro.

Khi Trung Quốc bị cô lập với phần còn lại của thế giới vào những năm 1960 và 1970, Bắc Kinh nỗ lực công nghiệp hóa với khẩu hiệu "tự lực cánh sinh". Các doanh nghiệp nhà nước lớn được phát triển mà mỗi trong số đó sử dụng hàng trăm nghìn công nhân. Họ hoạt động trong lĩnh vực mua sắm vật liệu, sản xuất linh kiện, lắp ráp và bán hàng.

Xe Hongqi được Cố Chủ tịch Mao Trạch Đông sử dụng. Ảnh: Nikkei

Xe Hongqi được Cố Chủ tịch Mao Trạch Đông sử dụng. Ảnh: Nikkei

Tuy nhiên, có sự thiếu vắng trong mô hình này và đó chính là cơ chế thị trường. Thiếu công nghệ khiến sản phẩm của Trung Quốc có chất lượng kém, đi sau hàng thập kỷ so với sản phẩm của các quốc gia khác. Trung Quốc cũng từng rất tự hào khi chế tạo ra chiếc xe hạng sang Hongqi vào năm 1958 nhưng hoạt động sản xuất chấm dứt 23 năm sau vì chúng đắt đỏ, tốn xăng. Chỉ có 1.540 mẫu xe này được sản xuất.

Ngược lại với phương pháp tự cung tự cấp, chuỗi cung ứng xuyên biên giới đã tạo ra những câu chuyện thành công trong các công ty lớn. Ví dụ, để tạo ra iPhone, Apple đặt làm các bộ phận chất lượng cao ở mọi nơi trên thế giới, chẳng hạn như camera của Sony, màn hính Sharp hay chip của Samsung Electronics. Sau đó, Foxconn, một công ty Đài Loan, chịu trách nhiệm lắp ráp các thiết bị tại Trung Quốc đại lục. Cuối cùng, iPhone vẫn mang thương hiệu Mỹ.

Thương mại và phân công lao động phần nào tiến hóa nhờ việc nhận ra chuyên môn hóa và quan hệ đối tác thông qua chia cổ tức. Các ông ty Trung Quốc vốn hiểu rõ điều này khi suốt nhiều thập niên qua, họ vẫn tránh sản xuất viên bi nhỏ trong chiếc ngòi bút. Bài toán lợi ích kinh tế chính là lựa chọn của các doanh nghiệp Trung Quốc khi mua vật liệu từ các nhà cung ứng nhỏ hơn tại châu Âu và Nhật Bản.

Sản xuất trong nước bộ phận này có thể mang ý nghĩa tượng trưng khi đánh vào nhu cầu cải tiến công nghệ và khuyến khích các công ty Trung Quốc theo đuổi nó. Tuy nhiên, cần nhận thấy rõ, phần đầu của ngòi bút bi không nên được sản xuất trong nước bằng mọi giá. Cũng thật khó để nói mã vạch 2 chiều tự sản xuất sẽ tốt hơn so với việc tạo ra hệ thống quản lý thông tin và công nghệ bảo mật mới.

Đặt ưu tiên thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, Trung Quốc nên chọn điểm bắt đầu với động cơ, chất bán dẫn và những sản phẩm mà nền công nghiệp nước này thực sự cần. Chuỗi cung ứng cồng kềnh và kém hiệu quả sẽ trở thành một con khủng long thay vì con rồng như người Trung Quốc mong đợi. Và khủng long đã là loài sinh vật thời tiền sử.

Linh Anh

Nikkei

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên