Ngôi làng "thủ phủ" trống, mặt nạ vắng dần tiếng búa một thời náo nhiệt trước thềm Trung Thu
Làng Hảo ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên từ lâu được biết đến là thủ phủ của những đồ chơi truyền thống thường thấy vào mỗi dịp Tết Trung thu. Song tiếng búa quen thuộc 1 thời của ngôi làng này ngày càng ít dần.
- 11-09-2018Hỏi thật kỹ trước khi mua bánh trung thu đại hạ giá!
- 09-09-2018"Ảm đạm" thị trường bánh trung thu, nơi không bóng người, nơi treo biển giảm giá
- 05-09-2018Thị trường bánh trung thu: "Thượng vàng hạ cám" và nỗi lo an toàn thực phẩm của người tiêu dùng
Làng Hảo từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống được nhiều người biết đến. Trong khi một số hộ gia đình chuyên sản xuất đồ chơi truyền thống đã bỏ nghề, thì ở nơi đây vẫn còn những người thợ vẫn hằng ngày cần mẫn làm những chiếc trống, mặt nạ, đầu sư tử…
Bà Lành (60 tuổi), một trong những hộ gia đình có truyền thống làm trống Trung thu chia sẻ, làng Ông Hảo ngày xưa vốn có rất nhiều nhà làm trống, mặt nạ cứ đến dịp Trung thu là khắp làng đều có tiếng đóng trống “cạch cạch”, nhưng nay chỉ còn khoảng 5 nhà vẫn còn làm.
Theo bà Lành "từ ngày có công ty về, rất nhiều gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ đã bỏ nghề để đi làm bên ngoài. Việc làm trống lời lãi không nhiều nhưng cũng khá ổn định, là nghề gia truyền từ đời trước để lại nên bà cùng con trai vẫn tiếp tục giữ nghề".
Giá trống phụ thuộc vào độ lớn của bề mặt, chiếc mặt 10cm có giá 12.000 đồng; loại 20 cm có giá 35.000 đồng; chiếc mặt 22cm và 26 cm có giá lần lượt là 40.000 đồng và 80.000 đồng.
Để làm nên một chiếc trống Trung thu, người dân nơi đây phải nhập da trâu bò từ các địa phương khác về. Tang trống được làm bằng gỗ mỡ chuyển từ rừng xuống, cũng có khi làm bằng gỗ bồ đề. Da khi mua về, người thợ sẽ xẻ từng tảng làm 3 - 4 mảnh rồi ngâm trong nước vôi để tẩy màu, ngâm khoảng 5 - 7 ngày thì vớt ra. Trong thời gian đó, cứ cách 1 - 2 ngày thì người ta phải trở mặt da để nước vôi ngấm đều, nếu không da sẽ bị loang ố, không đẹp.
Đến làng Hảo, có lẽ ông Vũ Đắc Dùng là một nghệ nhân đặc biệt nhất trong những hộ làm trống bỏi tại ngôi làng này. Đôi tai hầu như không nghe được gì nhưng ông Dùng vẫn ngày ngày làm nên những chiếc trống bỏi, món đồ chơi Trung thu truyền thống đã gắn liền với bao thế hệ.
Ông Dùng cho biết gia đình ông không phải là hộ làm chuyên trống bỏi mà chỉ nhận gia công, hoàn thiện ở các công đoạn cuối. Mỗi ngày, ông Dùng hoàn thành khoảng 50-100 chiếc trống bỏi.
Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề làm mặt nạ, đầu sư tử bằng giấy bồi xuất hiện ở làng Hảo. Trước kia, người làng chủ yếu làm mặt nạ chú Tễu. Nhưng những năm gần đây, mẫu mã đã đa dạng hơn, những chiếc mặt xanh đỏ vẽ hình những con vật ngộ nghĩnh, rồi đến Chí Phèo, Thị Nở, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới,...
Theo chị Thắng (36 tuổi), sau những công đoạn để làm ra cốt mặt nạ giấy, khâu quan trọng nhất là vẽ các khuôn mặt như chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở, Tôn Ngộ Không… Mặt nạ vẽ xong được đặt ngay ở sân phơi đón nắng cho nhanh khô lớp sơn. Những mẫu mặt nạ giấy bồi được sản xuất tại nhà chị có giá từ 15.000-30.000 đồng/chiếc.
Những chiếc đầu lân đang đợi bàn tay người nghệ nhân hoàn thiện chuẩn bị đến tay người tiêu dùng. Giá những loại đầu lân rất đa dạng, loại nhỏ không gắn đèn có giá khoảng 30.000 đồng- trên 40.000 đồng, loại có gắn đèn giá từ 60.000 đồng đến 900.000 đồng, thậm chí có loại cả triệu đồng.