Ngôi nhà 80 năm tuổi, rộng gần 300m2 giữa phố cổ Hà Nội: Trả trăm tỷ không bán, bên trong có hầm chứa được 20 người
Ngôi nhà nép mình giữa ồn ào phố cổ, nhìn bên ngoài tưởng rằng chỉ 2 tầng, nhưng khi vào sâu khám phá, bạn sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác!
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên phố Đinh Liệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, bỏ mặc sự ồn ào và tấp nập của phố thị, căn nhà có tuổi đời 80 năm ẩn mình sau chiếc cổng mái vòm rêu phong cổ kính
Căn nhà vườn tưởng như chỉ 2 tầng, nhưng thực chất có thêm 1 tầng tum mà từ bên ngoài, bạn không thể nhìn rõ. "Cơ ngơi" đồ sộ được vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh - Phạm Thị Tề xây dựng, rộng chừng 300m2 tính cả vườn. Ngày trước, nhà có 2 mặt tiền. Cửa chính hướng phố Hàng Bạc được dùng làm cửa hàng bán vàng lá. Càng tiến vào sâu, càng nở hậu vì từ xa xưa các cụ quan niệm, xây nhà nở hậu thì làm ăn mới thịnh vượng, phát đạt. Nhưng qua thời gian, hiện nay chỉ còn một cổng phụ từ phố Đinh Liệt
Vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh - Phạm Thị Tề được xem là có điều kiện nhất vùng thời bấy giờ. Họ sinh được 8 người con, trong nhà có thêm 8 người hầu, gồm cả vú em và lái xe. Đông người đông miệng ăn, 2 cụ bố trí hẳn một phòng đựng 6 chum gạo to. Căn nhà hiện nay là nơi gia đình người con trai út là ông Phạm Ngọc Hải, 74 tuổi, sinh sống và bảo tồn. "Gia đình tôi đã 5 thế hệ sinh sống tại đây. Gần như ngôi nhà không có gì thay đổi so với khi mới xây dựng", ông Hải nói
Ngôi nhà được xây từ năm 1944, dưới bàn tay thiết kế của ông Phạm Hoàng - một kiến trúc sư có tiếng, thuộc thế hệ đầu tiên của làng KTS Việt Nam. Mất 3 năm để xây dựng và hoàn thiện, ngôi nhà được xem là mẫu nhà vườn chuẩn thời xưa tại Hà Nội
Ngôi nhà được xây hướng Đông Bắc, mùa hè sẽ mát, ấm mùa đông. Ngày mới xây, những căn nhà xung quanh chỉ có một tầng nên đứng từ ban công nhà ông Hải dễ dàng nhìn thẳng ra hồ Gươm
Khu vườn tràn ngập sắc xanh của cây cối, chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử cùng căn nhà. Con cháu ông Hải lớn lên, muốn chia nhỏ khu vườn để xây nhà, nhưng các bậc bô lão tuyệt nhiên không đồng ý. Họ muốn giữ bằng được sự nguyên vẹn của "nhân chứng" thời gian này
Bức ảnh 2 cụ Phạm Văn Thanh và Phạm Thị Tề cùng 8 người con bên hòn non bộ, được chụp vào năm 1956. 2 cậu bé lém lỉnh ở góc trái ảnh là ông Hải và người anh sinh đôi của mình (hiện đang sinh sống ở nước ngoài)
65 năm đi qua, hòn non bộ vẫn được giữ nguyên. Ông Hải mua thêm tiểu cảnh về bày trí cho đẹp mắt
Gốc cây năm nào cũng chưa "chịu" già đi, ngày một phát triển và tươi tốt dưới bàn tay chăm sóc của bao thế hệ
Nét cổ kính và rêu phong in hằn trên từng bức tường và cột nhà
Đi qua hai cuộc chiến tranh, ngôi nhà vẫn giữ nguyên được sự giao thoa văn hoá nửa đầu thế kỷ XX. Nếp ngói tỏa xuống hiên, mái cong vút đầu đao của phương Đông "hòa trộn" kiến trúc phương Tây với trần nhà cao, không gian được chia nhỏ tạo sự riêng biệt. "Thầy giáo dạy văn của tôi từng qua nhà chơi mấy lần đều phải thốt lên 'rất phục thợ ngày xưa, mái ngói như này mà làm cong được, mà lắp ngói được'", ông Hải kể
Tầng 1, 2 của căn nhà là nơi ở và sinh hoạt của đại gia đình
Nhắc về kết cấu căn nhà, ông Hải cho biết tường được trát bằng mật, muối, vôi, xi măng trộn đều với nhau nên độ bền rất chắc chắn. Sàn nhà được làm bằng đá trộn cùng các nguyên liệu trên, sau đó xoa mịn
Từ cánh cửa, hoa văn, bức tường,... đều gợi vẻ trầm mặc và cổ kính, mở ra không gian yên tĩnh và thanh bình đến lạ
Hầu hết vật liệu xây dựng được chuyển từ Pháp, quá cảnh ở Hồng Kông rồi về Việt Nam, thậm chí bệ hố xí, tủ lạnh, bàn ghế đều được gia đình ông nhập khẩu từ Pháp
Món đồ quý giá nhất được ông Hải hết mực trân quý, là bộ bàn ghế cổ hơn 100 năm, được làm bằng gỗ nu, thiết kế nhỏ gọn, chân bàn tuy nhỏ nhưng rất chắc chắn. Theo lời ông Hải, Việt Nam chỉ có 2 bộ, một bộ ở Nhà Hát Lớn và bộ còn lại gia đình ông sở hữu
"Bộ bàn ghế này được bố tôi sưu tầm từ Hồng Kông mua về. Trước kia nó nằm ở tầng 1, được gọi là buồng salon dùng để tiếp khách, có cả bể cá rộng chừng 5m, bên cạnh còn tượng con báo làm từ đồng đen. Nhưng do tầng 1 hiện không còn thuộc sở hữu của gia đình, nên bộ bàn ghế đã được đưa lên tầng 2. Diện tích hẹp hơn, gia đình chúng tôi đã bán đi 2 chiếc ghế dài, chỉ để lại 4 ghế đơn cho phù hợp", ông Hải nói. Ngoài ra, những bức tranh trên tường đều do chị gái ông Hải vẽ, cũng vỏn vẹn 80 năm tuổi
Đây là căn phòng của mẹ ông Hải, tức cụ bà Phạm Thị Tề. Dù mẹ đã mất, người con út vẫn cố gắng giữ nguyên hiện trạng của căn phòng, như một "bảo tàng" thu nhỏ
"Toàn trạng căn phòng còn nguyên, chỉ có mấy chỗ được ốp gỗ lim bị mọt, gia đình có gọi thợ đến để làm lại, nhưng phải đóng đúng gỗ lim loại 1 của Nghệ An", ông Hải cho biết
Các vật dụng, bộ bàn ghế, tủ, giường, quạt... đều được giữ nguyên trạng ban đầu. Đa phần nội thất trong nhà được làm bằng gỗ loại 1, gồm lim, sến, táu. Một số đồ vật vừa đẹp vừa quý vốn được bày trong phòng khách, nhưng sau gia đình phải bán dần để có tiền tiêu xài
Qua thời gian, những phòng ngày trước chỉ để 6 chum gạo thì nay lại trở thành phòng ở. Phòng có mỗi chiếc đàn piano, cũng được cải tạo dành cho con cháu
Bức ảnh chụp đại gia đình ông Hải, mang nhiều giá trị lịch sử, được chụp năm 1932
Lối lên tầng 3 đầy "bí ẩn". Bên trong căn nhà còn được thiết kế một lối đi xuống hầm, nơi chứa được khoảng hơn 20 người nhưng đã rất lâu gia đình chưa mở lại
Tầng 3 trước là điện thờ mẫu Liễu Hạnh, nay được cải tạo thành phòng vẽ cho người chị Nguyệt Nga hiện đã 80 tuổi
Nhiều người từng tìm đến hỏi mua cả căn nhà và nội thất, tuy nhiên gia đình ông Hải thống nhất không bán vì muốn giữ lại làm kỷ niệm cho các thế hệ sau này. "Thậm chí có người trả giá vu vơ 180 tỷ vì họ biết có trả cao nữa chúng tôi cũng không bán. Đây là nơi một tay bố mẹ tôi gây dựng, tuổi thơ và cuộc đời tôi gắn bó với nó. Con cháu trong nhà cũng từ đây mà lớn khôn, ăn nên làm ra. Dù bất cứ ai, đưa ra mức giá bao nhiêu đi chăng nữa, chúng tôi đều lắc đầu từ chối", ông Hải khẳng định
Doanh nghiệp và tiếp thị