Ngôi nhà nhỏ ở Phú Thọ nằm giữa cánh đồng bao la, thiết kế thời 'ông bà anh' nhưng ai nhìn cũng thích
Ngôi nhà là tổ ấm tìm về mỗi cuối tuần của gia đình anh Văn. Cả gia đình có thể vui chơi, hòa mình với thiên nhiên, được trải nghiệm cảm giác về vùng quê sinh sống.
- 13-11-2022Ngôi nhà chỉ 48m² nhưng có khoảng xanh cực bắt mắt với phòng khách 'treo lơ lửng'
- 12-11-2022Ngôi nhà ‘xấu số' bị quỵt tiền thuê suốt 2 năm, chủ nhà sững người khi bước vào trong kiểm tra
- 12-11-202210 ngôi nhà trên cây với thiết kế ấn tượng
Ngôi nhà nằm giữa mảnh đất 3.000m² được bao bọc bởi cánh đồng lúa xanh mướt
Phan Hồng Văn (sinh năm 1986) hiện đang là kiến trúc sư và vợ mình thường gọi ngôi nhà thứ hai nằm tại xóm Thang, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, Phú Thọ là "ngôi nhà giữa thảo nguyên". Có lẽ đây cũng là cái tên phù hợp với ngôi nhà này bởi vì ở đó có một cánh đồng lúa xanh mướt trải dài hết tầm mắt, trên cánh đồng xuất hiện một ngôi nhà đơn sơ mộc mạc cùng mái ngói đỏ và những rặng cây che bóng mát.
" Ngôi nhà này chính là một giấc mơ từ khi còn nhỏ của tôi và tôi nghĩ cũng của rất nhiều người có cùng chung suy nghĩ. Hiện giờ tôi đã phần nào hiện thực hóa được giấc mơ đó ", vợ chồng Văn chia sẻ.
Toàn cảnh ngôi nhà của hai vợ chồng Phan Hồng Văn.
Công trình được bắt đầu xây dựng từ đầu tháng 5. Lúc đó Văn bắt đầu cho làm đường, san lấp mặt bằng và đào ao. Vợ chồng anh cho tháo dỡ và chuyển khung nhà sàn từ một nơi khác cách 30km về để lắp đặt tại khu đất. Mục đích ban đầu của hai vợ chồng chủ yếu là để làm ngôi nhà thứ 2 của gia đình mỗi dịp cuối tuần. Cộng với đó là xây để giữ đất, tăng giá trị cho mảnh đất giữa cánh đồng. Mảnh đất này mua vào tháng 11 năm ngoái làm món quà kỷ niệm 10 năm ngày cưới của 2 vợ chồng.
Toàn bộ mảnh đất có tổng diện tích là 3.000 mét vuông trong một thung lũng dưới chân Vườn Quốc gia Xuân Sơn với độ cao tầm 300 mét so với mực nước biển. Công trình nhà chính được xây dựng với 2 tầng, mỗi tầng 75 mét vuông. Tầng 1 là hành lang sảnh chào đón, một phía là phòng bếp, vệ sinh và phòng ăn. Còn phía kia là phòng khách, nhà vệ sinh thứ 2 và cầu thang lên tầng 2.
Ngôi nhà là tổ ấm tìm về mỗi cuối tuần của gia đình anh Văn. Cả gia đình có thể vui chơi, hòa mình với thiên nhiên, được trải nghiệm cảm giác về vùng quê sinh sống.
Chính giữa là không gian thông tầng với điểm nhấn là lò sưởi được thiết kế đặc biệt nổi bật từ tầng 1 lên mái tạo cảm giác thông thoáng, giải quyết được vấn đề sàn tầng 2 thấp gây cảm giác bí bách của nhà sàn truyền thống.
Tầng 2 là một phòng ngủ chung và thoáng dành cho 5 người. Tất cả các phòng đều bố trí rất nhiều cửa sổ để lấy ánh sáng cũng như gió tự nhiên.
Chính giữa là không gian thông tầng với điểm nhấn là lò sưởi được thiết kế đặc biệt nổi bật thông từ tầng 1 lên mái tạo cảm giác thông thoáng giải quyết được vấn đề sàn tầng 2 thấp gây cảm khác bí bách của nhà sàn truyền thống.
Sự kết hợp khung nhà sàn của người Mường và nhà đất đồng bằng Bắc Bộ
Công trình là sự kết hợp hài hòa giữa khung nhà sàn truyền thống của người Mường và nhà đất truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng trong quá trình thiết kế và xây dựng đã được cách tân để phù hợp với công năng sử dụng của gia đình. Văn đã bỏ khoang giữa của nhà sàn để làm thông tầng, nó sẽ giảm số lượng phòng ngủ bên trên tầng 2 nhưng bù lại sẽ có một không gian tầng 1 thoáng và hài hòa hơn rất nhiều.
Khung nhà sàn là gỗ Táu mật, một loại gỗ cực kỳ cứng và chắc chắn. Văn đã dùng khò để khò cháy đen lớp bên ngoài toàn bộ khung. Sau đó ráp nhẹ tạo độ mịn cho bề mặt rồi phủ lên một lớp sơn trong suốt mà vẫn giữ được màu đen mịn. Toàn bộ bề mặt sàn gỗ đều sử dụng loại sơn dầu lau chiết xuất từ tinh dầu thực vật mang đến độ an toàn đối với sức khỏe con người khi tiếp xúc.
Công trình là sự kết hợp hài hòa giữa khung nhà sàn truyền thống của người Mường và nhà đất truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ.
Tầng 2 là một phòng ngủ chung và thoáng dành cho 5 người.
Toàn bộ tường Văn cũng không sử dụng một giọt sơn nước nào mà dùng vữa trộn tinh màu giống màu nâu đất của nhà đất. Trộn thêm trấu để tạo hiệu ứng chân thật và thân thiện hơn. Loại vật liệu này mới nên phải chuyển từ Hà Nội lên rồi thuê thợ tay nghề cao để thi công.
Phần sàn Văn sử dụng bê tông mài và gạch bông để phù hợp không gian mộc mạc đang có. Phần sàn nhà vệ sinh được rải toàn bộ sỏi có sẵn ngoài suối tạo cảm giác tự nhiên hơn. Phần đặc biệt và ấn tượng nhất là lò sưởi ở giữa nhà. Văn đã xếp gạch thô mộc theo chiều vuông góc để mang đến một hình ảnh giống như một lò gạch cũ. Và khi kết hợp với tường đất thì hiệu ứng không gian rất phù hợp.
Vật liệu hoàn thiện nhà cũng đơn giản, thô mộc và thuận tự nhiên nhất có thể. " Tôi đã suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều mỗi khi chọn từng loại vật liệu cũng như để chúng mix với nhau. Mục đích cuối cùng là cho không gian hài hòa thân thiện như ở một ngôi nhà đất ở vùng quê miền Bắc. Ngoài vật liệu thì cùng với đó là đồ nội thất tôi đi sưu tầm, những bộ ghế salon thùng cũ sao cho phù hợp với phong cách mình đã hướng đến ".
Vật liệu và nội thất trong nhà cũng đơn giản, thô mộc và thuận tự nhiên nhất có thể.
Theo Văn trong quá trình thi công thì điều thuận lợi nhất là mặt bằng rộng, nhân công có sẵn và đã có một bản vẽ cũng như kế hoạch cụ thể. Nhưng bù lại thì đó cũng là khó khăn vì thợ chủ yếu là người dân bản, tay nghề chưa cao nên Văn thường xuyên phải giám sát và hướng dẫn làm trực tiếp. Thi công vào đúng tháng mưa nên cũng mất khá nhiều thời gian.
Dù có chút khó khăn nhưng thời gian xây dựng nhà Văn cũng rất quý trọng bởi nó mang tới cho anh và gia đình nhiều kỷ niệm. Chỉ khi có tình cảm thực sự với mảnh đất với ngôi nhà thì mới không cảm thấy mệt khi hàng tuần đi 120km chỉ để lên kiểm tra cũng như hướng dẫn thợ làm theo ý mình từng bước một. Đến khi hoàn thiện thì đó là một giấc mơ có thật với cả gia đình. Cảm giác rất vui và hạnh phúc cũng như tự hào khi cả nhà có một chốn để về mỗi khi dịp cuối tuần.
Chưa kể khung cảnh xung quanh nhà là cánh đồng lúa còn bên cạnh nhà có một dòng suối đầu nguồn vô cùng trong và đẹp. Nước ở đây chảy đủ nhỏ, cùng với bãi sỏi đủ lớn để các con có thể chơi cả buổi cũng không muốn về. Cuối tuần, gia đình anh Văn thường cho các bạn nhỏ về ngôi nhà này để vui chơi, hòa mình với thiên nhiên, được trải nghiệm cảm giác về vùng quê sinh sống.
Khung cảnh xung quanh nhà là cánh đồng lúa còn bên cạnh nhà có một dòng suối đầu nguồn vô cùng trong và đẹp rất thích hợp để vui chơi và cắm trại dịp cuối tuần.
Ngôi nhà đón trăng vào buổi tối.
Bài viết ghi lại từ chia sẻ của nhân vật. Ảnh: NVCC
Phụ nữ Việt Nam