Ngôi sao Wirecard sụp đổ: Bê bối tài chính chấn động nước Đức khiến hàng tỷ USD của nhà đầu tư "không cánh mà bay"
Sự sụp đổ của Wirecard là một trong những bê bối tài chính lớn nhất nước Đức. Từ một công ty công nghệ tài chính (fintech) hàng đầu, Wirecard giờ lao dốc đến mức phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
- 29-05-2022Mong muốn lạm phát của Nhật Bản cuối cùng được đáp ứng, nhưng đây không phải tin tốt
- 29-05-2022Hệ thống bơm/rút tiền của FED và phép thử liều cao xung quanh sự ổn định của thị trường
- 28-05-2022Đế chế 7 tỷ đô sụp đổ chỉ trong vài ngày, công ty được xây dựng trên nợ cuối cùng lại chìm trong cảnh vỡ nợ
Markus Braun đã xây dựng Wirecard để "chinh phục thế giới", nhưng sự phát triển thần tốc đó đã thu hút những ánh mắt hoài nghi. Vụ bê bối tài chính của công ty đã gây ra một làn sóng chấn động khắp nước Đức.
Tại Munich năm 1999, cũng là giai đoạn cuối của sự bùng nổ dotcom, Wirecard được thành lập để chuyên xử lý các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng. Năm 2005, công ty được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt.
Cổ đông hàng đầu người Áo Markus BraunBraun đã trở thành CEO và biến một công ty gần như "vô danh" ở Bavaria trở thành một biểu tượng công nghệ của Đức. Công ty đã giành được vị trí đáng mơ ước trên chỉ số chứng khoán DAX, chính thức trở thành một trong 30 tập đoàn Đức có giá trị nhất được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt.
Với việc mua lại XCOM năm 2006, Wirecard được cấp phép và phát hành các chương trình thẻ. Cuối cùng, công ty chuyển sang lĩnh vực ngân hàng, đổi tên thành Wirecard Bank.
Với hình thức hoạt động kết hợp, đồng thời xử lý các giao dịch thẻ tín dụng thay cho các doanh nghiệp, công ty đã đẩy mạnh vào các thị trường mới nổi, mua lại các công ty nhỏ hơn và tham gia quan hệ đối tác để thu hút thêm khách hàng.
Như vậy, báo cáo tài chính của Wirecard khó có thể so sánh với các công ty cùng ngành. Doanh thu và lợi nhuận của công ty fintech luôn tăng đều đặn. Điều này giúp Wirecard dễ dàng thuyết phục các nhà đầu tư. Các quỹ và các nhà đầu tư toàn cầu khi ấy tranh nhau mua cổ phiếu của Wirecard.
Wirecard tuyên bố xử lý 140 tỷ USD giao dịch mỗi năm thay mặt cho 1/4 triệu doanh nghiệp, đưa công ty trở thành đối thủ của Square Inc. và PayPal Holdings. Trong thời gian ngắn, Wirecard được định giá cao hơn bất kỳ ngân hàng Đức nào khác.
Từ khi tiến vào chỉ số blue-chip DAX 30 của Đức, giá cổ phiếu của Wirecard đã tăng hơn 30 lần. Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty có giá trị thị trường khoảng 28 tỷ USD. Năm 2018, Wirecard báo cáo doanh thu hơn 2 tỷ euro (2,3 tỷ USD), cao hơn gấp 3 lần con số của năm 2014.
Ngay từ tháng 6/2008, Wirecard lần đầu tiên bị hiệp hội cổ đông Đức SDK buộc tội làm sai lệch số liệu về tài khoản chung của công ty năm 2007. Các cáo buộc này đã kích động một cuộc chiến pháp lý dẫn đến cuộc kiểm toán do Ernst&Young (EY) thực hiện. Trước tháng 6/2020, EY chưa bao giờ chỉ ra bất cứ lo ngại về vấn đề tài chính của Wirecard.
Trong thời gian đó, Wirecard phát triển thần tốc thành công ty hàng đầu nước Đức. Nhưng "ngôi nhà của những chiếc thẻ" bắt đầu xuất hiện những vết nứt. Cuối tháng 1 năm 2019, Wirecard tiếp tục phủ nhận một báo cáo trên tờ Financial Times (FT) rằng một giám đốc điều hành của công ty đã sử dụng các hợp đồng giả mạo và quá hạn trong một chuỗi các giao dịch đáng ngờ. Điều này đặt ra câu hỏi về tính toàn vẹn của hoạt động kế toán của công ty. Wirecard gọi báo cáo là "sai, không chính xác, gây hiểu lầm và phỉ báng".
Đến giữa tháng 2/2019, cơ quan quản lý thị trường BaFin của Đức thông báo với bộ tài chính Đức rằng họ đã yêu cầu điều tra về kế toán của Wirecard và đang cấm bán khống cổ phiếu của công ty.
Wirecard sau đó tiếp tục kiện FT về một loạt báo cáo điều tra mà họ cho rằng đã sử dụng và xuyên tạc bí mật công ty. Wirecard quyết định để công ty KPMG thực hiện một cuộc kiểm toán độc lập để giải quyết các cáo buộc của FT rằng nhóm tài chính của họ đã tìm cách thổi phồng doanh thu và lợi nhuận được báo cáo.
Cuối cùng, cuộc điều tra độc lập của kiểm toán viên KPMG phát hiện ra rằng Wirecard đã không cung cấp đầy đủ tài liệu để giải quyết tất cả các cáo buộc về sự bất thường trong bảng cân đối kế toán do FT đưa ra. Việc công bố kết quả cuối cùng từ năm 2019 đã bị hoãn đến 3 lần.
Cuối cùng, EY cũng gióng hồi chuông cảnh báo. Kiểm toán viên của EY từ chối ký báo cáo tài chính năm 2019 của Wirecard vì không thể xác nhận sự tồn tại của hàng tỷ USD, chiếm khoảng một phần tư bảng cân đối kế toán của công ty.
Ngày 17/6/2020, Wirecard còn được định giá 14 tỷ USD. Ngày 18/6, Wirecard thừa nhận rằng khoản tiền 2 tỷ USD mà công ty ký quỹ là "không tồn tại". CEO Markus Braun của công ty phải từ chức và bị bắt. Ngày 25/6, công ty nộp đơn xin phá sản vì đàm phán thất bại với các chủ nợ.
Công ty và các kiểm toán viên cho biết số tiền ấy sẽ không bao giờ tồn tại. Các nhà quản lý và công tố viên của Đức vào cuộc để tìm hiểu sổ sách của công ty để làm sáng tỏ rằng liệu một trong những công ty fintech hứa hẹn nhất châu Âu đã đánh lừa các nhà đầu tư về tình trạng của công ty ra sao.
Sau thông báo phá sản, đơn vị kiểm toán lâu năm của công ty là EY cho biết Wirecard đã thực hiện "một vụ gian lận phức tạp, tinh vi" có liên quan đến nhiều bên trên thế giới. EY cho biết thêm rằng ngay cả những thủ tục kiểm toán mạnh mẽ nhất cũng không thể phát hiện ra bất cứ gian lận nào có sự cấu kết của các bên.
Theo một nguồn tin của RT, Wirecard đã làm giả 2/3 doanh số bán hàng của mình. Điều đó có nghĩa là sẽ không có cách nào công ty có thể trả được tất cả các khoản nợ của mình, mặc cho tất cả những thách thức pháp lý mà công ty sẽ phải đối mặt.
Người đứng đầu BaFin cũng gọi sự sụp đổ của Wirecard là một "thảm hoạ toàn diện". Bản thân BaFin đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì cách xử lý vụ việc cũng như việc gửi đơn tố cáo các nhà báo của FT.
Công ty kiểm toán EY cũng phải hứng sự phẫn nộ của công chúng. Theo Reuters, công ty kiểm toán "Big Four" phải đối mặt với làn sóng kiện tụng, bao gồm các vụ kiện tập thể của các cổ đông và trái chủ.
Nhà phân tích Neil Campling của ngân hàng Mirabaud cho rằng EY phải chịu trách nhiệm vụ này. Họ cũng bị lừa như người khác, nhưng với tư cách là kiểm toán viên, lẽ ra họ phải phát hiện ra gian lận của Wirecard.
Vụ bê bối tạo ra làn sóng phẫn nộ lớn trong công chúng và đã có những lời kêu gọi đưa ra các cải cách quy định. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết: "Nếu các biện pháp pháp lý, lập pháp, quản lý là cần thiết, chúng tôi sẽ nắm bắt và thực hiện chúng. Một vụ bê bối như Wirecard là một lời cảnh tỉnh rằng chúng ta cần theo dõi và giám sát nhiều hơn hiện nay".