Ngóng chờ tiền hỗ trợ
Đăng ký, liên hệ bằng nhiều cách khác nhau nhưng đến nay nhiều người vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào.
- 07-09-2021Quyền lợi người lao động có bị giảm khi doanh nghiệp được tạm dừng đóng BHXH?
- 06-09-2021Bộ trưởng Bộ Y tế: 'Cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine chưa tính nguồn COVAX'
- 06-09-2021Thủ tướng: Trong tháng 9 phải quyết tâm kiểm soát dịch, sẽ thí điểm cho khách quốc tế đến Phú Quốc!
Sáng 6-9, tại khu nhà trọ thuộc tổ 89, khu phố 13 (phường 5, quận Gò Vấp, TP HCM), vợ chồng chị Đoàn Thị Huyền cùng 2 con nhỏ ăn tạm ổ bánh mì do một người trong khu trọ cho. Nhìn 2 con nhỏ, chị Huyền xót xa nói: "Em bán trứng vịt lộn, còn chồng em làm phụ hồ nên từ đầu tháng 6 đến nay, vợ chồng em thất nghiệp, không làm gì ra tiền trong khi nuôi 2 con nhỏ. Cũng may chủ nhà trọ tốt bụng nên miễn giảm tiền thuê trọ. Quá khó khăn nên em lên Facebook thấy có nhóm từ thiện thì xin, ai cho gì nhận đó".
Anh Nguyễn Văn Công, chồng chị Huyền, cho hay từ khi biết có chính sách hỗ trợ của nhà nước cho lao động tự do mất việc làm, vợ chồng anh và các phòng trọ cùng dãy đăng ký nhưng đến nay chưa nhận được sự hỗ trợ, túi an sinh cũng chưa thấy.
Cùng cảnh ngộ ở trọ và mất việc như vợ chồng chị Huyền, anh Nguyễn Tấn Phúc ở trọ tại tổ 16, khu phố 3 (phường 6, quận Gò Vấp) cũng chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào. Anh cho biết trước khi thất nghiệp, anh là thợ phụ cho cửa hàng điện nước với mức lương 4 triệu đồng/tháng nên không tiết kiệm được bao nhiêu; trong khi hai bạn trọ cùng là phục vụ nhà hàng thất nghiệp từ khi dịch bùng phát từ tháng 4. Cả 3 bấu víu nhau sống bằng tiền tiết kiệm và hỗ trợ từ gia đình nhưng hiện đã cạn kiệt.
Gia đình chị Đoàn Thị Huyền với 4 người đang sống chật vật trong phòng trọ nhỏ hẹp
"Nếu dịch kéo dài, tụi tôi phải về quê thôi chứ không còn cách nào khác. Tiền trọ, tiền ăn không còn nữa. Chúng tôi hy vọng vào khoản hỗ trợ để trả tiền trọ nhưng 3 tháng nay hỏi tổ dân phố thì họ nói chờ, hỏi nhiều thì họ nói lên phường mà hỏi. Hỏi phường thì nói liên hệ tổ khu phố. Cứ lòng vòng như vậy khiến tụi tôi cũng nản" - anh Phúc nói. Không chỉ phòng của anh Phúc, mà cả khu trọ gồm 8 phòng này cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Cũng tại phường 6, quận Gò Vấp, chị Đoàn Thị Bích Ngọc (trọ ở tổ 32A, khu phố 5) cho biết khu trọ có hơn 80 phòng, hiện một số phòng bỏ trống do người trọ đã về quê, còn lại khoảng 50 phòng có người ở. Đa số anh chị em ở khu trọ đều thất nghiệp từ vài tháng nay và hiện ai cũng đang gặp khó khăn.
"Ăn uống có thể xin từ các nhóm từ thiện nhưng tiền trọ chúng tôi phải đóng dù được giảm một ít. Nhiều tháng nay không có việc làm, không có thu nhập nên chúng tôi đang cần tiền để trang trải. Nếu được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, chúng tôi sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này" - chị Ngọc bày tỏ. Chị cũng cho biết đợt vừa rồi thấy có các phần quà gồm gạo, trứng, sữa nhưng cũng chỉ vài phòng được nhận, còn lại mấy chục phòng đều không có.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Đào Thị Hồng Hạnh, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Gò Vấp, cho biết tính đến ngày 6-9, các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 như: Người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương (1,8 triệu đồng/người); NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và NLĐ không có giao kết HĐLĐ (lao động tự do, đợt 1) bị mất việc làm (1,5 triệu đồng/người), quận đã giải ngân 100% với tổng số tiền gần 43 tỉ đồng.
Riêng NLĐ không có giao kết HĐLĐ (lao động tự do, đợt 2) bị mất việc làm (1,5 triệu đồng/người) mới chỉ giải ngân 90,41% với số tiền hơn 50 tỉ đồng. Hiện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận đang tăng tốc làm việc với các phường để tiến hành giải ngân cho hết những danh sách được duyệt. "Với những trường hợp chưa nhận được, quận đã lập danh sách bổ sung và đã trình lên thành phố. Chúng tôi đang làm cả thứ bảy, chủ nhật để làm sao các gói hỗ trợ đến tay người dân sớm nhất, cố gắng không bỏ sót ai" - bà Hạnh nói.
Ủy ban MTTQ quận Gò Vấp, TP HCM cho biết tất cả người dân trên địa bàn quận gặp khó khăn cần hỗ trợ lương thực thực phẩm thiết yếu, có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng 028.39.962.793 và 028.39.962.794 để được hỗ trợ kịp thời.
Người lao động