MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ngọt” như cổ phiếu mía đường

“Ngọt” như cổ phiếu mía đường

Từ đầu năm tới nay cổ phiếu mía đường đang có những biến động khá tích cực với nhiều mã tăng trưởng mạnh, thậm chí tăng hàng chục phần trăm như Mía đường Lam Sơn (LSS), Mía đường Sơn La (SLS) hay Đường Kon Tum (KTS).

Là nhóm cổ phiếu "nhỏ", ít được chú ý trên TTCK Việt Nam nhưng từ đầu năm tới nay cổ phiếu mía đường đang có những biến động khá tích cực với nhiều mã tăng trưởng mạnh, thậm chí tăng hàng chục phần trăm như Mía đường Lam Sơn (LSS), Mía đường Sơn La (SLS) hay Đường Kon Tum (KTS).

Diễn biến tích cực của nhóm mía đường thời gian qua đến từ việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường thô từ Thái Lan hay việc giá đường thế giới đang tăng "phi mã".

“Ngọt” như cổ phiếu mía đường - Ảnh 1.

Đường trong nước "dậy sóng" trước tin áp thuế đường Thái Lan

Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Sau 5 tháng điều tra, Bộ Công thương xem xét và đánh giá kỹ lưỡng thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá và mức độ được trợ cấp của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm đường mía của Thái Lan cũng như tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng.

Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%. Mức thuế này sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng nếu có biểu hiện chuyển mạnh từ nhập khẩu đường tinh luyện, đường trắng sang nhập khẩu đường thô để lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ở mức cao hơn.

Theo đánh giá của CTCK Vietcombank (VCBS), sau khi mức thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực thì sản lượng đường thô nhập khẩu từ Thái Lan sẽ giảm mạnh và giá đường nội địa của Việt Nam có thể tăng giá. Điều này cũng đồng thời tạo tác động gián tiếp giúp các nhà máy đường tăng giá mía để khuyến khích nông dân phát triển và phục hồi trở lại vùng nguyên liệu trồng mía.

Với mức thuế lên tới 33,88%, VCBS ước tính giá đường nhập từ Thái Lan sẽ ngang hoặc cao hơn giá đường Việt Nam, giúp giá đường trong nước cải thiện hơn trong bối cảnh giá đường Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực.

Khoảng 2 năm qua, ngành đường trong nước gặp không ít khó khăn bởi theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN từ ngày 1/1/2018. Do đó, với việc áp thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan sẽ là thông tin rất tốt cho các doanh nghiệp trong nước. Trong quá khứ, tương tự như nhóm đường, nhóm ngành thép cũng từng có những con sóng lớn khi Bộ Công thương áp thuế tự vệ thương mại.

Hưởng lợi từ giá đường thế giới tăng "phi mã"

Bên cạnh yếu tố áp thuế, một thông tin hỗ trợ các doanh nghiệp đường lúc này là giá đường thế giới đang tăng "phi mã". Số liệu từ Trading Economis cho biết giá đường thế giới hiện vào khoảng 18,8 USD/Pound, tăng khoảng 21% so với đầu năm và tăng hơn 70% so với đầu tháng 5/2020.

“Ngọt” như cổ phiếu mía đường - Ảnh 2.

Giá đường thế giới tăng "phi mã"

Tình trạng thiếu hụt container ở các quốc gia như Ấn Độ đã tạo ra sự khan hiếm đường trên thị trường và sản lượng thất vọng tại một số nước sản xuất như Thái Lan và EU cũng hỗ trợ giá đường tăng.

Theo VCBS, niên độ 2020-2021, sản lượng đường toàn cầu sẽ thấp hơn niên đô 2019-2020. Ấn Độ là nước hưởng lợi do sản lượng trong nước dư thừa, Thái Lan bị ảnh hưởng do thời tiết xấu và dự kiến không thể đạt mục tiêu xuất khẩu sang các nước khác. Brazil thu hẹp diện tích mía do chuyển hướng sang sản xuất ethanol. Bên cạnh đó, triển vọng giá đường sẽ được thúc đẩy bởi tác động của La Nina (được xác nhận trong tháng 10 và kéo dài đến nửa đầu năm 2021).

Long Nhật

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên