MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngư dân 4 tỉnh miền Trung được vay hơn 300 tỷ đồng khắc phục thiệt hại

06-10-2016 - 15:54 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước cho biết trên thực tế việc thống kê mức độ thiệt hại, nhất là thiệt hại gián tiếp như đánh bắt, thu mua, bảo quản và các dịch vụ liên quan khác như du lịch, nhà hàng… là rất khó do chưa có bộ tiêu chí đánh giá thống nhất.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/9/2016, các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ ngư dân khắc phục thiệt hại với tổng số tiền cho vay mới 306,8 tỷ đồng cho 3.825 lượt khách hàng tại 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra, dư nợ được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ là 112,8 tỷ đồng cho 1.279 khách hàng và dư nợ được miễn, giảm lãi là 892,4 tỷ đồng cho 563 khách hàng (số tiền lãi được miễn, giảm là 2,7 tỷ đồng) và đang đề nghị khoanh nợ số tiền 891 triệu đồng cho 44 khách hàng (số liệu khoanh nợ phát sinh tại Ngân hàng Chính sách xã hội).

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công văn số 3177 và 3178/NHNN-TD ngày 01/05/2016 gửi các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố có xảy ra hiện tượng cá chết bất thường để chỉ đạo một số biện pháp khẩn cấp.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập tổ công tác thường trực để triển khai hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong việc lên phương án khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới để giúp người dân khắc phục khó khăn, tiếp tục sản xuất. Ngoài ra, tổ này cũng có nhiệm vụ nghiên cứu phương án hỗ trợ ngư dân vay vốn khi có nhu cầu chuyển đổi sang làm nghề mới.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, tổng dư nợ bị ảnh hưởng là 2.181,9 tỷ đồng với 8.874 khách hàng.

Cụ thể, tổng dư nợ vay bị ảnh hưởng của tỉnh Hà Tĩnh là 226,3 tỷ đồng đối với 1.714 khách hàng; tỉnh Quảng Bình là 1.414 tỷ đồng với 5.026 khách hàng; tỉnh Quảng Trị là 320 tỷ đồng với 864 khách hàng và tỉnh Thừa Thiên Huế là 221,63 tỷ đồng với 1.270 khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết trên thực tế việc thống kê mức độ thiệt hại, nhất là thiệt hại gián tiếp như đánh bắt, thu mua, bảo quản và các dịch vụ liên quan khác như du lịch, nhà hàng… là rất khó do chưa có bộ tiêu chí đánh giá thống nhất.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện các giải pháp miễn, giảm lãi và cơ cấu nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng và đang tích cực triển khai các gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ cho các khách hàng tại địa phương để triển khai phương án sản xuất kinh doanh mới.

Điển hình là Agribank triển khai gói tín dụng 500 tỷ đồng; BIDV triển khai gói tín dụng 1.500 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 6%, trung dài hạn 8%; VietinBank triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 6%, trung dài hạn 7%; Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai gói tín dụng 125 tỷ đồng...

Thời hạn giải ngân cho vay từ 05/5/2016 đến hết ngày 05/07/2016, thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất tối đa 6 tháng, lãi suất áp dụng là lãi suất cho vay ngắn hạn thấp nhất áp dụng cho các khoản vay cùng kỳ hạn thuộc các lĩnh vực ưu tiên nhưng không vượt quá 7%/năm và được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay trong thời gian khách hàng vay thu mua, tạm trữ hải sản.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã cho vay thu mua, tạm trữ hải sản tại 4 tỉnh này do hiện tượng cá chết bất thường.

Bốn ngân hàng trên cũng đã có công văn chỉ đạo các chi nhánh tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế khẩn trương triển khai chương trình. Đến thời điểm kết thúc chương trình (5/7/2016), các ngân hàng đã cho vay 208,93 tỷ đồng để thu mua 7.302 tấn hải sản (trong đó VietinBank cho vay nhiều nhất là 101,26 tỷ đồng để thu mua 1.419 tấn hải sản; Agribank cho vay 67,81 tỷ đồng để thu mua 2.222 tấn hải sản).

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên