MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngũ Long của Lương Sơn Bạc: Người có võ công "xuất quỷ nhập thần", người có định mệnh đẹp nhất Thủy Hử

20-03-2024 - 21:40 PM | Sống

Trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, có 5 vị được mệnh danh là "Ngũ Long". Họ là ai?

"Thủy Hử" là một trong Tứ đại danh tác nổi tiếng của Trung Quốc. Tác giả Thi Nại Am đã tạo ra 108 hình ảnh sống động như thật về các anh hùng hảo hán tụ nghĩa trên Lương Sơn Bạc trong cuốn tiểu thuyết dài hơn 100 kỳ. 

Khác với "Tam Quốc Diễn Nghĩa", mỗi anh hùng Lương Sơn đều có biệt hiệu riêng, trong đó có 5 người được mệnh danh là "Rồng", tức Ngũ Long.

Ngũ Long Lương Sơn Bạc gồm những ai?

1. "Nhập Vân Long" Công Tôn Thắng

Trong Ngũ Long, Công Tôn Thắng là người mạnh nhất.

Công Tôn Thắng là đầu lĩnh đứng thứ tư trên Lương Sơn. Biệt hiệu "Nhập Vân Long" (Rồng luồn mây) của Công Tôn Thắng đã nói lên phần nào sức mạnh "hô mưa, gọi gió, đạp mây, cưỡi sóng" của một vị đạo sĩ tinh thông Đạo giáo thuộc phái Toàn Chân Đạo.

Chưa hết, Công Tôn Thắng còn thông minh và tài trí hơn người, đó là lý do người này trở thành chiến lược gia hàng đầu của nghĩa quân Lương Sơn.

Ngũ Long của Lương Sơn Bạc: Người có võ công

Ảnh minh họa.

Tài năng của Nhập Vân Long không dừng ở đó. "Bậc thầy phép thuật Đạo giáo" còn sở hữu võ công 'xuất quỷ nhập thần' khi có thể sử dụng thuần thục Tùng Văn Cổ Định kiếm, cũng như sở hữu Ngũ Lôi Thiên Tâm - một phép thuật hệ Lôi mà hầu hết đạo sĩ đều khổ luyện mới có.

Nhờ tài năng võ thuật, tinh thông hơn người cùng tài phép lạ biến hóa khôn lường mà Công Tôn Thắng đã nhiều lần góp công lớn cho nghĩa quân. Khi các anh hùng của Lương Sơn gặp phải một đối thủ thuộc hàng bậc thầy pháp sư mà họ không thể đánh bại, chính Công Tôn Thắng lập được công lớn.

Đó chính là sự kiện Công Tôn Thắng phá trận Bát quái của Cao Liêm.

Khi Cao Đường Châu bị đánh bại, Cao Liêm (cháu của thái úy Cao Cầu) khi đó đang trấn thủ tại đây nhận thấy lực lượng Lương Sơn ngày càng mạnh, y liền sử dụng kỹ năng ma thuật hắc ám của mình để chống chọi. Tuy nhiên, hắn không gặp may khi đối đầu Công Tôn Thắng. 

Phép thuật của Công Tôn Thắng mạnh hơn, nhanh chóng hóa giải ma thuật hắc ám, giúp nghĩa quân Lương Sơn đánh bại Cao Đường Châu. Cao Liêm sau đó cũng có kết cục thê thảm.

Sau này, Công Tôn Thắng là người duy nhất rời khỏi nghĩa quân Lương Sơn lúc đỉnh cao nhất. Vị quân sư này cũng là người có kết thúc viên mãn nhất trong Thủy Hử: Hàng ngày uống rượu, ngâm thơ rồi về sau vân du tu luyện, đạt được cảnh giới cao nhất.

2. "Hỗn Giang Long" Lý Tuấn

Trong Ngũ Long, định mệnh của Lý Tuấn đẹp nhất!

Nắm trong tay vị trí thống lĩnh Thủy quân của nghĩa quân Lương Sơn, Lý Tuấn chính là "con rồng" có khả năng "quấy sông". Người này từ nhỏ đã thông thạo sông nước, ham thích võ thuật. Lớn lên, Lý Tuấn sở hữu khả năng bơi lội cực giỏi cùng võ nghệ cao cường. 

Dưới ngòi bút của Thi Nại Am, Lý Tuấn là một chàng trai cao lớn, khôi ngô, mắt sáng như sao, giọng nói sang sảng. Biệt hiệu "Hỗn Giang Long" thực chất còn có ý nghĩa khác, liên quan đến kết cục của người này sau khi Lương Sơn Bạc tan rã.

Trở lại thời điểm khi Lý Tuấn chưa tụ nghĩa cùng các anh hùng hảo hán. Lý Tuấn kết tình huynh đệ cùng Lý Lập, anh em Đồng Uy, Đồng Mãnh lập băng cướp 4 người, hành nghề tại Yết Dương sơn.

Ngũ Long của Lương Sơn Bạc: Người có võ công

Ảnh minh họa.

Cuộc sống những tưởng cứ thể bình lặng trôi qua tại vùng sông núi, nhưng cuộc giải cứu định mệnh của Lý Tuấn với Tống Giang (thủ lĩnh Lương Sơn Bạc) đã khiến số phận của Lý Tuấn thời trai trẻ rẽ sang một hướng khác: Gia nhập Lương Sơn Bạc.

Sau khi lên núi cùng các anh hùng, Lý Tuấn lập vô số công lớn, trong đó có chiến dịch bình Liêu hiển hách. Tuy là thủ lĩnh hải quân nhưng Lý Tuấn chưa từng vắng mặt trong các cuộc viễn chinh tới Cao Đường Châu, Thanh Châu và Hoa Châu.

Đối mặt với những tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", Lý Tuấn luôn luôn giữ được sự bình tĩnh. Phong thái này phần nào tạo nên định mệnh đẹp nhất Thủy Hử của "Rồng quấy sông".

Chiến thắng quân Phương Lạp trở về, Lý Tuấn cùng Đồng Mãnh, Đồng Uy dong thuyền sang Xiêm La (Thái Lan ngày nay). Lý Tuấn trở thành vua Xiêm La, 2 người còn lại cũng làm quan lớn, phò tá vị vua từng "vào sinh ra tử".

Như đã nói, biệt hiệu "Hỗn Giang Long" của Lý Tuấn còn có một ý nghĩa khác: Đó là một con rồng đích thực, không chịu quẫy trong sông nhỏ mà phải tung hoành nơi biển lớn.

3. "Cửu Văn Long" Sử Tiến

Trong Ngũ Long, Sử Tiến là thiếu gia dòng dõi trâm anh thế phiệt.

Trong Lương Sơn Bạc, Sử Tiến là một trong Kỵ binh Bát hổ xuất chúng của nghĩa quân, đóng vai trò là Tướng tiên phong của Mã quân.

Thi Nại Am miêu tả Sử Tiến là người có thân hình cao lớn, vẻ ngoài tuấn tú, trên mình có hình xăm chín con rồng nên được mệnh danh là "Cửu Văn Long".

Xuất thân là Thiếu trang chủ Sử gia trang, là con trai độc nhất của Sử Viên Ngoại thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt, Sử Tiến từ nhỏ không thích đèn sách nhưng lại vô cùng yêu thích võ nghệ, nhanh chóng bái sư và theo "Đả Hổ Tướng" Lý Trung học võ. 

Ngũ Long của Lương Sơn Bạc: Người có võ công

Ảnh minh họa.

Về sau, cảm phục trước tài năng võ công của Vương Tiến, Sử Tiến tiếp tục bái làm sư phụ và học được thập bát ban binh khí của thầy. Nhờ kiên trì tập luyện, võ nghệ của Sử Tiến thuộc hàng cao cường (cầm hòa với Lỗ Trí Thâm sau 30 hiệp đấu), sử dụng điêu luyện côn, Phác đao, siêu đao.

Mối lương duyên với Lỗ Trí Thâm đã đưa Sử Tiến tụ nghĩa cùng các anh hung trên Lương Sơn Bạc.

Trong trận đánh với quân Phương Lạp, Sử Tiến tử trận sau khi bị tướng địch là Bàng Vạn Xuân dùng tên bắn chết trong trận đánh tại ải Dục Linh.

Sử Tiến võ công cái thế, tính tình phóng khoáng, ngay thẳng, nhưng cái chết đột ngột của "Cửu Văn Long" đã khiến nhiều độc giả Thủy Hử cảm thấy vô cùng tiếc nuối, hụt hẫng.

4. "Xuất Lâm Long" Trâu Uyên

Trong Ngũ Long, Trâu Uyên tử trận thảm khốc.

Xuất thân là thảo khấu hành nghề ở Đăng Vân sơn (thuộc phủ Đăng Châu), Trâu Uyên được Thi Nại Am mô tả là người có võ nghệ cao cường, nhưng tính khí cao ngạo, bộc trực.

Trong lần Trâu Uyên cùng cháu là Trâu Nhuận thực hiện cướp ngục phủ Đăng Châu thành công (để giải anh em Giải Trân, Giải Bảo, về sau cũng thuộc 108 anh hùng Lương Sơn Bạc), Trâu Uyên đã lên núi Lương Sơn tụ nghĩa cùng các hảo hán. Biệt hiệu "Xuất Lâm Long" (Rồng rời rừng) có lẽ để chỉ việc Trâu Uyên từ bỏ nghề cướp bóc chốn rừng núi để cùng các vị hảo hán làm việc nghĩa.

Ngũ Long của Lương Sơn Bạc: Người có võ công

Ảnh minh họa.

Sau khi gia nhập, Trâu Uyên xếp thứ 90, giữ chức Bộ quân tướng hiệu chuyên cai quản bộ binh trong nghĩa quân Lương Sơn. Từ đó, người này đóng góp nhiều công cho nghĩa quân, đặc biệt là trong việc giải cứu các anh hùng gặp nạn khác như Lư Tuấn Nghĩa và Thạch Tú.

Cũng giống như nhiều anh hùng Lương Sơn khác bỏ mạng trong chiến dịch bình Phương Lạp, Trâu Uyên có kết cục thậm chí còn thảm khốc hơn.

Trong trận triệt phá động Thanh Khê, Trâu Uyên bị vó ngựa điên loạn của quân địch giày xéo đến chết. Để tưởng nhớ công lao dũng cảm xông pha trận mạc, góp phần cho Lương Sơn chiến thắng, về sau Trâu Uyên được sắc phong tước là Nghĩa Tiết Lang.

5. "Độc Giác Long" Trâu Nhuận

Trong Ngũ Long, Trâu Nhuận dũng cảm hơn người.

Trâu Nhuận là cháu của Trâu Uyên. Tuy là chú-cháu nhưng hai người bằng tuổi nhau và cùng hành nghề thảo khấu trước khi gia nhập nghĩa quân Lương Sơn.

Thi Nại Am mô tả Trâu Nhuận là người cao lớn, có sức khỏe hơn người. Trên đầu người này xuất hiện khối u lớn, có thể dùng nó để húc đổ cả một cây tùng nên có biệt hiệu là "Độc Giác Long" (Rồng một sừng).

Ngũ Long của Lương Sơn Bạc: Người có võ công

Ảnh minh họa.

Sử dụng sức mạnh cơ bắp cùng lòng dũng cảm không kém người chú Trâu Uyên, Trâu Nhuận cũng góp nhiều công lớn cho Lương Sơn Bạc. Khi phân ngôi ở Lương Sơn Bạc, Trâu Nhuận cũng giữ chức Bộ quân tướng hiệu và xếp thứ 91.

Tuy là "cặp bài trùng" của Trâu Uyên, chú-cháu vào sinh ra tử nhưng Trâu Nhuận có cái kết đẹp hơn Trâu Uyên.

Sau khi cùng Tống Giang và nhiều tướng Lương Sơn đánh Phương Lạp sống sót trở về, Trâu Nhuận được phong là Võ Dịch Lang và nhận chức Đô Thống Lĩnh chuyên điều hành binh lính tại phủ Đăng Châu.

Tham khảo: Sohu, Zhihu, 163

Theo Trang Ly

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên