MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngừng bay, Air Mekong và Indochina Airlines vẫn nợ đầm đìa

02-08-2017 - 14:22 PM | Doanh nghiệp

Các chủ nợ của Air Mekong và Indochina Airlines không còn cách nào để thu hồi công nợ, buộc phải đưa 2 hãng hàng không này vào danh sách khách hàng có nợ xấu.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec), cho biết hiện nay, hãng hàng không đã phá sản Indochina Airlines do nhạc sĩ Hà Dũng làm Tổng giám đốc điều hành vẫn còn nợ Skypec 30 tỉ đồng tiền nhiên liệu bay.

Công nợ phát sinh từ năm 2009, chỉ một thời gian ngắn sau khi Indochina Airlines cất cánh nhưng Skypec (khi đó là Công ty Xăng dầu hàng không Việt Nam (Vinapco) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) không đòi được nợ, cũng không thể ngừng cung cấp xăng dầu vì lo bị quy vào lỗi làm gián đoạn hoạt động vận tải hàng không.

Trước nguy cơ mất vốn nhà nước, cuối năm 2010, Vinapco đã khởi kiện Indochina Airlines ra Tòa án kinh tế Hà Nội. Ngày 28-2-2011, Toà án kinh tế Hà Nội đã mở phiên xét xử đầu tiên nhưng nhạc sĩ Hà Dũng vắng mặt, cũng không uỷ quyền cho người đại diện tham dự. Không triệu tập được ông Hà Dũng ở toà kinh tế Hà Nội, Vinapco tiếp tục chuyển hồ sơ vào toà án phía Nam nhưng vẫn không thu hồi được công nợ.

Indochina Airlines là hãng hàng không tư nhân thứ 2 ở Việt Nam được cấp phép (sau Vietjet Air) nhưng lại là hãng tư nhân đầu tiên cất cánh. Hãng nhận giấy cấp phép kinh doanh vận tải hàng không tháng 5-2008 với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Hàng không Tăng Tốc (AirSpeedUp), vốn điều lệ 200 tỉ đồng.

Tháng 10-2008, đổi tên thành Công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương (Indochina Airlines) và chọn ngày cất cánh trùng với ngày sinh nhật của nhạc sĩ Hà Dũng, ngày 25-11-2008. Năm 2009, hãng hàng không này ngừng bay vì thua lỗ và sau đó phá sản, bị thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không. Đến nay, Vinapco đã 3 lần đổi lãnh đạo song vẫn không thể đòi được khoản nợ 30 tỉ đồng của Indochina Airlines.


Quầy làm thủ tục của Air Mekong tại sân bay Tân Sơn Nhất khi hãng còn hoạt động - Ảnh: Tô Hà

Quầy làm thủ tục của Air Mekong tại sân bay Tân Sơn Nhất khi hãng còn hoạt động - Ảnh: Tô Hà

Trong khi đó, thông tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết công ty CP Hàng không Mekong ( Air Mekong ) vẫn chưa thanh toán khoản nợ gần 26 tỉ đồng. Số nợ này phát sinh từ hợp đồng cung cấp dịch vụ cất/hạ cánh, bãi đỗ… được ký kết giữa hai doanh nghiệp.

Trong bảng nợ xấu của ACV có tổng cộng 19 khách nợ thì trong đó có 3 hãng hàng không. Tổng nợ xấu của ACV đối với 19 khách nợ nói trên là 30,2 tỉ đồng thì riêng Air Mekong chiếm 25,907 tỉ đồng. Các khách nợ là hãng hàng không khác gồm có Transaero Airlines (hãng hàng không có trụ sở tại sân bay Domodedovo – Moscow, Nga) nợ 2,6 tỉ đồng và hãng hàng không SW Italia (hãng hàng không chở hàng của Italia) nợ 634 triệu đồng.

Người sáng lập Air Mekong là ông Đoàn Quốc Việt, một đại gia kinh doanh bất động sản và nuôi tôm khởi nghiệp ở Quảng Ninh, ông chủ tập đoàn BIM. Air Mekong được cấp phép kinh doanh vận tải hàng không ngày 30-10-2008 và khai trương chuyến bay đầu tiên ngày 9-10-2010. Ban đầu, những người sáng lập Air Mekong dự định cất cánh đúng ngày 10-10-2010 nhưng sau đó lại thay đổi, và chuyến bay đầu tiên từ sân bay quốc tế Nội Bài bị trục trặc kỹ thuật, buộc phải quay lại sân bay xuất phát.

Cuối năm 2013, Air Mekong ngừng bay vì thua lỗ và đến đầu năm 2015 bị thu hồi giấy phép do không thể tái cơ cấu. Điểm khác biệt trong chiến lược kinh doanh của Air Mekong là chọn dòng máy bay thân hẹp Bombardier CRJ900 có dưới 90 chỗ ngồi, khai thác các tuyến du lịch biển và đặt căn cứ tại sân bay Phú Quốc.

Đại diện ACV và Skypec đều cho biết số nợ của Air Mekong và Indochina Airlines tuy không lớn so với quy mô doanh nghiệp nhưng đây là nợ phải thu để đảm bảo tài sản, vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo T.Hà

Người lao động

Trở lên trên